Đồng Nai: Quản lý chất thải sinh hoạt vẫn còn nhiều bất cập

08:20 | 15/07/2023

|
Khu xử lý (KXL) chất thải chưa thực hiện theo quy hoạch, chuẩn hóa trạm trung chuyển và xe chở rác chậm, tỷ lệ rác phân loại tại nguồn thấp là các bất cập trong quản lý chất thải sinh hoạt (CTSH). Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững của tỉnh.
Đồng Nai: Quản lý chất thải sinh hoạt vẫn còn nhiều bất cập
Thu gom chất thải sinh hoạt tái chế tại lễ phát động Ngày Môi trường thế giới năm 2023. Ảnh: L.An

Quản lý CTSH theo tiêu chí môi trường là yêu cầu bức thiết hiện nay.

* Hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng

Theo quy hoạch từ nhiều năm trước, Đồng Nai có 9 KXL chất thải nhưng thời điểm hiện tại chỉ có 4 khu tiếp nhận CTSH; các khu còn lại chưa hoàn thành đầu tư hạ tầng hoặc không tham gia xử lý CTSH. Hệ quả, một số KXL bị quá tải công suất, các huyện như: Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ phải chở rác đi 30-40km để xử lý.

KXL chất thải tại xã Quang Trung (H.Thống Nhất) là ví dụ. Vì phải tăng gấp 6 lần công suất được duyệt ban đầu nên đã xảy ra quá tải công suất, thiếu đất chôn lấp hợp vệ sinh. Năm 2022 và 2023, KXL đã nhiều lần có văn bản tạm ngưng, giảm tiếp nhận rác thải khiến nhiều địa phương lo lắng. Lần gần đây nhất, KXL thông báo tạm dừng nhận CTSH của 3/8 địa phương từ ngày 1-7-2023.

Nhiều năm nay, tỉnh yêu cầu các địa phương phải bố trí quỹ đất, nguồn vốn đầu tư điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải nhưng đến nay mới có 14/67 điểm tập kết, trạm trung chuyển cơ bản đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Xây dựng. Còn lại chỉ mang tính chất tạm thời, không đảm bảo các quy định về kỹ thuật xây dựng và môi trường.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngô Đức Vượng, Phó trưởng phòng TN-MT H.Trảng Bom cho biết, huyện đã quy hoạch 2 trạm trung chuyển chất thải nhưng nhanh nhất phải đến năm 2024 mới triển khai được. Nguyên nhân là 1 trạm đầu tư theo hình thức xã hội hóa phải chờ làm thủ tục, được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trạm đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước phải qua các bước nghiên cứu khả thi, ghi vốn, đưa vào kế hoạch sử dụng đất.

Hiện có 4/9 KXL tiếp nhận CTSH là: Quang Trung xử lý khoảng 1,2 ngàn tấn/ngày; Vĩnh Tân khoảng 335 tấn/ngày; Túc Trưng khoảng 110 tấn/ngày và Xuân Tâm khoảng 82 tấn/ngày. Tổng lượng CTSH của toàn tỉnh là hơn 2,1 ngàn tấn/ngày.

Ngoài các tồn tại trên, công tác chuẩn hóa phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải chưa đáp ứng yêu cầu. Thống kê năm 2022, toàn tỉnh có gần 150 xe chuyên dụng, xe ép rác bảo đảm cho hoạt động thu gom CTSH nhưng có hơn 200 phương tiện thô sơ. Công tác phân loại rác tại nguồn toàn tỉnh có 43% hộ dân thực hiện. Tuy nhiên, tỷ lệ rác thải sau phân loại được thu gom tái chế rất thấp. Những dự án đốt rác phát điện tỉnh kêu gọi đầu tư và doanh nghiệp đề xuất đến nay vẫn chưa được triển khai.

Chính vì các lý do chưa thực hiện đúng quy hoạch đầu tư KXL, chậm chuẩn hóa phương tiện và trạm trung chuyển chất thải, dự án điện rác chưa triển khai nên việc thu gom, xử lý CTSH vẫn còn nhiều bất cập.

* Bức thiết vấn đề xử lý CTSH

Trước thông tin KXL chất thải lớn nhất tỉnh ngưng tiếp nhận rác, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã có báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy. Hiện KXL tại xã Quang Trung chỉ còn ô chôn lấp chất thải có thể tích khoảng 195 ngàn m3. Trường hợp chủ dự án không chôn lấp chất thải rắn công nghiệp thông thường thì khả năng tiếp nhận CTSH đến tháng 2-2025, còn nếu chôn lấp cả 2 loại thì thời gian đóng bãi bị rút ngắn. Báo cáo cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến việc KXL đề nghị tạm ngừng tiếp nhận CTSH vì đang chờ tỉnh và các sở, ngành hướng dẫn điều chỉnh quy hoạch chi tiết để xây dựng thêm ô chôn lấp. Bên cạnh đó, nhiều địa phương nợ chi phí xử lý rác khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

Theo ông Trần Trọng Toàn, Phó giám đốc Sở TN-MT, thời điểm hiện tại, KXL rác thải tại xã Quang Trung vẫn tiếp nhận rác của 8/11 huyện, thành phố. Tới đây, Sở TN-MT sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, đo đạc, đánh giá khả năng tiếp nhận rác của KXL và đưa ra các phương án để đảm bảo tiếp nhận rác trong thời gian chờ điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Trường hợp cấp bách (quá tải, hết đất chôn lấp) sẽ bố trí tạm khu vực lưu chứa rác trơ và phân hữu cơ.

Việc điều chỉnh quy hoạch để duy trì công suất tiếp nhận trong 1-2 năm chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, phải chuẩn hóa hạ tầng thu gom, xử lý chất thải; nâng cao ý thức của cộng đồng trong phân loại CTSH tại nguồn; triển khai xây dựng các dự án đốt rác phát điện để tăng khả năng tiếp nhận rác và tận dụng giá trị kinh tế của rác thải.

Làm việc với các sở, ngành về CTSH mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu Sở TN-MT làm việc với từng chủ dự án xử lý CTSH, yêu cầu xây dựng kế hoạch, đề ra lộ trình triển khai đầu tư hạ tầng theo quy hoạch. Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Trường hợp chủ dự án thực hiện không đúng quy hoạch quản lý chất thải rắn và giấy chứng nhận đầu tư, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh mục tiêu và thu hồi diện tích không triển khai thực hiện.

Nguồn: Quản lý chất thải sinh hoạt vẫn còn nhiều bất cập

Lê An

baodongnai.com.vn