Hà Nội Phá dỡ tòa nhà 100 tuổi xây cao ốc: Sẽ có 8B Lê Trực thứ hai?

08:10 | 05/04/2022

|
Một nhà máy xây dựng từ thời Pháp đang bị thay thế bằng một tòa cao ốc 11 tầng. Dư luận đang lo lắng về một 8B Lê Trực thứ hai ngay gần khu trung tâm Ba Đình.

Gần đây, người dân Thủ đô bất ngờ khi thấy dãy nhà 4 mặt phố, địa chỉ tại 61 Trần Phú, cách Quảng trường Ba Đình lịch sử vài trăm mét đang dựng giàn giáo xung quanh để thi công. Hiện tại, phần mái nhà và nhiều công trình bên trong tòa nhà đã được phá dỡ.

Đây vốn là nhà máy cũ được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20, với những mái vì kèo bê tông đặc trưng, dấu ấn kiến trúc nhà xưởng còn nguyên vẹn. Khu đất trên rộng hơn 9.000m2 là trụ sở chính và nhà máy sản xuất của Cty CP thiết bị Bưu điện (POSTEF).

Hà Nội Phá dỡ tòa nhà 100 tuổi xây cao ốc: Sẽ có 8B Lê Trực thứ hai?
Hình ảnh cao ốc dự kiến được xây dựng tại địa chỉ 61 Trần Phú

Ban đầu, POSTEF dự định xây dựng khu đất này trở thành Trung tâm công nghệ cao và Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Tuy nhiên, sau đó POSTEF quyết định góp vốn với đối tác phát triển bất động sản, chuyển đổi thành Dự án đầu tư xây dựng công trình đa chức năng POSTEF. Cty thuê đất của nhà nước có thời hạn thuê là 50 năm, ngày hết hạn là 24/6/2067 với tổng diện tích đất là 7.523 m2.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.574,5 tỷ đồng và được triển khai từ năm 2012. Liên danh với POSTEF thực hiện Dự án còn có Cty CP Liên Việt Holdings.

Ngày 12/3/2022, POSTEF ban hành báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Trong đó có nêu về Dự án Công trình đa chức năng 61 Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội.

Theo Quyết định 3841/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: Khu đất nghiên cứu là hơn 9.078m2, diện tích lập dự án là 7.532m2: gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm khoảng hơn 43.023 m2; chiều cao khoảng 42,9 m. Tổng vốn đầu tư hơn 1.574 tỷ đồng.

Theo đó, ngày 1/2/2019 Cty đã được Sở TN&MT TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đến ngày 4/5/2020, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định điều chỉnh chủ trương dự án Công trình Đa chức năng POSTEF.

Đến ngày 8/12/2020 Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng số 83/GPXD có thời hạn 12 tháng.

Nhồi cao ốc vào trung tâm Ba Đình

Thông tin một tòa cao ốc 11 tầng nổi, 6 tầng hầm sắp được “nhồi’’ vào giữa trung tâm quận Ba Đình khiến cư dân xung quanh khu vực không khỏi bất ngờ. Bà Hoàng Thị Xuân (phố Sơn Tây, phường Điện Biên) bức xúc: “Bài học về công trình 8B Lê Trực đối diện còn chưa hết nóng, đến nay lại có một siêu công trình xuất hiện ở khu vực này là rất vô lý’’.

Trong khi đó, đại diện UBND quận Ba Đình cho biết, đây là dự án của thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch và xin ý kiến Bộ Xây dựng, quận không được biết nên cũng không chỉ đạo phường lấy ý kiến cộng đồng dân cư về cao ốc này.

Hà Nội Phá dỡ tòa nhà 100 tuổi xây cao ốc: Sẽ có 8B Lê Trực thứ hai?
Nhà 61 Trần Phú khi chưa tháo dỡ

Đáng chú ý, ngoài dự án tại 61 Trần Phú, POSTEF còn đang thực hiện Dự án Xây dựng tổ hợp đa chức năng 63 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân.

Ngày 12/1/2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 119/QĐ-UBND về việc cho POSTEF tiếp tục thuê đất tại địa chỉ này. Cty đang hoàn thiện thủ tục giấy tờ để ký hợp đồng thuê đất mới theo hướng dẫn của UBND thành phố Hà Nội.

Hai khu “đất vàng”’ của doanh nghiệp đang dần nhường chỗ cho những tòa cao ốc, đây là việc đi ngược lại với chủ trương của thành phố Hà Nội?

Nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã có chủ trương di dời các nhà máy, xí nghiệp khu vực nội đô ra ngoài nhằm giảm tác động ô nhiễm môi trường, tránh quá tải hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông…

Tuy nhiên, thực tế việc di dời các nhà máy, xí nghiệp ra khỏi Thủ đô rất chậm. Bên cạnh đó, sau khi di dời nhà máy, xí nghiệp, công xưởng, hầu hết quỹ đất trống lại được thay thế bằng các tòa nhà chọc trời hoặc các khu chung cư.

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch & Phát triển đô thị Việt Nam nhận định: Nhiều cơ sở dù nằm trong danh sách cần di chuyển gấp nhưng vẫn “chây ì”. Vì thế, thành phố cần có một cơ chế đủ mạnh để buộc những cơ sở này phải trả lại quỹ đất.

Đối với những đơn vị đã được bố trí cơ sở sản xuất mới, thành phố cần ban hành quyết định hành chính yêu cầu doanh nghiệp đưa ra lộ trình di chuyển rõ ràng, hoặc cưỡng chế bàn giao lại quỹ đất cho thành phố quản lý và sử dụng./.

Nguồn: Hà Nội Phá dỡ tòa nhà 100 tuổi xây cao ốc: Sẽ có 8B Lê Trực thứ hai?

Trần Hoàng

Báo Tiền phong