Bình Định: Khẩn trương tu sửa các tuyến đường bị sạt lở

16:17 | 05/11/2022

|
Đến nay, các điểm sạt lở, hư hỏng do các đợt mưa lũ gần đây trên địa bàn tỉnh mới chỉ được xử lý, khắc phục một phần để đảm bảo giao thông tạm thời. Hiện các địa phương và Sở GTVT đang đề nghị bổ sung kinh phí để nâng cấp, sửa chữa bài bản.

Theo báo cáo của Sở GTVT, toàn tỉnh có 2 tuyến quốc lộ bị hư hỏng nhiều là QL 19C và QL 19 mới; cùng với đó là 8 tuyến đường tỉnh, 45 tuyến đường địa phương bị hư hỏng với nhiều mức độ khác nhau.

Tại huyện miền núi An Lão, điểm sạt lở đoạn suối Tình Cảm (xã An Quang) dài 25 m, khối lượng đất đá sạt lở 500 m3; khối lượng bê tông mặt đường, tường chắn nước bị hư hỏng khoảng 35 m3; tuyến đường thôn 4 đi thôn 2 xã An Nghĩa bị sạt lở đất tại một vị trí, khối lượng đất đá sạt lở ước tính khoảng 100 m3… Ông Phạm Văn Tế, ở xã An Quang, huyện An Lão, cho biết: Sau khi sạt lở, đất đá lấp đầy mặt đường, chúng tôi không thể đi qua được. Khi ngớt mưa lũ, UBND huyện đã dọn dẹp, trả lại mặt bằng con đường nhưng các điểm sạt lở vẫn rất nguy hiểm nếu lại có mưa lớn. Người dân rất mong Nhà nước khắc phục bài bản để đảm bảo an toàn lâu dài.

Tuyến đường Diêm Tiêu - Kim Sơn, huyện Hoài Ân bị sạt lở trong đợt mưa lũ giữa tháng 10, đã được khắc phục tạm thời. Ảnh: HẢI YẾN
Tuyến đường Diêm Tiêu - Kim Sơn, huyện Hoài Ân bị sạt lở trong đợt mưa lũ giữa tháng 10, đã được khắc phục tạm thời. Ảnh: HẢI YẾN

Trao đổi với chúng tôi về nguyện vọng của người dân, ông Bùi Tiến Sỹ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện An Lão, cho biết: Hiện nay, huyện chỉ khắc phục tạm thời các điểm sạt lở, còn sửa chữa, gia cố thì khó bởi cần kinh phí rất lớn. Chúng tôi mong các sở, ngành liên quan hỗ trợ kinh phí sửa chữa cho bà con đi lại thuận lợi, địa phương có điều kiện phát triển KT-XH.

Huyện Hoài Ân là địa phương chịu nhiều thiệt hại sau các đợt mưa lũ gần đây. Ông Võ Văn Đức, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Hoài Ân, cho biết: Vừa qua, tại huyện Hoài Ân có nhiều điểm bị sạt lở đất núi như: Tuyến đường Xuân Sơn đi Đak Mang có 6 điểm bị sạt lở đất núi ở mái taluy dương dài 70 m, ước tính khoảng 100 m3. Cầu Nước Lương bị xói lở một phần mố cầu dài 10 m, khối lượng bê tông bị hư hỏng khoảng 30 m3. Đường dẫn đầu cầu Vườn Thơm - xã Ân Hữu bị sạt lở bê tông mái taluy hai bên bờ dài 15 m, khối lượng bê tông bị hư hỏng khoảng 40 m3… Để đảm bảo an toàn tạm thời, UBND huyện chỉ đạo Ban dọn đất, đá tràn lấp mặt đường, khơi thông rãnh thoát; những điểm sạt lở lớn thì dựng bảng cảnh báo cấm xe tải đi qua… Trong khả năng của huyện thì cũng chỉ làm đến vậy!

Ngoài hai địa phương kể trên, 2 huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh cũng xảy ra tình trạng sạt lở đường, dốc… tại hơn 20 điểm. Tình trạng này khiến việc lưu thông gặp nhiều hạn chế, khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động KT-XH.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Những hư hỏng, thiệt hại về hạ tầng giao thông trong đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở các huyện miền núi, trung du; tại những vị trí có độ dốc lớn, những đoạn đường nằm trong khu vực trũng thấp dễ bị ngập sâu, mái taluy hai bên đường chưa được kiên cố hóa. Riêng tuyến ĐT 638 đoạn Km137+00 - Km143+787 bị hư hỏng nền đường, mặt đường vì đoạn tuyến này có mật độ, lưu lượng phương tiện lưu thông rất lớn với tổng phương tiện lưu thông qua đoạn tuyến lên đến hơn 1.800 xe/ngày đêm. Đặc biệt là xe vận chuyển vật liệu xây dựng phục vụ thi công các công trình trọng điểm của tỉnh. Hơn nữa, khu vực này lại hứng chịu nhiều đợt mưa lớn, kéo dài. Sở GTVT đã trình UBND tỉnh xin bố trí kinh phí 10 tỷ đồng để khắc phục toàn bộ các tuyến đường hư hỏng do những đợt mưa lũ vừa qua.

Bà Đặng Thu Hương, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Sở Tài chính đã đề xuất UBND tỉnh; cụ thể, đối với các tuyến quốc lộ được ủy thác quản lý và các tuyến tỉnh lộ, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở GTVT trước mắt tự cân đối các nguồn kinh phí đã được UBND tỉnh giao trong năm 2022 để khắc phục những thiệt hại về hạ tầng giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt trên địa bàn tỉnh. Tháng 12.2022, Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính sẽ rà soát kinh phí, nhiệm vụ, tình hình thực hiện, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét điều chỉnh hoặc bổ sung để đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện công tác khắc phục thiệt hại hạ tầng giao thông do mưa lũ gây ra năm 2022. Đối với các tuyến đường địa phương, Sở Tài chính đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo UBND các huyện Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão và TP Quy Nhơn sử dụng từ nguồn ngân sách huyện và thành phố để thực hiện.

Nguồn: Khẩn trương tu sửa các tuyến đường bị sạt lở

Hải Yến

baobinhdinh.vn