Bến Tre: Bình Đại tập trung phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics

04:10 | 07/09/2023

|
Theo UBND huyện Bình Đại, trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện sẽ được đầu tư 30.662 tỷ đồng để xây dựng phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát triển mạnh các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản phẩm có lợi thế, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao tính hiệu quả bền vững.
Bến Tre: Bình Đại phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ caoBến Tre: Bình Đại phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao
Bến Tre: Ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024Bến Tre: Ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024

Cầu Sáu Chiếm thuộc xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại đã được đầu tư xây dựng mới đồng bộ với mặt đường đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú, giai đoạn 1 (đường Bắc Nam). Ảnh: T. Thảo

Cầu Sáu Chiếm thuộc xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại đã được đầu tư xây dựng mới đồng bộ với mặt đường đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú, giai đoạn 1 (đường Bắc Nam). Ảnh: T. Thảo

Phát triển hạ tầng

Huyện đã tập trung quy hoạch phát triển đồng bộ các dự án giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và dịch vụ logistics theo danh mục phê duyệt và đầu tư thực hiện đảm bảo phân kỳ theo 2 giai đoạn, giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư 14.292 tỷ đồng và giai đoạn 2026 - 2030 đầu tư 16.370 tỷ đồng.

Trên cơ sở nguồn kinh phí phân kỳ theo quy hoạch, huyện triển khai thực hiện 8 dự án giao thông trọng điểm cấp tỉnh, gồm: Đường ven biển đoạn qua địa phận huyện Bình Đại, đê bao ngăn mặn kết hợp với đường giao thông nối các huyện Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú (giai đoạn 2), đường từ cảng Giao Long đến Khu công nghiệp (KCN) Phú Thuận liên huyện Châu Thành - Bình Đại, đường Bắc Nam phục vụ KCN Phú Thuận và Cụm công nghiệp (CCN) Phong Nẫm liên huyện Bình Đại - Giồng Trôm, đường Đê Tây đoạn giáp xã Thới Lai đến xã Thạnh Trị, nâng cấp mở rộng quốc lộ 57B. Đồng thời, cơ cấu bố trí vận tải đường thủy nội địa theo hướng đảm nhận vận tải hàng hóa phục vụ thủy sản, nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa chính, ưu tiên nâng cấp các tuyến kết nối tiểu vùng.

Ngoài ra, huyện cũng chú trọng quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án dịch vụ logistics với các cảng, như: cảng phục vụ CCN Bình Thới tại xã Bình Thới công suất 10 ngàn tấn/năm, chiều dài cầu cảng 200m, cỡ tàu lớn nhất 1.000 tấn, khu đất kho tàng bến bãi phục vụ cho tiếp nhận hàng hóa và xuất hàng hóa đi nơi khác 1,5ha; cảng phục vụ KCN Phú Thuận tại xã Phú Thuận và Long Định, công suất 1 triệu tấn/năm, chiều dài cầu cảng 125m, cỡ tàu lớn nhất 5.000 tấn, khu đất kho tàng bến bãi phục vụ cho tiếp nhận hàng hóa và xuất hàng hóa đi nơi khác 4,68ha và các bến thủy nội địa, bến hàng hóa tập trung phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách và phục vụ du lịch; đồng thời, đề xuất bổ sung quy hoạch và kêu gọi đầu tư cảng biển nước sâu và thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển vận tải, kinh doanh vận tải, dịch vụ logistics theo hướng thúc đẩy việc hình thành các đơn vị vận tải có quy mô lớn, năng lực vận tải cao.

Đến nay, đã có một số tuyến đường hoàn thành các giai đoạn, các gói thầu và đưa vào sử dụng, đảm bảo giao thông đi lại, vận tải hàng hóa, như: đường Đê Tây đoạn giáp xã Thới Lai đến xã Thạnh Trị cơ bản hoàn thành, đường từ cảng Giao Long đến KCN Phú Thuận đang chờ mặt bằng thi công; đường Bắc Nam phục vụ KCN Phú Thuận và CCN Phong Nẫm liên huyện Bình Đại - Giồng Trôm đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đang khảo sát thiết kế; đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú giai đoạn 2 tiến độ thi công đạt 45%.

Kết nối liên vùng

Để đảm bảo kết nối hạ tầng giao thông nông thôn, giao thông đô thị và giao thông liên vùng có tính kết nối liên hoàn có nhu cầu vận tải cao hướng mục tiêu đảm bảo xây dựng đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2025, huyện đã đầu tư, nâng cấp, làm mới và mở rộng nhiều tuyến đường huyết mạch, như: tuyến đường huyện (ĐH) 40 dài 11,3km, tuyến ĐH.07 dài 14,1km, tuyến Đê Tây xã Long Hòa đến Thạnh Trị dài 33,5km; tuyến ĐH.09 dài 0,7km, đường ĐH.DK.12 giáp sông Ba Lai đến sông Cửa Đại dài 2,25km đạt chuẩn cấp V đồng bằng; tuyến ĐH.DK.11 đoạn giáp sông Cửa Đại - sông Ba Lai dài 5,6km; nâng cấp hệ thống thoát nước và làm mới đường ĐH.57 dài 8,2km; nâng cấp hệ thống cấp thoát nước đường ĐH.13 dài 2,2km. Phát triển hợp lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị đạt tiêu chí quy hoạch đô thị loại III, loại IV và loại V, mở rộng đường vành đai, tuyến tránh, các nút giao thông tại các đường giao nhau có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông, phấn đấu quỹ đất dành cho giao thông đô thị đạt từ 16 - 26%...

Để đạt mục tiêu đề ra và đảm bảo nguồn vốn phân kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại Võ Văn Quân cho biết: Huyện sẽ từng lúc triển khai các nhóm giải pháp về quy hoạch, thể chế, vốn, đất đai, nguồn nhân lực và tuyên truyền phổ biến thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn tập trung đầu tư vào lĩnh vực logistics. Quản lý, khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo hướng tăng cường xã hội hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý khai thác. Chú trọng triển khai thực hiện xây dựng các dự án phát triển ngành, hàng chủ lực theo quy hoạch nhằm khai thác lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của huyện, để tạo ra nguồn cung và nhu cầu phát triển logistics.

Tăng cường vận động nhân dân và doanh nghiệp tham gia đóng góp với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và quy hoạch nông thôn mới của xã tạo nguồn lực đầu tư mạng lưới giao thông trên địa bàn. Quan tâm thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường giao thông nông thôn theo phân cấp quản lý.

Nguồn: Bình Đại tập trung phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics

Thanh Hương

baodongkhoi.vn