Bến Tre: Sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị

05:10 | 19/04/2024

|
Gần đây, việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… không còn xa lạ đối với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu theo chuỗi giá trị (CGT). Trong tiêu thụ sản phẩm cũng có chuyển biến lớn từ bán cho thương lái chuyển qua ký hợp đồng với doanh nghiệp hay các kênh tiêu thụ thông minh từ nền tảng online đã góp phần đáng kể trong tăng giá trị nông sản.
Bến Tre: Phát triển thương mại số sản phẩm OCOP tỉnh trên Kênh Truyền hình khởi nghiệp Quốc giaBến Tre: Phát triển thương mại số sản phẩm OCOP tỉnh trên Kênh Truyền hình khởi nghiệp Quốc gia
Bến Tre: Câu lạc bộ Bến Tre: Câu lạc bộ "Cà phê người lính": Nhiều câu chuyện "truyền lửa" làm kinh tế
Bến Tre: Sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị
Nông dân Nguyễn Thanh Hùng ngụ xã Hưng Khánh Trung B (Chợ Lách) bán hàng qua kênh online.

Sản xuất theo chuỗi giá trị

Đến nay, tỉnh đã có 67 tổ hợp tác, 75 hợp tác xã (HTX) tham gia vào xây dựng vùng sản xuất gắn với CGT các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Diện tích thực hiện liên kết đạt 20,6%. Qua thực hiện CGT, đã từng bước hình thành liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi: Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông, nhà khoa học, ngân hàng… bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

HTX Nông nghiệp Tân Phú (Châu Thành) là HTX điển hình của tỉnh trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm quả sầu riêng theo CGT. Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Phú Nguyễn Thị Thinh cho biết: “Hiện tại, HTX có 301 thành viên đã được công nhận 5 mã số vùng trồng với diện tích 168ha liên kết với Công ty Quỳnh Mai, Công ty Tây Nam và vựa trái cây 6 Thắm để tiêu thụ sản phẩm. HTX trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP và đang hoàn thiện để được công nhận sản phẩm OCOP từ 4 sao lên 5 sao nhằm phục vụ thị trường. Ngoài ra, HTX đang thực hiện đề tài chế biến sầu riêng bằng công nghệ sấy để chế biến sâu, tăng giá trị quả sầu riêng. Hiện tại, HTX đã được chỉ dẫn địa lý cho 200ha sầu riêng”.

Trong thời gian qua, nông dân trồng dừa tham gia vào CGT mang lại hiệu quả rất cao. Hiện tại, diện tích dừa tham gia CGT trên 23.700ha, chiếm trên 30% tổng diện tích dừa của tỉnh, sản lượng dừa tham gia CGT đạt trên 230 ngàn tấn. Trong đó, tổng diện tích dừa hữu cơ trên 18.000ha và diện tích đạt chứng nhận 11.630ha theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật và EU.

Tại huyện Giồng Trôm, có nhiều HTX hoạt động hiệu quả khi tham gia CGT dừa. Trong đó, phân bón đầu vào thì căn cứ vào nhu cầu sử dụng của người dân đăng ký thông qua HTX, các công ty làm đầu mối giới thiệu nguồn cung cấp phân bón hữu cơ để người dân được hưởng giá ưu đãi tốt nhất và tránh tình trạng phân giả, phân kém chất lượng. Hiện tại, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre - Betrimex cung cấp trực tiếp phân bón hữu cơ cho người dân, giá dao động từ 5.000 - 5.800 đồng/kg phân hữu cơ, tùy chủng loại. Khi tiêu thụ sản phẩm, các công ty liên kết tham gia CGT thu mua dừa trực tiếp ký hợp đồng với hộ dân, sau đó thông qua HTX, đại lý thu gom tại địa phương sẽ thực hiện thu gom, sơ chế, vận chuyển sản phẩm về công ty. Giá thu mua của từng công ty khác nhau, trung bình cao hơn từ 5 - 20% so với giá thị trường, tùy vào chính sách của công ty và tùy thời điểm.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Hưng Lễ (xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm) liên kết với Tổ chức FLO (tổ chức phi Chính phủ, phi lợi nhuận thành lập tại Hà Lan năm 1998) trồng dừa đạt tiêu chuẩn Fairtrade (thương mại công bằng) bán với giá cao. Hiện tại, HTX có 804 thành viên tham gia với diện tích 616ha. Trong đó, có 519 thành viên với 436,2ha trồng dừa đạt chuẩn Fairtrade, số còn lại trồng dừa đạt chuẩn hữu cơ. Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Hưng Lễ Nguyễn Văn Chúc cho biết: Tổ chức FLO sẽ đặt hàng sản phẩm dừa của HTX thông qua Công ty Betrimex với giá cao hơn cả dừa hữu cơ. Hàng năm, dựa vào đơn hàng xuất đi, tổ chức FLO sẽ trích lại từ 10 - 15% tổng giá trị để HTX thực hiện các công trình phúc lợi tại địa phương, xây nhà tình thương, tặng quà cho học sinh nghèo, phát miễn phí phân bón cho các thành viên HTX…”.

