Bến Tre: Mỏ Cày Nam phát triển công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp theo hướng công nghệ cao

05:10 | 27/01/2024

|
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Mỏ Cày Nam nằm ở vùng kinh tế - xã hội Nam sông Hàm Luông, với các định hướng tập trung phát triển công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Bước vào mùa xuân mới, huyện Mỏ Cày Nam hòa mình cùng cả tỉnh phấn đấu đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
Bến Tre: Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam khảo sát thực tế tại Khu công nghiệp và khu tái định cư Phú ThuậnBến Tre: Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam khảo sát thực tế tại Khu công nghiệp và khu tái định cư Phú Thuận
Bến Tre: Chủ tịch UBND tỉnh thăm, chúc Tết công nhân tại công trình cầu Rạch Miễu 2Bến Tre: Chủ tịch UBND tỉnh thăm, chúc Tết công nhân tại công trình cầu Rạch Miễu 2

Sản xuất chỉ xơ dừa xuất khẩu tại huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Nguyễn DừaSản xuất chỉ xơ dừa xuất khẩu tại huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Nguyễn Dừa

Phát triển đô thị

Người dân Mỏ Cày Nam siêng năng, cần cù, có nhiều sáng tạo trong sản xuất, nhờ đó, bao đời nay đời sống người dân khá sung túc. Tuy nhiên, Địa chí Bến Tre khi ghi chép về huyện Mỏ Cày (nay là huyện Mỏ Cày Nam và huyện Mỏ Cày Bắc) đã nhấn mạnh yếu tố, bình quân diện tích đất tính theo đầu người thấp, muốn nâng cao nhanh chóng đời sống của nhân dân phải mở ra một phương hướng mới trong phát triển kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 17-11-2023. Quy hoạch tỉnh chính thức có hiệu lực, đong đầy khát khao của lãnh đạo, người dân tỉnh nhà với mong muốn thấy kết quả và đặt niềm tin, kỳ vọng đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Theo phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, tỉnh có 3 vùng kinh tế - xã hội, trong đó, “Vùng Nam sông Hàm Luông” (gồm các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách) được xác định là vùng tập trung phát triển công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (trụ cột là kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái). Khai thác hiệu quả 2 hành lang kinh tế đi qua: Trục đô thị Chợ Lách - đô thị Mỏ Cày - đô thị Thạnh Phú; trục đô thị Châu Thành - TP. Bến Tre - đô thị Mỏ Cày.

Bên cạnh đó, tại phương án quy hoạch xây dựng “Vùng liên huyện phía Nam sông Hàm Luông” bao gồm huyện Mỏ Cày Nam, huyện Mỏ Cày Bắc và huyện Chợ Lách là khu vực phát triển theo hướng tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gồm: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp gắn với hành lang động lực của tỉnh là quốc lộ 60, đường cao tốc CT33 và quốc lộ 57. Về phương án quy hoạch xây dựng các vùng huyện, vùng huyện Ba Tri, vùng huyện Bình Đại, vùng huyện Mỏ Cày Nam là các vùng động lực, tập trung phát triển các đô thị dịch vụ tổng hợp hướng đến thành lập các đơn vị hành chính đô thị cấp huyện (thành lập thị xã) tại các huyện: Ba Tri, Mỏ Cày Nam, Bình Đại, giai đoạn đến năm 2030.

Danh mục Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 ghi rõ, giai đoạn 2021 - 2025, đô thị Hương Mỹ phát triển thành thị trấn thuộc huyện Mỏ Cày Nam. Phấn đấu sau năm 2025 đạt đa số tiêu chí về phân loại đô thị loại IV, tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch, xây dựng chương trình kế hoạch để hình thành thị xã Mỏ Cày và nâng cấp lên đô thị loại III trước năm 2030. Bên cạnh đó, đô thị An Thạnh, đô thị An Định và đô thị An Thới được công nhận đô thị loại V vào năm 2030. Qua đó, thực hiện mục tiêu “phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 37 đô thị, trong đó TP. Bến Tre là đô thị loại I (thành phố thông minh, sinh thái); 3 đô thị loại III; 2 đô thị loại IV; 31 đô thị loại V”.

Trong bối cảnh Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng cho hay: “Huyện Mỏ Cày Nam quan tâm thực hiện quy hoạch các khu chức năng như: Đề án Làng dừa, khu hành chính cũ của huyện, Khu công nghiệp Đìa Dứa... để kêu gọi đầu tư, phát triển thương mại - du lịch trên địa bàn huyện”.

Thế mạnh về cây dừa

Cuối năm 2023, diện tích dừa trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam đạt 16.820 ha, cây ăn quả 2.150ha; đàn heo đạt 245 ngàn con, đàn bò đạt 17.050 con, đàn dê đạt 17.060 con. Hiện toàn huyện có trên 6.675 vườn dừa đang thực hiện quy trình canh tác hữu cơ, với tổng diện tích 5.596,8ha; trong đó, có 4.760 vườn được chứng nhận đạt hữu cơ, diện tích 4.203ha, đạt 32,79% tổng diện tích vườn dừa của huyện, tăng 630 vườn, 600ha so với đầu năm.

Phương án quy hoạch các khu chức năng theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nêu rõ, các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của tỉnh sẽ: “Phát triển các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu chăn nuôi tập trung, trang trại trồng trọt, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng chuyên canh quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, gắn với chế biến sâu”. Trong đó, huyện Mỏ Cày Nam nằm trong vùng sản xuất dừa cùng với các huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Bình Đại và Thạnh Phú; vùng chăn nuôi tập trung tại các huyện: Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú.

Tại phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải và logistics, huyện Mỏ Cày Nam sở hữu nhiều lợi thế về giao thông đường thủy. Cụ thể, về đường thủy nội địa quốc gia, tỉnh sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan phát triển tuyến đường thủy nội địa trên các tuyến sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên, kênh Chẹt Sậy - sông Bến Tre, rạch và kênh Mỏ Cày, kênh Chợ Lách. Đây là điều kiện thuận lợi cho huyện Mỏ Cày Nam phát triển du lịch, bởi theo “Danh mục phát triển các khu du lịch, vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao, dịch vụ tổng hợp tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, huyện Mỏ Cày Nam có Khu du lịch Làng dừa sông Thom, Khu du lịch Cồn Thành Long, Khu di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre nằm trong các khu, dự án được tỉnh kêu gọi đầu tư.

Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam Hà Quốc Cường chia sẻ: Năm 2024 là năm có tính chất quyết định và quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện xác định đây là năm phải tập trung cao độ để hoàn thành các chỉ tiêu của nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, cũng là năm bước vào thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, huyện Mỏ Cày Nam ra sức nỗ lực, hòa mình cùng các huyện, thành phố trong tỉnh phấn đấu đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.

Nghị quyết Huyện ủy Mỏ Cày Nam năm 2023 đề ra 22 chỉ tiêu chủ yếu, đã thực hiện đạt và vượt 20/22 chỉ tiêu, tỷ lệ 90,9%. Thu nhập bình quân (GDP) ước đạt 71 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt chỉ tiêu. Công tác bảo đảm an sinh xã hội được tập trung thực hiện tốt; chăm lo cho các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng và các hộ nghèo được thực hiện đúng, đủ và kịp thời. Chất lượng giáo dục tiếp tục được duy trì và phát triển. Quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Nguồn: Mỏ Cày Nam phát triển công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp theo hướng công nghệ cao

Thạch Thảo

baodongkhoi.vn