Ngành khoáng sản và luyện kim trước thách thức chuyển đổi năng lượng

00:00 | 13/07/2023

|
Thị trường khoáng sản và kim loại toàn cầu – những loại nguyên liệu cần thiết cho quá trình chuyển dịch năng lượng (xe điện, tấm pin mặt trời, tuabin gió, v.v.) đã "tăng gấp hai lần trong 5 năm qua". Đây là nhận xét của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong một báo cáo công bố vào ngày 12/7 vừa qua.
Hydro hồng - Giải pháp đầy hứa hẹnHydro hồng - Giải pháp đầy hứa hẹn
Chuyển đổi năng lượng mang lại gì cho Exxon Mobil?Chuyển đổi năng lượng mang lại gì cho Exxon Mobil?
Ngành khoáng sản và luyện kim trước thách thức chuyển đổi năng lượng
Khai thác than tại Đức

Nhu cầu tăng đột biến

Từ năm 2017 đến năm 2022, mức tiêu thụ lithium toàn cầu đã tăng hơn gấp 3 lần, coban tăng 70%, còn niken tăng 40%. Ngành năng lượng đã đóng vai trò chính trong quá trình tăng trưởng này. Vào năm 2022, đầu tư vào phát triển "khoáng sản và kim loại quan trọng" (nhất là lithium, đồng và niken) đã tăng 30% so với năm 2021. IEA đặc biệt nhấn mạnh mức tăng kỷ lục trong đầu tư thăm dò lithium (+40% ở Canada và Úc trong năm 2022).

IEA chỉ ra rằng “khả năng tiếp cận và tốc độ chuyển dịch năng lượng sẽ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ nguồn cung khoáng sản và kim loại thiết yếu”. Trong kịch bản “Net Zero Emissions” của IEA (dự đoán thế giới sẽ đạt trung hòa carbon vào năm 2050), nhu cầu tiêu thụ khoáng sản và kim loại quan trọng sẽ “tăng lên 3,5 lần vào năm 2030”.

Thách thức về nguồn cung

Theo IEA, sự gia tăng nhu cầu dự kiến ​​này sẽ chủ yếu đến từ sự phát triển của xe điện và bộ lưu trữ pin, cùng với đó là “những đóng góp lớn vào cải thiện mạng lưới điện và sản xuất điện năng carbon thấp”.

Điều này một lần nữa đặt ra câu hỏi quan trọng về an ninh nguồn cung, cả về sản lượng quặng và kim loại dự kiến, ​​cũng như tương lai của những quốc gia khai thác chúng. Có 3 thách thức xuất hiện trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng: Nguồn cung tương lai phải đáp ứng lượng nhu cầu đang tăng rất mạnh; nguồn cung phải đa dạng; nguồn nguyên liệu được khai thác “đúng cách và trách nhiệm”.

Một trong những cảnh báo của IEA là mật độ tập trung của những quốc gia khai thác những khoáng sản này: Gần một nửa số dự án nhà máy tinh chế lithium mới được đặt tại Trung Quốc, và gần 90% cơ sở tinh chế niken nằm chủ yếu tại Indonesia.

Để "cùng nhau thúc đẩy nguồn cung khoáng sản và kim loại quan trọng một cách an toàn và bền vững", IEA sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh quốc tế lớn đầu tiên về vấn đề này, vào ngày 28/9/2023.

Nguồn:Ngành khoáng sản và luyện kim trước thách thức chuyển đổi năng lượng

Ngọc Duyên

nangluongquocte.petrotimes.vn