Đa dạng kênh tiêu thụ nông sản

Hiện tại, ngoài tiêu thụ nông sản truyền thống qua kênh thương lái, gần đây, nông dân đã liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp và đa dạng kênh tiêu thụ để bán hàng với giá cao hơn. Khoảng 3 năm trở lại đây, hình thức bán hàng qua nền tảng online bắt đầu hình thành và phát triển mạnh khi ngày càng có nhiều HTX, hộ dân có website, tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử, bán hàng qua mạng xã hội... Trong đó, tiêu thụ mạnh nhất là các sản phẩm bưởi, cây ăn trái, dừa và cây giống, hoa kiểng... Tại xã Hưng Khánh Trung B (Chợ Lách) có 987 hộ dân chuyên trồng hoa, cây kiểng thì có rất nhiều nông dân bán qua nền tảng thương mại điện tử với khoảng 50% sản lượng. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Khánh Trung B Đặng Văn Dũng cho biết: “Mấy năm nay, việc tiêu thụ hoa, cây kiểng tại địa phương chủ yếu qua thương mại điện tử với các mạng xã hội như: Facebook, TikTok, Zalo, Youtube... Hội đã phối hợp với các đơn vị, nhà mạng tổ chức 5 lớp tập huấn cho nông dân để mở tài khoản, cách dựng Clip, đăng trên mạng xã hội... để bán hàng mang lại hiệu quả cao”.

Hiện tại, gia đình ông Dũng mỗi năm bán khoảng 10 ngàn cây mai giống với giá từ 100 - 300 ngàn đồng/cây. Trong đó, bán qua nền tảng mạng xã hội chiếm 80% sản lượng, số còn lại bán cho thương lái. Gia đình ông Dũng có 3 người con, đứa con dâu được phân công nghe máy điện thoại khi khách hàng gọi tới đặt hàng, đứa con trai lớn đóng thùng, đứa kế quay phát trên mạng xã hội nên có công việc làm quanh năm.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Thanh Hùng, ngụ ấp Trung Hiệp (xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách) trồng mai vàng giống, mai thương phẩm các loại bán hàng qua kênh: Maivangphuongnguyen do chính mình quản lý. Ông Hùng cho biết: “Gia đình tôi trồng mai vàng hơn 20 năm nhưng khoảng 2 năm trở lại đây mới bán hàng qua mạng xã hội. Lúc đầu cũng rất lo lắng không biết đóng thùng, gửi, thanh toán... như thế nào nhưng từ từ quen dần nên giờ bán qua thương mại điện tử chiếm 50% sản lượng, còn lại bán qua thương lái”. Một số nông dân có thành lập kênh riêng nhưng số lượng người xem ít cũng sẵn sàng nhờ những chủ kênh có lượt xem lớn đến quay phim, đưa lên mạng để bán được hàng.

Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách Trần Hữu Nghị cho biết: “Gần đây rất nhiều nông dân tiêu thụ nông sản thông qua thương mại điện tử. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán có khoảng 50% sản lượng hoa, cây kiểng được tiêu thụ qua các kênh điện tử, số còn lại tiêu thụ thông qua thương lái và các chợ truyền thống. Qua đó, giúp nông dân có nhiều kênh tiêu thụ hàng hóa so với trước đây, lợi nhuận vì vậy cũng tăng cao hơn so với bán hàng qua thương lái. Địa phương đã phối hợp với các ngành tổ chức nhiều đợt tập huấn để người dân tiếp cận, sử dụng các phương thức tiêu thụ nông sản thông qua thương mại điện tử”.

“Ngành nông nghiệp đang tập trung nâng cao giá trị sản phẩm thông qua hướng dẫn, hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có hơn 24.500ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương. Trong đó, dừa hơn 18.500ha; cây ăn trái 730ha; thủy sản hơn 5.400ha. Có 17 mã số vùng trồng nội địa với tổng diện tích 808ha; 43 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 705ha và 6 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các thị trường như: Hoa Kỳ, New Zealand, Châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan…”.

(Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh)

Nguồn: Sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị

Hoàng Trung

baodongkhoi.vn