Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP
Nhiều khó khăn khi đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, có 29/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đánh giá, phân hạng được trên 2.769 sản phẩm OCOP. Trong đó có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 12 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 1.485 sản phẩm đạt 4 sao và 1.266 sản phẩm đạt 3 sao.
Có được kết quả này là nhờ thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan đã rất quan tâm, thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại đưa sản phẩm OCOP đi muôn nơi với những hình thức ngày càng hiệu quả và bền vững.
Nhiều sản phẩm OCOP vẫn gặp khó khi đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị hiện đại. |
Dù “dấu ấn” OCOP đã tương đối rõ, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các đơn vị, doanh nghiệp tại tọa đàm “Thúc đẩy đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị”, việc tiêu thụ các sản phẩm này cũng còn những khó khăn nhất định. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là bởi sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ dẫn tới sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế.
Bên cạnh đó, khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn. Không ít doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất - kinh doanh chia sẻ rằng, việc tiếp cận và đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, dẫn tới sức cạnh tranh giảm sút…
Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương cho biết, đơn vị là thành viên của Liên hiệp Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, là đơn vị đầu tiên có được những công trình nghiên cứu khoa học được cấp bằng sáng chế cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cũng là hợp tác xã đầu tiên của Hà Nội đề xuất về giải pháp hữu cơ vi sinh. Hiện nay, Hợp tác xã Tiên Dương có 4 sản phẩm được công nhận OCOP, chủ yếu là sản phẩm rau má, cùng các sản phẩm dược liệu như trà hoa vàng và một số dược liệu bảo hộ được bản quyền giống.
Là hợp tác xã nhỏ, sản phẩm của Hợp tác xã được chọn gắn với giá trị bản địa. Với Tiên Dương, Đông Anh là xã sản xuất rau an toàn của Thành phố trong nhiều năm qua, việc lựa chọn gắn với sự phát triển của địa phương chính là rau ăn lá. Tuy nhiên, Đông Anh đang trong quá trình lên quận, Hợp tác xã Tiên Dương phải đối mặt với toàn bộ vùng trồng rau đều trong quy hoạch. “Hiện lượng sản phẩm của chúng tôi được sản xuất theo kế hoạch và đáp ứng đủ cho người tiêu dùng tại địa bàn, không còn đủ số lượng để đưa vào siêu thị. Đó chính là cái khó khăn trong phát triển mở rộng diện tích và vướng quy hoạch đô thị”, bà Lý cho biết thêm.
Tương tự, ông Đàm Văn Đua, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao cho biết, hiện Hợp tác xã dịch vụ Đông Cao (Mê Linh) có diên tích 200ha với sản lượng rau 60.000 tấn/năm. Mặc dù thành phố Hà Nội đã có hệ thống siêu thị hiện đại nhưng hiện việc tiêu thụ rau của Hợp tác xã chủ yếu thông qua các thương lái của hệ thống chợ truyền thống Hà Nội và các tỉnh. Trung bình từ 40 tấn/ngày, riêng vào thời kỳ tiêu thụ cao điểm vào các kỳ nghỉ lễ, tết có thể lên đến 400 tấn/ngày.
Quá trình đưa sản phẩm rau xanh đạt tiêu chuẩn OCOP vào hệ thống siêu thị tiêu thụ gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo quản, vận chuyển. Để tiêu thụ sản phẩm, Hợp tác xã đang phối hợp với doanh nghiệp Hàn quốc chế biến sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, vì vậy rất mong cơ quan quản lý hỗ trợ Hợp tác xã trong việc tiếp cận đối tác chế biến quốc tế.
Đồng thời đề nghị Sở Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp dán tem nhãn sản phẩm OCOP khi đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ, qua đó Hợp tác xã có thể chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; mong muốn các cơ quan truyền thông hỗ trợ Hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP trong công tác quảng bá…
Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP
Trước những phản ánh của các doanh nghiệp, chủ thể sản phẩm OCOP về việc gặp khó trong việc tiêu thụ sản phẩm, ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, bám sát tình hình thực tế, đồng hành cùng doanh nghiệp, Sở Công Thương đã và đang thực hiện nhóm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị. Đó là tuyên truyền quảng bá sâu rộng các vùng sản xuất, sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên tiến hành rà soát danh mục sản phẩm OCOP cần kết nối vào các kênh phân phối (siêu thị, chuỗi thực phẩm, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu của Hà Nội) gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối để tổ chức kết nối, tiêu thụ theo nhu cầu.
Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP Thủ đô. |
Bên cạnh đó, ngành Công Thương Hà Nội tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP như triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, trưng bày, kết nối trên các sàn giao dịch TMĐT... cho các sản phẩm OCOP. Đặc biệt, Sở Công Thương Hà Nội cũng khuyến nghị các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm cần ký kết hợp đồng lâu dài về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP cho các đơn vị sản xuất để yên tâm sản xuất đảm bảo số lượng, chất lượng...
Đề cập đến việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội nhấn mạnh, xác định chương trình OCOP là một chính sách trọng tâm, giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các kênh phân phối đã được xây dựng và thúc đẩy bán hàng đa kênh đối với các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã có sẵn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, TMĐT trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.
Đây là yếu tố cần thiết để kết nối và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng nhằm kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập của người dân.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá cho sản phẩm OCOP và các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tăng cường chuyển đổi số như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP;
Thúc đẩy phát triển TMĐT cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn TMĐT, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương…
Ngoài ra, chính chủ thể sản phẩm OCOP cần đầu tư sản phẩm chất lượng đến dịch vụ tốt để tích lũy uy tín nhà bán hàng, xây dựng được lượng khách hàng trung thành. Cần đầu tư xây dựng các kênh bán hàng, thiết bị công nghệ, hệ thống quản trị phần mềm, đội ngũ bán hàng và xây dựng hình ảnh, video… một cách bài bản. Danh mục các sản phẩm cần đa dạng, phong phú, có chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc, thành thạo các kỹ năng TMĐT để tăng cường tương tác trực tiếp giữa người sản xuất và tiêu dùng, từng bước khẳng định giá trị và uy tín trên thị trường…
Nguồn:Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP
Đỗ Đạt
laodongthudo.vn
-
Messi đến Ngoại hạng Anh để vực dậy Man City?
-
HLV Myanmar khen ngợi Xuân Son
-
ĐT Việt Nam thắng đậm Myanmar, dấu ấn đậm nét của Nguyễn Xuân Son
-
Phương Lan tố bị Phan Đạt đe dọa tung hình ảnh nhạy cảm
-
Sau ly hôn, Diệp Lâm Anh ngày càng thăng hạng về nhan sắc
-
Tiền vệ Bellingham giật giải thưởng mà Messi đang thống trị
- Kinh tế Việt Nam 2025: Sẵn sàng cho kỷ nguyên mới
- Cuộc đua thương mại điện tử sẽ ngày càng khốc liệt
- Đòn bẩy lớn nhất của bức tranh kinh tế năm 2024 là nỗ lực hoàn thiện thể chế
- Hapro sẵn sàng 1.000 tỷ đồng giá trị hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- ADB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,4% năm 2024 và 6,6% năm 2025
- Giảm giá cuối năm: Cảnh giác với ‘chiêu đẩy hàng’ của nhà bán lẻ
-
Tổng Giám đốc điều hành MIS Hoàng Văn Lược: "Làm sao để các em giống như những chiếc la bàn vạn năng"
-
Cuộc đua thương mại điện tử sẽ ngày càng khốc liệt
-
TS. Phạm Trí Thành: “Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội là cái nôi đào tạo ra những nghệ sĩ toàn diện”
-
Hoa hậu Khánh Vân lên tiếng xin lỗi sau hôn lễ cùng bạn trai nhiếp ảnh gia
-
Đo lường và đánh giá quan hệ xã hội: Bệ phóng cho doanh nghiệp phát triển bền vững
-
Bản tin Năng lượng xanh: Qcells cho biết đột phá công nghệ có thể giảm không gian cần thiết cho các tấm pin mặt trời
-
Tử vi ngày 20/12/2024: Tuổi Thìn biểu hiện xuất sắc, tuổi Ngọ tinh thần nhiệt huyết
-
Manulife tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho 3.000 người dân TP.HCM
-
Hành trình định vị thương hiệu THILOGI