Bến Tre: Khai thác du lịch có trách nhiệm trên nền tảng văn hóa
Du khách quốc tế xem quy trình lột dừa tại điểm du lịch Nam Bộ (TP. Bến Tre).
Phát huy giá trị hệ thống các di tích
Khai thác DL gắn với bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích là một trong những nhiệm vụ được đặt ra hàng đầu đối với ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL). Các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh hiện được đưa vào khai thác DL, trở thành điểm đến tham quan, học tập, về nguồn của các nhóm đối tượng khách như học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong và ngoài tỉnh, là nơi tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa của địa phương.
Tuy nhiên, các hoạt động tại các di tích chỉ mới ở mức độ cơ bản là đón khách đến tham quan, chưa khai thác hết những giá trị của di tích và thực tế cũng còn nhiều hạn chế trong nội dung, cách vận hành mà ngành chức năng đã ghi nhận. Đó là khả năng thông tin, giới thiệu, hướng dẫn, đón khách tại điểm của những người làm công tác quản lý trực tiếp các di tích, nhất là các di tích kiến trúc nghệ thuật như đình, chùa cũng còn hạn chế. Thông tin, hình ảnh, thời gian hoạt động, đón khách về di tích trên các cổng thông tin chính thức của tỉnh còn chưa được cập nhật mới. Các sản phẩm về quà tặng mang đặc trưng của tỉnh tại các di tích này còn đơn giản, thiếu đặc sắc.
Từ góc độ chuyên môn, Thạc sĩ Nguyễn Đình Thịnh - Phó khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Phát huy” là khâu cuối cùng trong chuỗi hoạt động liên quan đến một di tích nói riêng và di sản nói chung. Trên cơ sở giá trị của những di sản văn hóa đó, chúng ta có trách nhiệm phát huy, để giới thiệu cho công chúng biết giá trị của nó. Bản thân những người trực tiếp quản lý tại di tích cũng như các cơ quan ban ngành quản lý địa phương cần phải xác định đúng giá trị của di tích, giá trị cốt lõi của di tích là gì và khai thác như thế nào để hiệu quả.
Đối với các di tích được đưa vào khai thác DL thì du khách cũng là yếu tố tác động đến di tích. Để cho du khách biết nên ứng xử thế nào thì nên chăng cơ quan quản lý cần có chỉ dẫn, hướng dẫn để khách tham quan biết những điều họ không nên làm, ví dụ như quy định về việc thắp hương, không sờ vào hiện vật, không xả rác… Đây cũng là cách để bảo vệ di tích tốt hơn, để du khách khi đi DL cũng ý thức được trách nhiệm với di tích.
Hiện tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện trùng tu tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Cơ quan chức năng cũng chú trọng hơn cho đào tạo nguồn nhân lực, thuyết minh tại điểm, nhất là các thành viên trong Ban khánh tiết, ban thờ tự ở các đình để các di tích này không chỉ là điểm đến học tập, tham quan mà còn là điểm đến để du khách có thể trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa đình làng của tỉnh. Đồng thời triển khai đào tạo nguồn nhân lực, tập trung triển khai nhiều lớp cho hướng dẫn viên DL tại điểm, hướng dẫn viên quốc tế, nội địa, cộng đồng dân cư trong vùng phát triển DL. Triển khai số hóa các di tích cấp quốc gia để đưa vào ứng dụng DL thông minh, thúc đẩy công tác quảng bá, xúc tiến DL, quan tâm đến chỉnh trang cảnh quan chung của di tích để đón khách.
Trải nghiệm văn hóa bản địa
Một góc độ khác để khai thác yếu tố văn hóa trong các hoạt động DL là tái hiện lại hoạt động văn hóa như: nghe trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian, trình diễn cách làm món ăn đặc sản địa phương (quy trình làm kẹo dừa, tráng bánh, quy trình đan đát công cụ thủ công, thắt lá dừa) hoặc cho khách trải nghiệm thực tế các hoạt động trong đời sống của người dân như: đến thăm nhà người dân có vườn rau màu, chăn nuôi, cùng tham gia thu hoạch nông sản, đánh bắt thủy sản (bắt cua, cá, cào nghêu, sò…), trải nghiệm nấu ăn (cooking show), ngắm nhìn cảnh quan (đi xe ngựa, xe đạp trên đường quê, đi đò chèo trong rạch dừa nước…). Các hoạt động này tất cả đều cần được khai thác một cách khéo léo để đẩy cảm nhận của du khách trên toàn bộ giác quan. Sự khác biệt văn hóa giữa các vùng miền, các quốc gia vừa là cơ hội để người làm DL mang đến những gì hay ho, thú vị nhất mà mình có cho du khách thấy sự khác biệt, thỏa mãn mục đích của việc đi DL. Nhưng cũng là thách thức, tức là chúng ta phải phải phô diễn như thế nào cho khéo léo, có sự lựa chọn chừng mực cũng để khách hiểu và nhận ra giá trị của chuyến đi.
