Mỹ phẩm Hanayuki có dấu hiệu quảng cáo lừa dối người tiêu dùng

10:25 | 29/04/2022

|
Một số nội dung quảng cáo mỹ phẩm nhãn hiệu Hanayuki Empire of Beauty không phù hợp với quy định của pháp luật, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Thời gian qua, sản phẩm mang nhãn hiệu Hanayuki Empire of Beauty (Hanayuki) được quảng cáo khá rầm rộ trên các trang mạng. Tuy nhiên theo tìm hiểu của PV, trong các nội dung quảng cáo về mỹ phẩm Hanayuki có nhiều nội dung“nói quá” lên so với bản chất, tính năng thật của sản phẩm, khiến khách hàng có thể lầm tưởng đây là thuốc chữa bệnh.

Cụ thể, ghi nhận tại các website http://hanayuki.asia/ ; http://kemtrinamhanayuki.com/ ; https://hanayuki.net.vn/ ; http://www.hanayuki.vn/; … có một loạt hình ảnh khá bắt mắt giới thiệu sản phẩm Hanayuki kèm nội dung như: trị mụn, kem trị nám, giảm cân, giảm mỡ, …

Mỹ phẩm Hanayuki có dấu hiệu quảng cáo lừa dối người tiêu dùng
Hình ảnh quảng cáo trên website http://hanayuki.asia/

Trong vai khách hàng, phóng viên gọi vào số hotline xxx.800.855 ghi trên website http://hanayuki.asia/ để hỏi mua một hộp sản phẩm Hana Melasma & Night thì được một người phụ nữ hướng dẫn đến văn phòng đại diện của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group (tại địa chỉ số 62/2 Lâm Văn Bền, phường Tân Kiểng, quận 7) để mua với giá 300.000đ.

Cũng như thông tin quảng cáo trên các website, người phụ nữ trong số hotline và người trực tiếp bán hàng cho phóngviên đều khẳng định là sản phẩm Hana Melasma & Night “trị được nám”.

Tuy nhiên, theo thông tin trên bao bì sản phẩm Hana Melasma & Night lại ghi số công bố sản phẩm mỹ phẩm 045/21/CBMP-ĐN. Với thông tin này thì có thể khẳng định đây chỉ là sản phẩm mỹ phẩm và sản xuất tại một cơ sở đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Ngoài ra, trên vỏ hộp sản phẩm Hana Melasma & Night có ghi thông tin đơn vị chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group. Đồng thời có ghi địa chỉ website: HANAYUKI.ASIA.

Mỹ phẩm Hanayuki có dấu hiệu quảng cáo lừa dối người tiêu dùng
Chỉ là mỹ phẩm nhưng sản phẩm Hana Melasma & Night được cho là có công dụng trị nám

Trao đổi với Thương Trường, Luật sư Trần Vũ Phi Khanh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Căn cứ Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế thì sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.

Năm 2012, Cục Quản lý dược đã ban hành công văn số 1609/QLD-MP hướng dẫn phân loại mỹ phẩm, công bố tính năng mỹ phẩm đã nêu rõ các từ như trị, điều trị, giảm cân,… sẽ không được chấp nhận trong việc công bố tính năng mỹ phẩm.”

Vậy có phải một số tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm nhãn hiệu Hanayuki đã cố tình quảng cáo sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch về tính năng, công dụng của sản phẩm để lừa dối người tiêu dùng?

Thực tế, thời gian qua đã có rất nhiều công ty mỹ phẩm đã bị cơ quan chức năng xử phạt vì đăng thông tin quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật về công dụng sản phẩm. Đồng thời cơ quan chức năng cũng đưa ra cảnh báo người tiêu dùng không nên tin vào những thông tin quảng cáo mà mua sản phẩm về sử dụng, bởi có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế.

Luật sư Trần Vũ Phi Khanh cho biết thêm: “Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 01/7/2011 đã có quy định cấm các tổ chức, cá nhân không được lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc quảng cáo hoặc cung cấp thông tin sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ mà mình cung cấp. Do đó, các cơ quan chức năng nên nhanh chóng vào cuộc làm rõ việc quảng cáo, tư vấn sản phẩm Hanayuki, nếu có sai phạm thì xử lý nghiêm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ”.

Mỹ phẩm Hanayuki có dấu hiệu quảng cáo lừa dối người tiêu dùng
Hình ảnh nữ ca sĩ Đoàn Di Băng (bìa phải) được sử dụng nhiều trong các bài đăng quảng cáo về mỹ phẩm Hanayuki trên các website.

Theo nội dung ở những website trên, dòng mỹ phẩm nhãn hiệu Hanayuki được Công ty TNHH Thương mại dịch vụ VB Universal cho ra đời từ năm 2017. Đây là công ty do bà Đoàn Di Băng làm người đại diện. Hiện một số website cũng sử dụng hình ảnh bà Đoàn Di Băng như gương mặt đại diện cho thương hiệu Hanayuki. Được biết, bà Đoàn Di Băng là một người khá nổi tiếng trên mạng xã hội, có rất nhiều người hâm mộ.

Tuy nhiên theo thông tin tra cứu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì hiện không có thông tin về Công ty TNHH Thương mại dịch vụ VB Universal.

Thay vào đó là có sự xuất hiện của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group tại địa chỉ 76 Nguyễn Trãi, Phường 03, Quận 5, TP.HCM) và văn phòng của công ty này ở địa chỉ 62/2 Lâm Văn Bền, Phường Tân Kiểng, Quận 7, TP.HCM. Cả 2 đơn vị này đều được thành lập năm 2021 và do ông Lương Minh Hưng làm người đại diện.

Nguồn: Mỹ phẩm Hanayuki có dấu hiệu quảng cáo lừa dối người tiêu dùng

Ninh Hồ

thuongtruong.com.vn