Đồng Nai: Xuất khẩu trái cây kỳ vọng niên vụ mới nhiều khởi sắc

10:11 | 17/12/2022

|
Năm 2022 là một năm thắng lợi lớn của ngành Nông nghiệp với nhiều mặt hàng nông sản có nguồn gốc thực vật của Việt Nam được phép xuất khẩu vào các thị trường thế giới. Báo Đồng Nai điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai
Đồng Nai: Nhiều giải pháp xử lý môi trường trong chăn nuôiĐồng Nai: Nhiều giải pháp xử lý môi trường trong chăn nuôi
Đồng Nai: Dự án Sân bay Long Thành: Tăng tốc giải phóng mặt bằng để thi công đồng loạtĐồng Nai: Dự án Sân bay Long Thành: Tăng tốc giải phóng mặt bằng để thi công đồng loạt
Chuối cấy mô xuất khẩu đang vào niên vụ thu hoạch. Ảnh: Đóng gói chuối xuất khẩu tại xã Thanh Sơn (H.Định Quán). B.Nguyên
Chuối cấy mô xuất khẩu đang vào niên vụ thu hoạch. Ảnh: Đóng gói chuối xuất khẩu tại xã Thanh Sơn (H.Định Quán). B.Nguyên

Hiện nhiều mặt hàng trái cây tươi là sản phẩm chủ lực xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đang vào vụ thu hoạch chính như: chuối, thanh long, xoài, bưởi, mít… Với việc nhiều thị trường mở cửa cho mặt hàng trái cây tươi Việt Nam, dự đoán trong niên vụ mới, xuất khẩu các mặt hàng trái cây tươi có nhiều khởi sắc.

* Nguồn cung dồi dào

Theo số liệu từ Sở NN-PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có 7 loại trái cây đang vào vụ thu hoạch chính gồm: thanh long, cam, quýt, bưởi, mít, chuối và xoài. Dự kiến trong tháng Tết Nguyên đán 2023, tổng sản lượng thu hoạch các loại nông sản này là 42 ngàn tấn, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh, ngoài tỉnh và thị trường xuất khẩu.

Dự kiến nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh trong tháng Tết Nguyên đán 2023 là 14 ngàn tấn trái cây. Nguồn cung còn lại khá dồi dào cung cấp ra thị trường ngoài tỉnh và xuất khẩu.

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của hậu dịch bệnh Covid-19 và tình hình thế giới đã làm hoạt động xuất khẩu một số mặt hàng nông sản tươi, nông sản chế biến gặp nhiều khó khăn. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau, củ, quả trong 11 tháng năm 2022 của tỉnh đạt 136 triệu USD, giảm 0,05% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dự báo những khó khăn trên sẽ giảm bớt trong niên vụ mới.

Ông Saw Lean Joo, Tổng giám đốc Công ty CP AGRO QL (TP.HCM) có nhà máy sơ chế, chế biến trái cây tươi tại H.Thống Nhất cho biết, những tháng đầu năm 2022, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) rất khó khăn. Trong đó, có nguyên nhân DN xuất khẩu rất khó tìm được container rỗng để đóng hàng, chi phí vận chuyển cũng rất cao thì nay đã được giải quyết.

Theo ông Saw Lean Joo, nhu cầu về sản phẩm trái cây chế biến khá ổn định, riêng các mặt hàng trái cây tươi thường có biến động rất lớn tùy theo thời điểm thị trường. Cụ thể, những tháng cuối năm, nhất là tháng 12 và tháng 1 năm sau, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng trái cây tươi của nhiều nước tăng cao do mùa đông họ không sản xuất được. DN không lo về đầu ra, điều quan trọng là nông dân phải sản xuất đạt chuẩn thị trường xuất khẩu.

* Nhiều thuận lợi trong niên vụ mới

Một số DN xuất khẩu nông sản dự đoán, khởi động vụ xuất khẩu trái cây, nông sản trong niên vụ mới sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn vì chi phí vận chuyển đã giảm hơn một nửa so với hồi đầu năm. Thị trường xuất khẩu cũng dần khởi sắc hơn. Đặc biệt, nhiều thị trường đã mở cửa với sản phẩm trái cây tươi của Việt Nam.

Theo yêu cầu của các đối tác cũng như thông lệ quốc tế, sản phẩm trái cây nhập khẩu phải được cấp mã số vùng trồng. Theo đó, Đồng Nai đang tập trung đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu để nắm bắt tốt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cho mặt hàng trái cây tươi.

Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành Nông nghiệp đã hướng dẫn, hỗ trợ các DN, cơ sở hoàn thiện hồ sơ vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 7 mã số vùng trồng sầu riêng với quy mô 533ha được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Hiện toàn tỉnh có 120 mã số vùng trồng và 58 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu với diện tích hơn 24 ngàn ha, với 7 loại trái cây gồm: chuối, mít, thanh long, xoài, chôm chôm, chanh, sầu riêng. Trong đó, có 83 mã số vùng trồng gồm: chuối, mít, xoài, thanh long, chôm chôm, sầu riêng phục vụ thị trường Trung Quốc. Có 37 mã số vùng trồng xoài, chanh không hạt, chôm chôm phục vụ xuất khẩu đi các thị trường Úc, New Zealand, Hoa Kỳ, châu Âu.

Tuy nhiên, diện tích cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng cung cấp cho thị trường xuất khẩu vẫn còn khá ít so với tổng diện tích cây ăn trái. Các DN hiện cũng rất quan tâm liên kết, hỗ trợ nông dân nhằm tăng nhanh diện tích vùng trồng cho thị trường xuất khẩu.

Bà Hoàng Thị Mỹ Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Hòa Hạnh (xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh) chia sẻ, hiện công ty có 3 nhà máy đóng gói, sơ chế sầu riêng xuất khẩu. Trước yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc, DN đã xây dựng một đội ngũ kỹ thuật viên về tận vườn để hướng dẫn nông dân làm mã số vùng trồng nhằm đảm bảo sản lượng sầu riêng xuất khẩu trong niên vụ mới.

Trong năm 2022, hàng loạt sản phẩm trái cây tươi của Việt Nam như: chuối, sầu riêng, chanh dây… đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, trái bưởi, chanh của Việt Nam cũng được phép nhập khẩu vào thị trường New Zealand; trái nhãn tươi được phép nhập khẩu vào Nhật Bản…

Nguồn: Xuất khẩu trái cây: Kỳ vọng niên vụ mới nhiều khởi sắc

Bình Nguyên

www.baodongnai.com.vn