Quan niệm về sự tái sinh trong Lễ bỏ mả của người Gia Rai
Nghi thức uống rượu cần trong Lễ bỏ mả. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc |
Lễ bỏ mả là cuộc trình diễn nghệ thuật lớn nhất, phong phú nhất và cũng mang tính tổng hợp nhất. Trong cuộc trình diễn đó, nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian được trình diễn một cách thuần thục, mang tính biểu tượng cao với đầy đủ trạng thái, trong vang vọng tiếng cồng chiêng, lúc dặt dìu réo rắt, lúc vui tươi phấn khởi”. Ngô Văn DoanhPGS.TS. |
Người Gia Rai quan niệm, cái chết không phải là hết mà đó là sự tái sinh, đầu thai làm kiếp khác, đó là sự chuyển đổi trạng thái của một thực thể. Trong đó, ý niệm về sự sinh thành hay là sự tái sinh được biểu hiện rõ ràng và thống nhất trong Lễ bỏ mả. Vì vậy, người mất sau một thời gian nhất định, tùy vào điều kiện của từng gia đình sẽ làm Lễ bỏ mả để tiễn đưa linh hồn của người mất về với thế giới của ông bà, tổ tiên, cũng là để chuyển trạng thái cho linh hồn của người mất được sống trong thế giới Atâu (thế giới người âm) và đầu thai kiếp khác, tái sinh trở lại. Đó cũng là một trong những điều khiến người Gia Rai không có tục thờ phụng tổ tiên như nhiều dân tộc khác.
Người Gia Rai làm Lễ bỏ mả được tiến hành ba bước theo tuần tự, cụ thể: Dựng nhà mả, nghi lễ tiễn đưa linh hồn người mất về với thế giới Atâu, nghi lễ giải phóng cho người sống. Trong Lễ bỏ mả, nhiều hoạt động biểu hiện cho sự tái sinh được thể hiện. Nhà mả (nhà mồ) được làm trước khi diễn ra Lễ bỏ mả. Các chi tiết trang trí từ hàng rào, hệ thống tượng, cột kút, cột klao, bộ mái đều có chạm khắc những hình ảnh, biểu tượng mang tính phồn thực, biểu hiện cho ý niệm của sự tái sinh. Hệ thống tượng ở hàng rào với những hình ảnh người mẹ mang bầu, nam nữ trong tư thế giao hoan, nam nữ để lộ sinh thực khí; các cột tượng mồ. Đặc biệt là các cột klao, cột kút của người Gia Rai có khắc họa một hình tượng hết sức sống động - sinh thực khí của bà Kroih (một nhân vật trong truyền thuyết của người Gia Rai, là người có công dạy dân trồng bông, dệt vải).
Chuối được trồng xung quanh nhà mồ (Ảnh: Xuân Toản) |
Bên cạnh các chi tiết mang tính phồn thực kể trên, trên đường nóc nhà mồ biểu tượng cho sự tái sinh được thể hiện thông qua một chi tiết chạm khắc mà bất kể ngôi nhà mồ nào của người Gia Rai ở vùng Chư Păh đều có, đó là họa tiết cành lá uốn cong đối xứng ở hai đầu đường nóc. Ông Rơchâm Uy, ở xã Ia Mơnông, huyện Chư Păh cho biết, họa tiết trên là hình ảnh tượng trưng cho cây brang – một loại cây rừng thuộc loài dây leo, cành và lá sum suê. Hạt cây khi già sẽ rụng xuống, gặp điều kiện thuận lợi sẽ nảy mầm, sinh trưởng, phát triển nên cây mới. Quá trình chuyển tiếp chu kỳ sinh trưởng của cây brang được người Gia Rai ví như chu kỳ của vòng đời con người, vì vậy, họ chọn cây brang để làm biểu tượng cho sự tái sinh trang trí trên đường nóc nhà mồ.
Ngoài ra, trong khu vực nhà mồ, người Gia Rai còn trồng thêm các loại cây chuối, cây mía, thả gà con vào trong nhà mồ hoặc rải các hạt thóc lên mái nhà mồ nhằm tượng trưng cho một sự sống mới được bắt đầu. Tất cả các chi tiết nêu trên đều biểu thị cho sự tái sinh hay quan niệm về sự sinh thành của người Gia Rai trong đời sống tâm linh.
PGS.TS. Ngô Văn Doanh nhận định: Lễ bỏ mả là cuộc trình diễn nghệ thuật lớn nhất, phong phú nhất và cũng mang tính tổng hợp nhất. Trong cuộc trình diễn đó, nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian được trình diễn một cách thuần thục, mang tính biểu tượng cao với đầy đủ trạng thái, trong vang vọng tiếng cồng chiêng, lúc dặt dìu réo rắt, lúc vui tươi phấn khởi. Trong nghi lễ chính thức ấy, biểu tượng của sự tái sinh một lần nữa được thể hiện qua hình ảnh các con rối với tư thế nam nữ giao hoan. Dưới bàn tay khéo léo của người điều khiển, các động tác giao hoan cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, càng làm cho ý niệm về sự tái sinh thêm sinh động, đầy biểu cảm trước những trầm trồ, thán phục của người tham dự lễ hội.
Sau nghi lễ tiễn đưa người đã mất, người Gia Rai làm nghi lễ giải phóng cho người sống. Lúc này thân nhân của người đã mất tắm rửa, thay quần áo mới, hòa vào dòng người cùng vui chơi với dân làng trong tiếng cồng, tiếng chiêng vui nhộn.
Như vậy, cùng với những giá trị văn hóa dân gian độc đáo, Lễ bỏ mả của người Gia Rai chứa đựng một giá trị nhân văn to lớn, đó là sự chia tay với người mất, giải phóng cho người sống. Đặc biệt, ý niệm về sự tái sinh hay là sự sinh thành được biểu hiện một cách rõ nét và đầy biểu cảm, được lưu truyền từ xưa đến nay.
Nguồn: Quan niệm về sự tái sinh trong Lễ bỏ mả của người Gia Rai
Xuân Toản
baodantoc.vn
- Khánh Hòa: Kinh tế tăng trưởng toàn diện
- Khánh Hòa: Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng bền vững
- Lâm Đồng: Hướng đến một vùng sản xuất nông nghiệp sạch
- Hà Giang: Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Tháo gỡ khó khăn trong bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể ở Nghệ An
- Hà Giang: Xóa nhà tạm để “An cư lạc nghiệp”
-
Tiệm bánh Mizuki - Nơi chỉ có tình trong bánh
-
PV Power – hướng tới nguồn năng lượng sạch cho tương lai
-
Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 3/12: Hà Nội và các khu vực trên cả nước
-
Làng lụa Vạn Phúc hút khách trong Tuần Văn hóa-Du lịch
-
Tử vi ngày 3/12/2024: Tuổi Tuất chinh phục mục tiêu, tuổi Hợi vững vàng ý chí
-
Ông Nguyễn Đăng Trình giữ chức Tổng giám đốc PVOIL
-
"Chải" Long Vũ lần đầu được đề cử tại VTV Awards
-
Bản tin Năng lượng xanh: Mỹ quyết định đưa ra một đợt thuế quan mới đối với pin mặt trời nhập khẩu từ 4 nước Đông Nam Á
-
Sắc tím Đà Lạt