Bến Tre: Tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh

06:00 | 24/05/2024

|
Đặc trưng của tỉnh là có nền sản xuất nông nghiệp rất phong phú và đa dạng với các loại hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản được phân bố trên 3 vùng sinh thái ngọt, mặn, lợ. Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tập trung nhiều giải pháp nhằm tận dụng tiềm năng và lợi thế của tỉnh để phát triển, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển nông nghiệp xanh. Thời gian tới, tỉnh sẽ có định hướng, giải pháp cụ thể mang tính đột phá, nhất là các chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh.
Bến Tre: Tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh
Sản xuất bưởi da xanh xuất khẩu.

Tiềm năng và đặc trưng của nền nông nghiệp tỉnh

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Tiến Sĩ cho biết: Chuỗi giá trị dừa ở tỉnh được xây dựng và ngày càng phát triển. Đến nay, các địa phương đã thành lập 34 hợp tác xã, 32 tổ hợp tác với quy mô 10.094,55ha và 7.048 thành viên tham gia. Thời gian qua, sản xuất dừa của tỉnh có bước phát triển quan trọng, đó là sự tăng nhanh về diện tích sản xuất hữu cơ. Hiện tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ là 18.525ha, chiếm trên 23% tổng diện tích dừa toàn tỉnh. Trong đó, diện tích dừa đạt chứng nhận hữu cơ là 12.883ha. Hầu hết các doanh nghiệp đều áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ (USDA), Nhật (JAS) và Liên minh châu Âu (EU). Nâng tổng diện tích vườn dừa có thực hiện liên kết chuỗi giá trị là 19.517ha, chiếm 25,3% diện tích dừa toàn tỉnh.

Tổng diện tích bưởi da xanh là 9.442ha, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GAP 357,93ha. Sản xuất bưởi hiện có 328,07ha đạt chứng nhận VietGAP, chiếm 3,5% diện tích bưởi. Hiện nay, các mô hình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS đã được thực hiện với quy mô 5ha tại xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam và 5ha tại xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm.

Cây rau màu có diện tích 4.020ha, được trồng tập trung ở các huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại, cung cấp sản lượng 84.270 tấn. Diện tích rau sản xuất được chứng nhận VietGAP đạt 13,8ha, diện tích đạt chứng nhận rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS là 1,3ha ở các huyện Ba Tri, Mỏ Cày Nam bước đầu đã cung cấp cho thị trường một số phẩm đạt chất lượng an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Vùng canh tác lúa - tôm huyện Thạnh Phú với diện tích 4.000 - 4.200ha, sản xuất lúa tôm là địa điểm thuận lợi phát triển sản xuất lúa hữu cơ của tỉnh. Với mô hình luân canh này, hầu như cây trồng, vật nuôi không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm sạch bảo vệ môi trường. Trong mô hình cải tiến này, chất thải sau vụ nuôi tôm là nguồn phân bón để sản xuất lúa. Hiện Thạnh Phú đã thành lập Hợp tác xã Lúa - tôm và đã tổ chức sản xuất lúa hữu cơ được chứng nhận quy mô 100ha.

Toàn tỉnh có 7.907 hộ sản xuất, kinh doanh hoa kiểng; trong đó, chủ yếu tập trung ở huyện Chợ Lách 6.421 hộ (chiếm 81,1%), huyện Mỏ Cày Bắc 605 hộ (chiếm 7,6%), huyện Châu Thành 176 hộ (chiếm 2,4%). Hàng năm, tỉnh cung ứng cho thị trường từ 15 - 18 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại, chủ yếu là mai vàng, hoa giấy, kiểng thú, bonsai, kiểng lá, tắc kiểng và các loại cây công trình.

Nuôi trồng thủy sản phát triển khá mạnh với diện tích 36.314ha nuôi tôm nước lợ. Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú với diện tích ban đầu từ 550ha và hiện đạt 3.110ha, năng suất bình quân 60 - 70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình từ 700 - 800 triệu đồng/vụ nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Sản lượng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt 49.000 tấn, chiếm 50% tổng sản lượng nuôi tôm nước lợ của tỉnh.

Các mô hình nông nghiệp hiệu quả

Mô hình ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô Invitro trong sản xuất hoa kiểng, cây giống. Kỹ thuật nuôi cấy mô Invitro dựa trên khả năng phân hóa tái sinh cây từ một tế bào được dùng cho cả hai mục đích nhân giống và cải thiện di truyền, bảo quản các nguồn gen thực vật. Ưu điểm là cây được sản xuất từ nuôi cấy mô tế bào là sạch bệnh, cây sinh trưởng, phát triển khỏe, độ đồng đều cao, hệ số nhân giống cao so với các phương pháp nhân giống khác.

Mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo áp dụng kỹ thuật nuôi trồng theo công nghệ Hàn Quốc trong điều kiện vô trùng, sử dụng các nguyên liệu địa phương như nước dừa, gạo tím để tạo ra các sản phẩm có hàm lượng cao các hoạt chất Cordycepin, Adenoin và thành phần các Axit amin. Mô hình triển khai thực hiện từ năm 2019, đến nay đã đa dạng hóa các sản phẩm: đông trùng hạ thảo ngâm mật ong, ngâm rượu, sấy khô, đông trùng hạ thảo tươi, trà túi lọc...

Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ 4.0 áp dụng đồng bộ hệ thống cảnh báo nhiệt độ ẩm độ, màn chắn mưa tự động, hệ thống tưới, quản lý dinh dưỡng tổng hợp. Đây là mô hình tưới tiết kiệm hiệu quả, là biện pháp phòng trừ dịch bệnh thân thiện với môi trường; kết hợp việc thụ phấn cho cây bằng ong góp phần tiết kiệm sức lao động, có thể quản lý canh tác từ xa. Mô hình thực hiện từ năm 2021 đã cung ứng ra thị trường từ năm 2021 đến nay. Sản lượng trung bình đạt 2,3 tấn/1.000m2/vụ.

Với những kết quả, thành tựu đạt được, việc phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn là một giải pháp tối ưu để duy trì nền sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững, thân thiện môi trường. Đây cũng là xu thế tất yếu của thời kỳ hội nhập.

Định hướng thời gian tới

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Tiến Sĩ, sắp tới, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả; nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững.

Tập trung xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.

Đối với trồng trọt, đổi mới cơ cấu cây trồng và thực hiện chế độ quản lý mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách linh hoạt hơn nhằm phát huy lợi thế là ngành sản xuất chiến lược đảm bảo nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu. Đối với chăn nuôi, đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về thực phẩm cho thị trường trong nước. Phát triển ngành thủy sản thành ngành sản xuất chiến lược, đảm bảo nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Nguồn: Tập trung các giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh

Huyền Thu

baodongkhoi.vn