Ứng xử có văn hóa với hàng cứu trợ
Người dân Nghệ An gói banh chưng tặng ngươi dân vùng lũ phía Bắc. Ảnh: Văn Lĩnh |
Cơn bão số 3 cùng hoàn lưu sau bão gây mưa lũ khiến cho các tỉnh thành miền Bắc khốn đốn. Thiệt hại về người và của còn cần rất nhiều thời gian mới có thể khắc phục. Tuy nhiên, trong khó khăn hoạn nạn cũng là lúc thấu tỏ tình người. Dân mình thương nhau thật sự. Bão vừa tan, hàng trăm tấn hàng cứu trợ từ khắp nơi đổ về các vùng thiệt hại tiếp tế cho bà con, những mong không để ai bị cô đơn trong đói, khát. Nơi nào có người dân kêu cứu, lập tức hàng sẽ được chuyển về trong ngày một, ngày hai.
Sau khi bão tan, nước rút, những chuyến xe chở đầy đồ tiếp tế vẫn nườm nượp khắp các ngả đường đổ về các tỉnh thành phía Bắc. Trong những chiếc xe ấy không chỉ có các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ bà con mà nó còn gửi gắm rất nhiều tấm lòng của các nhà hảo tâm. Và cách đón nhận, ứng xử với những tấm lòng hảo tâm đó không phải nơi nào cũng trọn vẹn.
Vẫn còn đó khá nhiều điều phải suy nghĩ. Các cụ đã đúc kết cái gì nhiều quá cũng trở thành không tốt. Cung vượt cầu, có những nơi được ủng hộ rất nhiều, một số người dân trở nên thờ ơ, thậm chí không đi nhận hoặc chỉ nhận những đồ cần thiết, để hàng hóa chỏng chơ một góc gây hỏng lãng phí, ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, có những khu vực vùng sâu vùng xa bị thiệt hại nặng nề, người dân thiếu thốn trăm bề thì hàng cứu trợ lại không đến được tận tay người dân.
Mới đây, một đoàn từ thiện khu vực Hạ Hòa, Phú Thọ đã vượt qua trở ngại lội đoạn đường ngập nước đến gần ngang bụng, đem đồ tiếp tế và thăm hỏi, động viên các hộ dân bị thiệt hại nặng nề sau lũ đã khiến người dân nơi đây vô cùng cảm kích và xúc động.
Tuy nhiên không phải lúc nào cũng làm được như vậy, việc cứu trợ còn phụ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh. Nhiều hàng cứu trợ gửi vào vùng lũ, chủ yếu là đồ ăn nhanh buộc phải dồn lại do điều kiện sạt lở nguy hiểm nên không thể gửi đến tận tay bà con. Công việc cứu trợ phải nhờ đến lực lượng chức năng, công an, bộ đội và lực lượng tình nguyện.
Bên cạnh đó, những mặt hàng tiếp tế nhanh như bánh mì, bánh chưng rất cần thiết để chống đói cho bà con, tuy nhiên nó sẽ có hạn và không để được lâu, chính vì vậy khi không dùng kịp, với thời tiết nóng thế này đồ dễ bị hỏng, vứt bỏ đi là sự lãng phí. Hết giai đoạn chống đói tạm thời là giai đoạn khắc phục hậu quả. Sau bão người dân cần gạo, cần đồ khô để được lâu, cần các vật dụng phục vụ nhu cầu cuộc sống dài hơi hơn.
Hàng hỗ trợ sẽ luôn được trân quý khi nó đến đúng tay người cần vào đúng thời điểm. |
Từ thiện đúng người, đúng lúc, đúng đối tượng sẽ trở nên thiết thực và ý nghĩa.
Không chỉ đơn giản về hàng cứu trợ của các cá nhân, tổ chức, mà trên hết, đó còn là sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ rất lớn từ chính quyền các cấp. Có những địa phương đã có cách đón nhận và ứng xử với sự hỗ trợ rất hợp tình, hợp lý.
Mới đây, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh là hai trong số những tỉnh thành chịu thiệt hại nặng nề nhất sau bão đã báo cáo Trung ương sẽ tự cân đối ngân sách, nhường khoản hỗ trợ 100 tỷ đồng/địa phương cho các tỉnh khác khắc phục hậu quả sau bão.
Một bản nhỏ vùng cao bị thiệt hại nặng nề sau mưa lũ, sau khi nhận được hàng cứu trợ trong đó có một chiếc thuyền phao lớn, đã tình nguyện đem thuyền phao cho người dân bản khác đang còn ngập sâu hơn mượn sử dụng với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.
Cũng tại một bản nhỏ, sau khi nhận đủ hàng cứu trợ, người dân đã xin phép được dừng nhận tiếp tế, nhường cho những nơi đang còn khó khăn hơn. Thanh niên bản sau đó đã chở những thùng bánh chưng còn mềm ấm sang tặng lại cho người dân bản khác.
Hàng cứu trợ không đơn giản chỉ là hàng cứu trợ. Đó còn là tình cảm, là tấm lòng, là sự sẻ chia, là lòng yêu thương trắc ẩn giữa con người với con người có chung một nguồn cội. Họ cho đi không cần nhận lại dù chỉ là một lời cảm ơn.
Của cho không bằng cách cho. Cách cho không bằng cách nhận. Để không phải lãng phí hàng cứu trợ, lãng phí cả tình cảm của nhiều người thì hoạt động cứu trợ cần phải được tính đến và thực hiện một cách bài bản, hợp lý hơn. Nên có sự phối hợp chặt chẽ giữa những người làm từ thiện với chính quyền, cơ quan, đoàn thể địa phương để có sự điều phối hàng cứu trợ công bằng, phân bổ hợp lý đến những nơi thực sự cần.
Đối xử với hàng cứu trợ một cách có văn hóa để người cho, tặng cảm thấy mình được tôn trọng và sự sẻ chia ấy mới trở nên đáng quý, thiết thực và ý nghĩa.
Nguồn:Ứng xử có văn hóa với hàng cứu trợ
Song Thu
laodongthudo.vn
- Và thế là đã tiếp một mùa thu
- Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 12/10: Hà Nội và các khu vực trên cả nước
- Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 11/10: Hà Nội và các khu vực trên cả nước
- Hoa sữa nồng nàn trong hương Thu Hà Nội
- Dự báo thời tiết ngày mai (10/10): Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sáng sớm có sương mù, trưa chiều trời nắng; phía Nam chiều tối mưa to cục bộ
- Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 09/10: Hà Nội và các khu vực trên cả nước
-
Dòng chảy di sản ngàn năm đất Thăng Long - Hà Nội
-
Đặc sản Đồng Nai - Những món ngon nức tiếng
-
Núi Bà Đen được chọn là điểm đến của 1.000 đại biểu trong Đại lễ Vesak 2025
-
Khám phá thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa vùng đất Tây Bắc tại Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình
-
Hành trình du lịch miền Bắc Việt Nam những ngày đẹp nhất năm
-
Hà Nội có bao nhiêu cửa ô?
-
"Vỏ xinh được tái sinh" - Chương trình của Vinamilk thúc đẩy gen Z, gen Alpha tiêu dùng xanh
-
Tử vi ngày 10/10/2024: Tuổi Dần tài lộc hanh thông, tuổi Dậu nhìn xa trông rộng
-
Từ chối lên tuyển Pháp, Mbappe khiến HLV Deschamps phật ý