Thế hệ trẻ với Tết ông Công ông Táo

08:30 | 10/01/2023

|
Tết ông Công ông Táo diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp, với quan niệm đây là ngày Táo quân về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng các công việc trong năm của gia chủ. Trong ngày này, nhà nào cũng phải sửa soạn lễ tiễn ông Táo lên trời, tục lệ này vẫn được người Việt đặc biệt là thế hệ trẻ thực hành trong đời sống hiện nay.
Gần Tết nhớ mẹGần Tết nhớ mẹ
3 lễ cúng quan trọng trong tháng Chạp gồm những lễ nào?3 lễ cúng quan trọng trong tháng Chạp gồm những lễ nào?
Thế hệ trẻ với Tết ông Công ông Táo
Người dân tại làng nghề chuyên sản xuất hoa giấy, hàng mã Mật Sơn (ở TP.Thanh Hóa) trước ngày ông Công ông Táo. Ảnh: Quách Du

Phong tục thờ cúng Táo quân nói riêng và văn hóa lễ tết cổ truyền nói chung vẫn được người Việt lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong bối cảnh hiện nay những người trẻ là nhân tố quyết định đến sự trường tồn của các giá trị văn hóa truyền thống.

Trịnh Hữu Tuấn (22 tuổi), ở Hà Nội cho biết, từ trước ngày 23 tháng Chạp vài hôm mọi người đã tất bật chuẩn bị lễ vật để dâng cúng ông Công ông Táo. Các khu chợ như Hàng Mã, Hàng Bè… tấp nập người mua kẻ bán, ai cũng cố mua được cho mình những đồ cúng ưng ý nhất.

Lễ vật cúng ông Công ông Táo bao gồm vàng mã (mũ ông Công, ba cỗ hay ba chiếc; tiền vàng, áo giấy, đôi hia giấy, tiền vàng…), cá chép, mâm cúng (1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 3 chén rượu, địa thịt lợn luộc, gà luộc, rau, hành muối, xôi gấc, giò, canh mọc, hoa quả…)…

Ngày 23 tháng Chạp từ sáng sớm người Hà Nội kéo về sông Hồng, hồ Tây… để thả cá chép tiễn ông Táo về trời. Trong dòng người tấp nập ngày cuối năm, bên cạnh những người thả cá thì có khá đông các bạn trẻ tình nguyện thu gom túi bóng của những người vô ý thức bỏ lại.

Bạn Nguyễn Thủy Tiên – Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết năm nào cũng vậy, cứ vào ngày tết ông Táo em và các bạn trong đội sinh viên tình nguyện lại mang theo dụng cụ ra Hồ Tây để thu gom rác thải.

Các bạn trẻ muốn thông qua những hành động của mình gửi lời nhắn nhủ tới những người thả cá hãy có ý thức bảo vệ môi trường, sau khi tiễn ông Táo về trời thì vứt rác đúng nơi quy định. Khi đi thả cá cần nâng cao ý thức văn hóa, không ném cá từ trên cao xuống nước, đặc biệt để tránh việc cá sau khi thả xuống ao hồ lại bị kẻ xấu vớt lại, thì nên thực hiện thả cá ở những sông hồ rộng về không gian, đường nước mở như sông Hồng, hồ Tây…

Không giống như ở Hà Nội đất chật người đông, ở Bắc Giang quê hương của Nguyễn Tiến Đạt (19 tuổi), do sống ở gần sông Thương nên cứ vào sáng ngày 23 tháng Chạp em Đạt lại cùng với gia đình mang cá chép ra sông thả.

Tương tự vậy các bạn sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội như Đỗ Thùy Linh (quê ở Phú Thọ), Nguyễn Khuông Bắc (quê ở Quảng Ninh), Hà Ngọc Vân Chi (quê ở Thanh Hóa), đều cảm nhận rõ sự đặc biệt của ngày tết ông Táo.

Các bạn trẻ đều có chung nhận định, rằng sau ngày 23 tháng Chạp thì ngày Tết đã đến rất gần, với những công việc phải làm như dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị cây nêu, trang hoàng bàn thờ tổ tiên, mua sắm thức ăn, gói bánh chưng, làm giò, chuẩn bị mâm cúng…

Hiện nay các bạn trẻ vẫn rất trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, Đỗ Thùy Linh cho biết tết ông Táo rất quan trọng, cần phải tiếp tục giữ gìn và phát huy, vì đây là một tục lệ gắn với đời sống sinh hoạt của người Việt bao đời truyền lại. Để thế hệ trẻ không lãng quên văn hóa truyền thống, theo Linh thì nhà trường, xã hội cần phải có nhiều hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống đến với mọi người.

Tuy nhiên, theo Nguyễn Tiến Đạt thì giữ gìn văn hóa truyền thống nhưng không được lạm dụng để cúng bái, cần phát huy những giá trị tốt đẹp tránh những biến tấu có thể dẫn tới hiện tượng lãng phí, mê tín dị đoan.

Nguồn: Thế hệ trẻ với Tết ông Công ông Táo

Lý Viết Trường

laodong.vn