Bến Tre: Phát triển sinh kế và du lịch dưới tán rừng

07:27 | 27/04/2023

|
Chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm về mô hình sinh kế người dân gắn với rừng, mô hình du lịch sinh thái trong rừng tại tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Cà Mau mở ra cho đoàn công tác tỉnh Bến Tre một góc nhìn mới và gợi cảm hứng cho những việc cần làm liên quan tới phát huy tài nguyên rừng tại tỉnh.
Bến Tre: Đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”Bến Tre: Đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Bến Tre: Bình Đại qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hộiBến Tre: Bình Đại qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội

Tham quan Trạm kiểm soát khu vực Bãi bồi biển Tây Mũi Cà Mau được xây dựng trên mặt biển với kiến trúc phỏng theo hình con tôm.

Tham quan Trạm kiểm soát khu vực Bãi bồi biển Tây Mũi Cà Mau được xây dựng trên mặt biển với kiến trúc phỏng theo hình con tôm.

Sinh kế gắn với rừng

Đoàn công tác tỉnh do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh làm trưởng đoàn đã đến xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng và xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau học tập kinh nghiệm vận hành mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng.

Tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đồ Văn Thừa cho biết: Huyện Cù Lao Dung hiện có 1.874,5ha. Đặc thù rừng ở đây đa số là rừng bần và một phần nhỏ là cây đước, cây mắm. Từ năm 2013, trên địa bàn huyện có nhiều dự án (do nước ngoài tài trợ) được triển khai như dự án: Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) và dự án GIZ... Trong những dự án này, có các mô hình sinh kế dưới tán rừng bần trên địa bàn xã An Thạnh 3. Trên cơ sở đó, huyện thành lập những nhóm đồng quản lý, tổ trồng bảo vệ và nuôi thủy sản dưới tán rừng. Các tổ này nuôi những loài thủy sản phù hợp với điều kiện sinh sống ở Cù Lao Dung như nghêu, vọp, ốc len, ba khía, cá thòi lòi...

Qua quá trình vận hành những dự án nói trên, huyện Cù Lao Dung đã đề xuất Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh để xin phép cho thí điểm thực hiện mô hình sinh kế dưới tán rừng. Kể từ năm 2013 đến nay, huyện Cù Lao Dung đã thực hiện 30 mô hình với diện tích cộng dồn tới thời điểm này trên 40ha. Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Đồ Văn Thừa chia sẻ: “Kết quả mang lại cho thấy, việc bảo vệ rừng hiệu quả hơn, người bên ngoài không được xâm nhập vào rừng. Sự có mặt của các dự án cũng hỗ trợ người dân lưới rào nuôi thủy sản, cầu tre đi vào mô hình, chi phí hỗ trợ con giống. Thủy sản dưới tán rừng được nuôi thưa, không cần cho ăn thức ăn, chỉ cần bảo vệ và giữ đem lại thu nhập cho người dân. Với hướng phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng, chúng tôi thấy rằng các loài đặc sản của rừng sẽ là món ăn ngon phục vụ du khách tham quan ăn tại chỗ hoặc mua về làm quà”.

Hiện trạng rừng tỉnh Bến Tre (tính đến ngày 31-12-2022), diện tích đất có rừng 4.481,59ha, trong đó, rừng đặc dụng 1.889,13ha; rừng phòng hộ 2.237,09ha; rừng sản xuất 355,37ha. Đặc thù rừng ở Bến Tre là rừng ngập mặn và rừng phi lao. Chủng loài rừng, gồm: cây bần, cây đước, cây đưng, mắm trắng và cây dương.

Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre Bùi Quốc Thống (Phó trưởng đoàn Bến Tre trong chuyến học tập kinh nghiệm tại Sóc Trăng và Cà Mau) cho hay: “Khi tham quan tại Sóc Trăng, chúng tôi nhận thấy rừng ở Bến Tre và Sóc Trăng đều là rừng ngập mặn. Chủng loài cây trong rừng cũng tương đồng nhau. Chuyến đi gợi cho tôi suy nghĩ và đánh giá cao mô hình cộng đồng quản lý rừng tại tỉnh Sóc Trăng. Về chất lượng bảo vệ rừng khi thực hiện mô hình sinh kế dưới tán rừng, tôi thấy tốt hơn so với một số mô hình mà chúng tôi từng tham quan. Giá trị thủy sản dưới tán rừng tại huyện Cù Lao Dung cũng cao hơn so với một số nơi khác. Từ đó, thúc đẩy tinh thần giữ rừng của người dân cao hơn trong công tác bảo vệ rừng. Sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ có báo cáo, đề xuất xin chủ trương thực hiện một số mô hình có hiệu quả, nhằm thúc đẩy công tác bảo vệ rừng của tỉnh tốt hơn trong thời gian tới”.

