Ba Đô Chấu Đại Vương và câu chuyện về lòng trung thành với Hùng Vương

11:09 | 14/03/2024

|
Xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì được biết đến với Đền Thiên cổ - nơi thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang cùng hai người học trò là Tiên Dung và Ngọc Hoa công chúa - con Vua Hùng thứ 18. Nơi đây còn có mộ phần ba vị Thành hoàng thôn Hương Lan - con của vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang (là đô sỹ cận vệ của Vua Hùng thứ 18), được sắc phong là ba vị Đô Chấu Đại Vương với câu chuyện cảm động về lòng trung với Hùng Vương được truyền từ đời này sang đời khác.
Ba Đô Chấu Đại Vương và câu chuyện về lòng trung thành với Hùng Vương
Đình Hương Lan – nơi thờ ba vị Đô Chấu Đại Vương.

Theo truyền thuyết kể lại, vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang sinh được ba người con thông minh, lanh lợi, có tài bơi lặn khác người. Khi cha mẹ mất đi, ba chàng còn đang tuổi thiếu niên, nhờ dân làng cưu mang, đùm bọc mà lớn lên khỏe mạnh, khôi ngô tuấn tú. Một lần trong hội thi đánh cá tổ chức vào mùa xuân tại ngã ba Bạch Hạc, tài năng bơi lặn của ba anh em được Vua Hùng thứ 18 biết tới, mến phục và nhận ba chàng vào cung làm vệ sỹ. Khi Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho Thục Phán An Dương Vương, ba anh em trở về thôn Hương Lan sinh sống.

Được biết về tài nghệ của anh em họ Vũ, An Dương Vương có ý triệu họ về Cổ Loa làm vệ sỹ cho mình. Để giữ lòng trung với triều Hùng, ba anh em đã buộc đá vào mình trẫm xuống đầm nước tự vẫn. Cảm phục trước tấm gương trung liệt của ba người, An Dương Vương đã sắc phong cho họ làm thành hoàng thôn Hương Lan và lệnh cho dân chúng trong thôn dựng đình đời đời thờ phụng. Các triều đại phong kiến Việt Nam sau này đều sắc phong cho ba vị là Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam Linh Lang Ba Đô Chấu Đức Đại Vương. Đình thờ ba vị Thành hoàng được xây dựng từ thời An Dương Vương. Sau này, trải qua thăng trầm biến thiên của thời gian, bị lũ lụt tài phá ngôi đình bị mai một và được xây dựng mới vào năm 2008.

Ba Đô Chấu Đại Vương và câu chuyện về lòng trung thành với Hùng Vương
Các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn xã Trưng Vương được lãnh đạo chính quyền và dân dân địa phương quan tâm bảo tồn, gìn giữ.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại: Từ nhiều đời nay, dân làng thôn Hương Lan vẫn truyền nhau những câu chuyện thể hiện lòng biết ơn với vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang, dù là người nơi khác đến nhưng luôn sống thanh bạch, giản dị, có công dạy hai công chúa Tiên Dung – Ngọc Hoa và dân làng trong việc học. Các con của vợ chồng thầy giáo đều là những người có tấm lòng trung hiếu, được nhân dân kính trọng. Vì vậy, sau khi ngôi đình thờ ba vị Thành hoàng được xây dựng mới năm 2008 và được tôn tạo năm 2011, bà con thường xuyên đến nơi đây để thăm viếng, thắp hương tri ân công lao của ba vị Đô Chấu Đại Vương.

Ba Đô Chấu Đại Vương và câu chuyện về lòng trung thành với Hùng Vương
Hàng năm vào các dịp lễ, Tết, ngày giỗ của ba vị và lễ cơm mới, tại Đình Hương Lan đều tổ chức các hoạt động để tưởng nhớ công lao của ba vị Đô Chấu Đại Vương

Đồng chí Lưu Thị Tuyên – Phó Chủ tịch UBND xã Trưng Vương cho biết: Thôn Hương Lan xưa giờ là khu 7, 8, 9 của xã Trưng Vương. Hàng năm, vào các ngày lễ, Tết, ngày giỗ của ba vị và lễ cơm mới, tại Đình Hương Lan đều tổ chức các hoạt động để tưởng nhớ công lao của ba vị Đô Chấu Đại Vương với dân làng, với quê hương, đất nước. Kinh phí tôn tạo, tu bổ đình cũng do nhân dân tự nguyện ủng hộ, đóng góp. Cùng ngôi đền Thiên Cổ thờ cha mẹ của ba vị Thành hoàng, khu lăng mộ ba vị Đô Chấu Đại Vương và Đình Hương Lan đã được UBND tỉnh xếp hạng và cấp bằng Di tích lịch sử - văn hoá.

Ba Đô Chấu Đại Vương và câu chuyện về lòng trung thành với Hùng Vương
Lăng mộ ba vị Đô Chấu Đại Vương nằm trong cụm di tích Đình, đền, lăng thôn Hương Lan.

Lâu Thượng xưa, Trưng Vương ngày nay đã trải qua biến thiên lịch sử, trên địa bàn xã hiện có 5 điểm di tích và một cụm di tích gồm: Đình Ngoại Lâu Thượng – Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, đình Nội Lâu Thượng, đình Kim Quất Hạ, chùa Bối Linh, chùa A Lốc và cụm di tích đình, đền, lăng thôn Hương Lan. Mỗi địa điểm, di tích lại lưu giữ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có ý nghĩa lớn lao về mặt lịch sử - văn hoá và tâm linh, làm nổi bật hơn ý nghĩa cội nguồn của thành phố lễ hội cùng hàng ngàn câu chuyện, câu thơ, bài hát ca ngợi quê hương, đất nước.

Để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đó, UBND xã Trưng Vương đã thành lập Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa của xã do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, mỗi di tích lại có tiểu ban phụ trách riêng thực hiện nhiệm vụ trông coi, chăm sóc, bảo vệ. Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích cũng được quan tâm, chú trọng. Năm 2023, xã Trưng Vương đã tiến hành tu bổ tôn tạo đình Ngoại, đang tiến hành tu bổ đình Kim Quất Hạ, xây dựng hạng mục tường rào đền Vũ Thê Lang; sửa chữa khuôn viên lăng Ba đô sĩ, lát lại sân bậc cổng đình Hương Lan với tổng kinh phí hơn 2 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương chỉ hỗ trợ một phần, còn lại đều do nhân dân đóng góp.

Có thể thấy, mỗi địa danh lại gắn liền với một câu chuyện về thời kỳ dựng nước, giữ nước. Thông qua đó giúp cho lớp lớp thế hệ sau này thêm hiểu về quá khứ và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từ đó có trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ.

Nguồn: Ba Đô Chấu Đại Vương và câu chuyện về lòng trung thành với Hùng Vương

Vĩnh Hà

baophutho.vn