Không có gì tích cực để nói thì hãy im lặng

03:15 | 08/04/2022

|
Đó là lời của một nhà khoa học lớn ở Úc mà giáo sư Nguyễn Văn Tuấn dẫn ra khi ông phân tích sự khác biệt giữa “đánh giá” và “phán xét”.
Sự im lặng sáng suốt và thông minhSự im lặng sáng suốt và thông minh
Đừng vội phán xét ai!Đừng vội phán xét ai!
Không có gì tích cực để nói thì hãy im lặng
Xin hãy ứng xử có văn hóa khi tham gia mạng xã hội

Gần đây, có khá nhiều vụ việc đau lòng xảy ra với trẻ em vượt ngưỡng cảm xúc của xã hội. Có kẻ đóng đinh vào đầu đứa trẻ, có kẻ đánh con riêng của chồng đến chết. Nay thì đến vụ việc học sinh tự tử, để thư tuyệt mệnh. Vụ việc nhanh chóng lan truyền trên mạng, gây hiệu ứng tiêu cực đến mức cơ quan quản lý phải gửi công văn đến các nền tảng mạng xã hội và trang thông tin điện tử, yêu cầu gỡ video và tin tức, công an cũng truy lùng người phát tán thông tin.

Ở Việt Nam, trong gia đình, nhiều vị làm cha mẹ không quan tâm đến luật cũng như phương pháp dạy con. Họ thương yêu con nhưng trút lên con cái áp lực học hành và bao hỉ, nộ, ái, ố của bản thân. Họ áp đặt lên con những cảm xúc, mong muốn của bản thân mà không cần biết con muốn gì. Trẻ không được lớn lên với bản lĩnh ứng xử, trở nên yếu ớt, có những phản ứng dại dột là tự hủy hoại mình, tự kết liễu mạng sống của mình.

Nhân vụ trẻ tự tử mới đây, trên mạng xã hội, các bậc cha mẹ lại nêu ý kiến. Người thì kể lại việc mình đã nuôi con không cần học giỏi, không đua trường chuyên lớp chọn mà con thành công ra sao. Người thì đặt câu hỏi: Có đứa trẻ nào chưa từng ấm ức, trách móc cha mẹ về cách cư xử; có bậc cha mẹ nào chưa từng mệt mỏi, sai lầm và thấy con “làm khổ mình quá”? Có người phát động phong trào lên án sự vô cảm, với khẩu hiệu “vô cảm với con cái là một tội ác”…

Việc đặt vấn đề, dù cần thiết, chỉ làm cho nỗi đau đớn của cha mẹ các em tăng lên. Trẻ không được dạy và rèn luyện sự tự chủ, tự lập, kiến thức, kỹ năng để đương đầu với khó khăn mà chỉ thấy “cuộc sống không có gì vui”. Chúng cũng không nhận ra được rằng chính mình cũng vô cảm, hủy hoại cuộc sống của mình thì cũng là một cách độc ác với cha mẹ, gây nỗi đau suốt đời cho gia đình và xã hội.

Nếu chẳng may có một vấn đề gì tồi tệ xảy ra với ai đó, xin hãy ứng xử sao cho không làm gia tăng nỗi đau, sự mệt mỏi cho gia đình người có liên quan và xã hội.

Lúc này, câu nói của vị giáo sư “nếu không có gì tích cực để nói thì hãy im lặng” rất thích hợp để nhắc ta đừng mắc sai lầm chết người, đừng lan truyền thông tin, hình ảnh, tham gia bình luận một cách thiếu trách nhiệm trên mạng xã hội về vụ việc. Người trong cuộc biết đối diện sao với vết thương này? Người ngoài cuộc cũng khốn khổ khi phải đọc những lời chỉ trích, lên án, thóa mạ.

Xin hãy đánh giá thay vì phán xét. Đánh giá là phân tích sự việc một cách khách quan, khoa học; còn phán xét là nêu ra sự sai trái, kết luận là sai và lên án. Với những hiện tượng bất thường của xã hội, cần bình tĩnh đánh giá để rút ra kinh nghiệm và giải pháp. Phán xét chỉ giúp mình hả hê giây lát, sau đó mệt nhoài vì mất năng lượng.

Những tiến bộ của công nghệ giúp ta kết nối, bày tỏ ý kiến một cách tự do với cộng đồng thông qua mạng xã hội, nhưng văn hóa mới tạo nên sức mạnh, giá trị và sự thay đổi có ý nghĩa với đời sống.

Nguồn: Không có gì tích cực để nói thì hãy im lặng

Quảng Yên

phunuonline.com.vn