Bắc Giang muốn xuất khẩu vải thiều đến các thị trường “khó tính”

15:59 | 17/06/2022

|
Ngày 16/6/2022, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức diễn đàn "Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới". Đây là diễn đàn nhằm thảo luận các giải pháp đưa vải thiều Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng trên khắp thế giới và tạo điều kiện cho bạn bè thế giới dễ dàng biết, hiểu và tiếp cận thuận tiện hơn quả vải thiều Việt Nam.
Diễn đàn “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới”Diễn đàn “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới”
Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ quảng bá vải thiều Việt Nam ra thế giớiBộ TT&TT sẽ hỗ trợ quảng bá vải thiều Việt Nam ra thế giới

Đến tham gia diễn đàn, tỉnh Bắc Giang có ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, doanh nghiệp tỉnh.

Năm 2022, vải thiều Việt Nam được dự báo là được mùa, với sản lượng khoảng 320.000 tấn. Trong đó, Bắc Giang - vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước với diện tích trên 28.300 ha, sản lượng dự kiến khoảng 180.000 tấn, chiếm gần 60% sản lượng vải thiều cả nước. Bên cạnh đó, 100% diện tích trồng vải tại Bắc Giang được định hướng theo quy trình sản xuất sạch, an toàn.

Bắc Giang muốn xuất khẩu vải thiều đến các thị trường “khó tính”
Ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang giới thiệu cho các đại biểu về vải thiều Bắc Giang /Ảnh: Trịnh Lan/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Vải thiều thường chín rộ trong khoảng thời gian ngắn từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm, với sản lượng lớn, thời gian thu hoạch lại ngắn nên việc kết nối giao thương, mở rộng thị phần sẵn có, tìm kiếm thị trường mới và đa dạng kênh phân phối là hết sức cần thiết để việc tiêu thụ được thuận lợi. Đặc biệt, Bắc Giang đặt mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiểu để gia tăng giá trị của quả vải và góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân và phát triển kinh tế của địa phương là mục tiêu cấp thiết được đặt lên hàng đầu.

Phát biểu tại diễn đàn "Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới", ông Phan Thế Tuấn nhấn mạnh, vải thiều Bắc Giang là thương hiệu nổi tiếng, đang được bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại 8 quốc gia, xuất khẩu tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ... Năm nay, thời tiết thuận lợi, các trà vải sinh trưởng phát triển tốt, sản lượng dự kiến hơn 180 nghìn tấn. Trong đó có 18 mã vùng trồng dự kiến xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Úc, EU với diện tích trên 28 nghìn ha, sản lượng dự kiến đạt 1,8 nghìn tấn. Thời gian thu hoạch dự kiến từ nay đến hêt tháng 7/2022.

Về thị trường tiêu thụ, ông Phan Thế Tuấn cho biết, Bắc Giang coi trọng tất cả thị trường, cả trong nước và ngoài nước. Với thị trường nội địa, tỉnh tích cực đưa tới các doanh nghiệp, siêu thị... Trên trường quốc tế, địa phương xuất khẩu vải thiều đến 30 quốc gia, trong đó cao nhất là Trung Quốc và nhiều quốc gia tiềm năng khác như Singapore, Nhật Bản, Các Tiểu vương quốc Ả Rập... riêng đối với thị trường Hoa Kỳ, tỉnh xác định đây là thị trường tiềm năng, có sức mua lớn song cũng khó tính, đòi hỏi chất lượng cao với các yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm dịch, an toàn thực phẩm.

Bắc Giang muốn xuất khẩu vải thiều đến các thị trường “khó tính”
Ông Phan Thế Tuấn chia sẻ với các phóng viên bên lề diễn đàn "Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới"/Ảnh: Huy Tùng/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Những ngày này, thị trường vải thiều tại Bắc Giang đang rất sôi động. Chính quyền địa phương và người dân đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp. Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã thu hoạch trên 100.000 tấn. Các cấp các ngành luôn sẵn sàng sản xuất vải chất lượng cao, đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác sản xuất và tiêu thụ.

Được biết, hiện vải thiều Việt Nam - nổi tiếng với hai vùng trồng vải: Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương). Đến nay, vải thiều Việt Nam đã có mặt ở trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, để có được sản phẩm vải thiều đạt chất lượng vào các thị trường yêu cầu cao, mà ở Việt Nam thường gọi vui là thị trường “khó tính” đòi hỏi người nông dân, cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước phải cùng nhau hợp lực để xây dựng được chuỗi các quy trình nghiêm ngặt, khép kín từ khâu lựa chọn thổ nhưỡng, chăm sóc cây trồng đến chế biến và tiêu thụ.

Trước đó, để quảng bá vải thiều Bắc Giang đến với người dân và thị trường quốc tế UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị trực tuyến "Kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế tỉnh Bắc Giang vào thị trường Hoa Kỳ năm 2022" và Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang năm 2022.

Để tháo gỡ những khó khăn với thị trường trong nước và quốc tế, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang mong muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cơ quan truyền thông. Đặc biệt, Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ giới thiệu và kết nối các doanh nghiệp, thương nhân xuất nhập khẩu vải thiều trong và ngoài nước đến Bắc Giang để tìm hiểu, hợp tác, tiêu thụ trái vải tươi và các sản phẩm chế biến từ vải thiều… Các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các xe vận chuyển vải được lưu thông, tiêu thụ thuận lợi trên địa bàn, cung cấp thị trường, giới thiệu các doanh nghiệp, thương nhân đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, thu mua, tiêu thụ vải thiều; hỗ trợ, tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước... đồng thời thúc đẩy đưa đặc sản vải thiều chinh phục thị trường quốc tế.

Nguồn: Bắc Giang muốn xuất khẩu vải thiều đến các thị trường “khó tính”

Huy Tùng

kinhtexaydung.petrotimes.vn