Du lịch cộng đồng

Kinh phí thực hiện chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm về mô hình sinh kế người dân gắn với rừng, mô hình du lịch sinh thái trong rừng tại tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Cà Mau do Tổ chức GIZ (Đức) tài trợ, hoạt động này nằm trong Chương trình Thích ứng với biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long (MCRP).

Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) đã hoạt động tại Việt Nam hơn 25 năm. Mục tiêu của các dự án do GIZ thực hiện tại Việt Nam với 3 lĩnh vực trọng tâm: môi trường và tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, đào tạo nghề. Tại đồng bằng sông Cửu Long, GIZ hỗ trợ thực hiện các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Ở tầm quốc gia, GIZ phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu.

Tại Cà Mau, nhiều dự án của GIZ hỗ trợ tỉnh này trong bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Minh Đua - chủ hộ homestay Hải Nam (mô hình du lịch sinh thái cộng đồng Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) chia sẻ: Trong 3 năm làm du lịch cộng đồng, du lịch đã giúp gia đình tôi có lợi nhuận cao hơn so với chỉ khai thác nuôi thủy sản dưới tán rừng. Với 9ha đất rừng được giao, mỗi năm tôi thu về khoảng 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, nguồn thu từ du lịch cũng mang lại thu nhập ổn định. Chúng tôi có 5 phòng nghỉ. Du khách đến đây ở lõi rừng, được trải nghiệm soi ba khía, dở lờ cua, thưởng thức món ăn từ thủy sản thiên nhiên, ngắm cảnh bình minh và hoàng hôn trong không gian yên bình của rừng... Cuộc sống của chúng tôi dựa vào rừng thiên nhiên là chính. Do đó, món quà trời ban là rừng thật quí giá với chúng tôi. Đặc thù rừng ở Đất Mũi là xẻ mương trồng rừng, khâu chăm sóc cũng đơn giản, khi mưa nhiều tôi phải đi tháo nước, nếu không cây đước sẽ chết. Mùa đón khách du lịch sôi động nhất là mùa hè và ngày lễ. Khách chủ yếu là khách nội địa.

Ông Nguyễn Minh Đua là một trong bảy hộ dân làm du lịch sinh thái cộng đồng tại cồn Đất Mũi, xã Đất Mũi. Ông Đua có 40 năm canh tác ở mảnh rừng này và 23 năm đưa cả gia đình vào lõi rừng (nay là Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau) sinh sống. “Phải nói là từ khi có Đề án Làng văn hóa du lịch Đất Mũi mà hộ làm homestay ở lõi rừng như tôi mạnh dạn bỏ ra 1 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất làm du lịch. Lợi ích lớn nhất là cơ chế, chính sách áp dụng cho hộ làm du lịch được quy định rõ ràng, thống nhất, như việc xin lưu trú cho khách được tạo điều kiện đăng ký dễ dàng. Các đoàn khách tham quan, trải nghiệm được tự do, thoải mái trong một phạm vi nhất định...”.

Tại buổi họp mặt trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng giữa Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và đoàn công tác tỉnh Bến Tre, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh bày tỏ: “Bến Tre phát triển du lịch khá đa dạng nhưng du lịch dưới tán rừng chưa nhiều. Với những kinh nghiệm phong phú được chia sẻ từ Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau Lê Văn Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau Nguyễn Như Độ tỉnh Cà Mau và qua khảo sát thực tế, đoàn công tác Bến Tre thấy bà con làm du lịch cộng đồng tại Cà Mau rất phấn khởi. Hiện chúng tôi đã xin chủ trương UBND tỉnh và đã được chấp thuận để xây dựng đề án du lịch dưới tán rừng. Những kinh nghiệm quí được tỉnh bạn chia sẻ hôm nay chúng tôi sẽ học tập, áp dụng để sớm hình thành được dự án, phát triển du lịch dưới tán rừng tại Bến Tre trong thời gian tới”.

Nguồn: Phát triển sinh kế và du lịch dưới tán rừng

Thạch Thảo

baodongkhoi.vn