BĐBP thực thi quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển

17:19 | 03/03/2022

|
Việt Nam có bờ biển dài khoảng 3.260km với vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán rộng hơn 1 triệu km2 ; có 2 quần đảo lớn xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa. Vùng biển, đảo là một bộ phận quan trọng, thiêng liêng không thể tách rời của lãnh thổ, không gian sinh tồn, tiềm năng phát triển kinh tế, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
BĐBP thực thi quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới, BĐBP Kiên Giang tuần tra bảo vệ biên giới biển. Ảnh: Tiến Vinh

Trên biển, biên giới quốc gia (BGQG) được hoạch định và đánh dấu bằng các tọa độ trên hải đồ là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và các quốc gia hữu quan.

Quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, trong đó, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Quản lý, bảo vệ BGQG trên biển là một bộ phận quan trọng của quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG, khu vực biên giới (KVBG) biển; có phạm vi hoạt động trong KVBG để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động ngoài biên giới theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên và quy định của pháp luật Việt Nam trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, kiểm soát xuất nhập cảnh, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Vùng biển, đảo của Việt Nam rộng, trên biển có nhiều lực lượng, ngành chức năng cùng hoạt động theo nhiệm vụ, thẩm quyền được pháp luật quy định như: Cảnh sát biển, Hải quân, Công an, Quân sự, Dân quân tự vệ biển, Kiểm ngư, Hải quan, Y tế, Kiểm dịch, Cảng vụ, Hàng hải. Dân cư ở KVBG biển phân bố không đều, điều kiện kinh tế - xã hội nhiều nơi còn khó khăn. Các loại đối tượng hoạt động trên biển đa dạng về âm mưu, phương thức, thủ đoạn.

Thời gian tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực; biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa môi trường, nước biển dâng, dịch bệnh diễn biến khó lường. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó, Đông Nam Á là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt.

Do vậy, hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển của Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; phát triển kinh tế biển có nguy cơ bị đe dọa.

Luật Biên phòng Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022 đã quy định: BĐBP là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG; chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Để phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách thực thi quản lý, bảo vệ BGQG trên biển, BĐBP cần thực hiện tốt những nội dung sau:

Thường xuyên thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để thực hiện nhiệm vụ và tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng, Đảng, Nhà nước ban hành, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ BGQG trên biển. Tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ BGQG, các công trình phòng thủ, mục tiêu trên biển và kiểm tra việc thực hiện pháp luật theo phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được quy định.

Duy trì tốt an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG biển; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại đối tượng, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Tổ chức thực hiện kiểm soát xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu, cảng biển, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, xử lý người, phương tiện vi phạm theo quy định của pháp luật.

Thực hiện tốt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia bảo vệ BGQG, chủ quyền biển, đảo. Vận động ngư dân không khai thác thủy sản trái phép, vi phạm chủ quyền vùng biển nước khác.

Tham mưu cho cấp có thẩm quyền, làm nòng cốt trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân ở KVBG biển; tham gia xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, phòng thủ dân sự ở KVBG biển. Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược, các hoạt động khủng bố, phá hoại ở KVBG biển.

Trực tiếp và phối hợp với các lực lượng quản lý, huy động, tiếp nhận, sử dụng nhân lực, phương tiện dân sự để quản lý, bảo vệ BGQG trên biển. Tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở KVBG biển gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh. Tích cực tham gia phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển theo nhiệm vụ, thẩm quyền được quy định.

Đẩy mạnh thực hiện hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng, quan hệ, phối hợp với lực lượng chức năng của nước có chung biển, các nước trên thế giới, tổ chức quốc tế có liên quan theo thẩm quyền quy định để trao đổi thông tin, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học, công nghệ, trang bị, kỹ thuật quản lý, bảo vệ BGQG trên biển.

Muốn vậy, đòi hỏi BĐBP phải thường xuyên quán triệt và thực hiện đúng quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý, bảo vệ BGQG, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, các quy định của pháp luật, điều ước quốc tế có liên quan đến quản lý, bảo vệ BGQG trên biển; đồng thời, không ngừng nâng cao trình độ nhận thức, năng lực thực thi quản lý, bảo vệ BGQG trên biển. Luôn bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực thi quản lý, bảo vệ BGQG trên biển.

Các đơn vị BĐBP cần áp dụng các hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ BGQG trên biển và bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật khoa học, hợp lý, hiệu quả; dựa vào nhân dân, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, ngành chức năng theo quy định của pháp luật. Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng cần tiếp tục quan tâm xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại và chú trọng bảo đảm phương tiện, vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực thi quản lý, bảo vệ BGQG trên biển trong thời gian tới.

Những năm qua, mặc dù khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, thiên tai, bão lũ liên tiếp xảy ra, dịch bệnh Covid-19 phức tạp, song, các đơn vị BĐBP đã thực hiện quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh BGQG trên biển. Chỉ tính năm 2021, BĐBP phát hiện 5 tàu vận tải nước ngoài di chuyển, neo đậu trái phép trong vùng nội thủy; 473 lượt tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam, thông báo cho các lực lượng phối hợp giám sát, xua đuổi ra khỏi vùng biển Việt Nam 443 tàu, trực tiếp lập biên bản, phóng thích 30 tàu/129 ngư dân; phát hiện, xử lý 248 vụ/361 người vi phạm quy định về lĩnh vực thủy sản...

Nguồn: BĐBP thực thi quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển

Tiến sĩ Nguyễn Văn Huệ

bienphong.com.vn