Có thể nói vai trò của hướng dẫn viên DL tại điểm cũng như người dân tham gia khai thác DL là rất quan trọng trong việc dẫn dắt, giúp du khách cảm nhận sâu về giá trị văn hóa bản địa. Không ai khác hơn, chính hướng dẫn viên là người hiểu rõ nhất những giá trị, bản sắc văn hóa tại điểm của mình, họ cần trở thành nhịp cầu nối tinh tế để du khách chạm đến tầng sâu văn hóa bản địa. Chính điều này sẽ tạo thành cú hích để nâng tầm giá trị sản phẩm DL của tỉnh. Là một chủ homestay kiêm hướng dẫn viên có kinh nghiệm nhiều năm đối với các đường tour DL nông thôn, DL cộng đồng, anh Quách Duy Thịnh (homestay Maison du Pays de Bến Tre) cho biết: “Người dân địa phương chính là đại sứ để giới thiệu, quảng bá văn hóa địa phương một cách chân thật nhất. Và nhu cầu du khách nơi phương xa đến trải nghiệm văn hóa là cần gặp người địa phương, để được “chạm” vào những lát cắt văn hóa bản địa sinh động nhất. Tuy nhiên, người làm DL cũng cần hướng dẫn để người dân cùng mình tham gia khai thác DL biết cách chọn lọc những giá trị, đặc trưng nhất để truyền tải cho du khách một cách tinh tế, giúp những người khách phương xa thoải mái hơn khi tiếp xúc với văn hóa tại một vùng đất lạ”.
Khai thác DL gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di tích, giá trị văn hóa luôn cần được đặt trong mối quan hệ tương hỗ với nhau. Khai thác DL là một trong những giải pháp để phát huy giá trị di tích, giá trị văn hóa, mang lại lợi ích cho nền văn hóa của địa phương. Văn hóa được khẳng định là nguồn sức mạnh nội sinh cho sự phát triển toàn diện của kinh tế - xã hội đất nước. Văn hóa có đóng góp như một lĩnh vực độc lập và như một thành tố nằm xuyên suốt trong các lĩnh vực khác. Khai thác DL có trách nhiệm trên nền tảng văn hóa sẽ tạo nên giá trị bền vững cho chính nền DL và cũng sẽ góp phần thiết thực trong việc phát huy các giá trị truyền thống văn hóa và phát triển toàn diện con người Bến Tre, để các giá trị văn hóa ngày càng thấm sâu vào đời sống tinh thần, tình cảm mỗi người dân, mối quan hệ trong gia đình, tình làng nghĩa xóm đoàn kết, bền chặt. |
Nguồn: Khai thác du lịch có trách nhiệm trên nền tảng văn hóa
Thanh Đồng
baodongkhoi.vn
-
Ngành năng lượng toàn cầu tạo thêm 2,5 triệu việc làm trong năm 2023
-
Món ngon bình dân đậm chất Huế
-
Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN
-
Phương Linh hát không cát-sê trong đêm nhạc của Quốc Thiên
-
Ẩm thực Cao Bằng - Đặc sản mộc mạc vùng non cao
-
Hoàng Đức, Đặng Văn Lâm chốt bến đỗ bất ngờ
- PV Power và Vingroup hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh
- Lâm Đồng: Ðà Lạt du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế động lực
- Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp
- Hà Giang: Ngôi đền thiêng trên núi Suối Thầu
- Petrovietnam và Petronas tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo
- Khánh Hòa: Khánh Sơn thúc đẩy phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn
-
Eximbank: Không có việc NHNN đang thanh tra các hoạt động cấp tín dụng tại ngân hàng
-
Techcombank kinh doanh ra sao trong 9 tháng đầu năm 2024?
-
Vietinbank dẫn đầu ngành ngân hàng về tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm 2024
-
Giá hoa tươi dự kiến tăng cao dịp 20/11
-
Khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cùng với TT-GREEN
-
CLB Viettel đại thắng 5 sao, vươn lên top 3 V-League 2024/25
-
Các nhà bán lẻ tăng tốc chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết Ấn Tỵ
-
Ngân hàng SHB - Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất 9 tháng đầu năm 2024
-
Đội tuyển Nga tiếp tục vắng mặt ở vòng loại World Cup 2026