Bến Tre: Tập trung phát triển công nghiệp chủ lực tỉnh

05:10 | 07/05/2024

|
Theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 3 năm qua (2021 - 2023), sau khi thực hiện các giải pháp ứng phó hạn mặn phát huy hiệu quả; dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tỉnh đã dồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả tốt. Tỉnh tập trung đầu tư cho Khu công nghiệp (KCN) Phú Thuận, các cụm công nghiệp (CCN). Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu đang dần phục hồi, với nhiều tín hiệu khởi sắc và dự kiến sẽ tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Bến Tre: Thành Thới A xây dựng thành công mô hình nuôi trùn quếBến Tre: Thành Thới A xây dựng thành công mô hình nuôi trùn quế
Bến Tre: Phát triển hạ tầng công nghiệp, thu hút đầu tưBến Tre: Phát triển hạ tầng công nghiệp, thu hút đầu tư

Bến Tre: Tập trung phát triển công nghiệp chủ lực tỉnh

Tập trung phát triển các sản phẩm từ dừa xuất khẩu.

Triển khai quyết liệt các giải pháp

Qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp (DN) của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố. Tỉnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp, thực hiện tốt công tác giải quyết thủ tục hành chính đối với các lĩnh vực. Chuyển đổi số được ứng dụng vào quản lý hành chính nhà nước đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Tỉnh quan tâm duy tu, bảo dưỡng, đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, nhằm đảm bảo thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh, góp phần phát triển công nghiệp. DN được quan tâm hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng thương hiệu các sản phẩm, hàng hóa, thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực của vùng theo chuỗi giá trị, đặc biệt là các sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu... Các DN cùng chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp nêu cao tinh thần vượt khó, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Từ năm 2021 - 2023, có 1.577/5.000 DN thành lập mới, đạt tỷ lệ 31,54%. Hiện toàn tỉnh có 6.171 DN, với tổng vốn đăng ký 73.692 tỷ đồng.

Giá trị sản xuất chế biến dừa giai đoạn 2020 - 2023 không tăng. Trong đó, giá trị sản xuất giảm năm 2021 (3.200 tỷ đồng) và phục hồi qua các năm 2022 (3.650 tỷ đồng) và 2023 (3.750 tỷ đồng). Kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 5,12%/năm, tăng trưởng từ 376,602 triệu USD năm 2021 lên 413,26 triệu USD năm 2022 và đạt 420 triệu USD vào năm 2023.

Giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến thủy sản giảm 6,31%/năm; giảm nhiều nhất trong năm 2021 (4.200 tỷ đồng). Sau đó, phục hồi trong 2 năm 2022 (4.800 tỷ đồng) và năm 2023 (5 ngàn tỷ đồng). Kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản tăng bình quân 13,68%/năm và qua các năm thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản cũng có sự tăng trưởng, từ 64,762 triệu USD năm 2021 lên 85,29 triệu USD năm 2022 và đạt 90 triệu USD vào năm 2023.

Giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ giảm 0,74%/năm. Trong đó, giảm nhiều nhất trong năm 2021 (3 ngàn tỷ đồng), có sự phục hồi vào năm 2022 (3.450 tỷ đồng) và năm 2023 (3.570 tỷ đồng).

Hiện tỉnh được phê duyệt thực hiện 19 dự án điện gió, với tổng công suất 1.007,7MW. Trong đó, có 10/19 dự án đang triển khai các thủ tục pháp lý, 9/19 dự án đã triển khai lắp đặt hoàn thành các tua-bin, với công suất khoảng 365,9MW. Lũy kế tổng công suất đóng điện hòa lưới đến nay 250,75/365,9MW. Bộ Công Thương hỗ trợ sớm hoàn thiện các thủ tục ban đầu của dự án “Khu tổ hợp Hydro xanh Bến Tre”, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo; khảo sát vị trí đề xuất thực hiện dự án điện sinh khối tại Giồng Trôm.

Định hướng phát triển

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã định hướng triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU trong thời gian tới, với các nội dung sau: Tập trung triển khai thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình số 08-CTr/TU. Phát triển các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh theo hướng KCN, CCN thế hệ mới, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phát huy mạnh mẽ thế mạnh của tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển của từng địa phương, gắn với bảo đảm quản lý tốt môi trường. Thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình hoạt động của DN để có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Triển khai có hiệu quả Kế hoạch hỗ trợ DN nhỏ và vừa giai đoạn 2023 - 2025, chú trọng hỗ trợ theo chiều sâu và đi vào thực chất.

Triển khai Đề án hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển sản xuất các sản phẩm từ dừa giai đoạn 2023 - 2025. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ xanh vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao năng lượng, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ DN quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển mạnh thương mại điện tử. Mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác tốt tiềm năng thị trường nội địa. Tích cực hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết vướng mắc các dự án điện gió để hoàn thành đúng tiến độ. Hỗ trợ thực hiện các công trình điện 110kV, nhằm đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và giải tỏa công suất các dự án điện gió.

Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN”; Kế hoạch phát triển 5 ngàn DN mới và xây dựng 100 DN dẫn đầu của tỉnh. Tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư. Triển khai giai đoạn 2 “Số hóa dữ liệu các KCN, CCN trên nền tảng bản đồ số 4D”.

Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai 11 công trình, dự án trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia trên địa bàn tỉnh, các loại cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và hỗ trợ DN phát triển. Tiếp tục duy trì hoạt động của Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh, Trung tâm điều hành an ninh mạng (SOC) tỉnh. Tập trung triển khai Đề án số 04-ĐA/TU của Tỉnh ủy về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 35%. Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh. Thực hiện đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, nhằm tạo thuận lợi, nâng cao mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

“Tập trung triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Triển khai 8 nội dung đã ký kết tại Biên bản ghi nhớ số 166-BB/TUBT-TUTG-TUVL-TUTV về xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Liên kết phát triển toàn diện Tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL; thỏa thuận hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đến năm 2025 và 6 lĩnh vực trọng tâm được ký kết chung, 4 nội dung ký hợp tác song phương giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh”.

(Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thanh Lâm)

Nguồn: Tập trung phát triển công nghiệp chủ lực tỉnh

Trần Quốc

baodongkhoi.vn