Bức tranh năng lượng toàn cầu năm 2023

06:13 | 11/02/2024

|
Sản lượng dầu của Mỹ chạm ngưỡng cao chưa từng có; cuộc xung đột Israel - Hamas đe dọa thị trường dầu; Arập Xêút và Nga nỗ lực siết nguồn cung; năng lượng tái tạo ghi nhận tốc độ tăng trưởng kỷ lục… là những mảng màu đầy ấn tượng trên bức tranh năng lượng toàn cầu năm 2023.
Nước nào sẽ là động lực tăng trưởng nhu cầu dầu lớn nhất toàn cầu đến năm 2030?Nước nào sẽ là động lực tăng trưởng nhu cầu dầu lớn nhất toàn cầu đến năm 2030?
Chương trình “Trao quà Tết” của Tạp chí Năng lượng Mới và BSR đến với bà con vùng núi tỉnh Quảng BìnhChương trình “Trao quà Tết” của Tạp chí Năng lượng Mới và BSR đến với bà con vùng núi tỉnh Quảng Bình
Bức tranh năng lượng toàn cầu năm 2023
Tốc độ tăng trưởng của công suất điện tái tạo trên thế giới năm 2023 cao hơn 30% so với năm 2022

Năng lượng tái tạo tăng trưởng kỷ lục

Tốc độ tăng trưởng của công suất điện tái tạo trên thế giới năm 2023 cao hơn khoảng 30% so với năm 2022, trong bối cảnh có nhiều quan ngại về an ninh năng lượng liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Trong báo cáo được công bố vào giữa năm 2023, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo: Sản lượng năng lượng tái tạo mới sẽ tăng 107 GW so với năm 2022 - mức tăng kỷ lục, lên hơn 440 GW trong năm 2023.

Mức tăng này dự kiến sẽ đưa tổng công suất điện tái tạo trên thế giới trong năm 2023 đạt khoảng 3.800 GW và tiếp tục tăng lên 4.500 GW vào năm 2024.

Trong đó, châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng nhanh do cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan đến xung đột Nga - Ukraine. Các biện pháp chính sách mới cũng được cho là giúp sản lượng của Mỹ và Ấn Độ tăng đáng kể trong 2 năm tới. Trung Quốc tiếp tục củng cố vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này, đóng góp tới 55% tổng sản lượng năng lượng tái tạo tăng thêm trong năm 2023 và 2024.

Xét về các nguồn năng lượng, trong năm 2023, năng lượng mặt trời chiếm 2/3 mức tăng sản lượng, trong khi năng lượng gió cũng được dự báo tăng mạnh gần 70% so với năm 2022, sau 2 năm đình trệ.

Trong tổng số 2.800 tỉ USD dự kiến đầu tư vào lĩnh vực năng lượng năm 2023, hơn 1.700 tỉ USD là vào các lĩnh vực năng lượng sạch như năng lượng tái tạo và điện hạt nhân. Chỉ có hơn 1.000 tỉ USD được chi cho ngành than, khí đốt và dầu mỏ.

Bức tranh năng lượng toàn cầu năm 2023
Sản lượng dầu của Mỹ dự kiến tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024

Xung đột Israel - Hamas đe dọa thị trường dầu

Thị trường dầu quốc tế đã biến động kể từ khi cuộc chiến tại Dải Gaza bắt đầu. Theo Tạp chí Foreign Policy, trước khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ, giá dầu vốn tăng cao sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (OPEC+) cắt giảm sản lượng từ cuối tháng 9-2023. Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ có thể bị chính trị hóa sâu hơn do những gián đoạn từ xung đột Israel - Hamas.

Trong khi đàm phán với Israel và Mỹ về thỏa thuận hòa bình ở Trung Đông, Riyadh từ chối mọi nỗ lực của Washington nhằm giảm giá xăng và khí đốt. Điều này về cơ bản phù hợp với lợi ích của Nga. Arập Xêút cũng mở các kênh đàm phán với Trung Quốc.

Ngoài ra, Foreign Policy nhận định “có một trò chơi địa chính trị lớn đang diễn ra”, đồng thời cho rằng Washington đang nhắm mắt làm ngơ trước hoạt động buôn bán dầu giữa Iran và Trung Quốc. Theo đó, càng mua nhiều dầu từ Iran, Trung Quốc càng gây ít áp lực lên thị trường dầu mỏ toàn cầu vốn bị Arập Xêút và Nga hạn chế nguồn cung. Đây là cách Mỹ duy trì một thị trường ổn định, dù Washington đã áp lệnh trừng phạt đối với hoạt động mua bán dầu của Iran.

Các chuyên gia lo ngại “cục diện mong manh” trên có thể bị phá vỡ nếu Israel hay Mỹ áp dụng chiến lược mạnh tay với Iran, trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas leo thang. Nếu kịch bản đó xảy ra, eo biển Hormuz có thể đóng cửa. Bóng ma “chiến tranh tàu chở dầu” kéo dài 8 năm giữa Iraq và Iran vào những năm 80 của thế kỷ XX có thể trở lại.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, nếu xung đột Israel - Hamas leo thang thành xung đột khu vực, giá dầu thô có thể tăng tới khoảng 140-157 USD/thùng.

Năm “bom tấn” của dầu Mỹ

Sản lượng dầu của Mỹ chứng kiến năm “bom tấn” 2023 và năm 2024 có thể tiếp tục đạt mức cao mới, gián tiếp gia tăng áp lực lên Arập Xêút trong việc giành lại quyền kiểm soát giá dầu thô.

Các nhà phân tích tại Rapidan Energy ước tính, sản lượng dầu của Mỹ đạt trung bình 13,3 triệu thùng/ngày trong năm tới, tăng từ mức trung bình 13 triệu thùng/ngày của năm 2023. Con số này cao hơn mức kỷ lục của mọi thời đại, vượt cả mức 13,2 triệu thùng được ghi nhận vào tháng 9-2023.

Điều này xảy ra khi các ông lớn năng lượng Exxon Mobil và Chevron của Mỹ tuyên bố tăng ngân sách chi tiêu vốn cho năm 2024, đẩy mạnh đầu tư vào lưu vực Permian.

Ngoài việc tăng chi tiêu cho đầu tư, Exxon và Chevron còn công bố các vụ sáp nhập lớn trong năm nay để mua lại các hãng khai thác đá phiến hàng đầu.

Ngân sách tăng vọt của những tập đoàn năng lượng khổng lồ cho thấy một năm bùng nổ sản lượng dầu của Mỹ, cũng là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi của ngành năng lượng tại nền kinh tế số 1 thế giới.

Arập Xêút và Nga nỗ lực siết nguồn cung dầu

Ngày 30-11-2024, Arập Xêút tuyên bố sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện ở mức 1 triệu thùng/ngày cho đến hết quý đầu tiên của năm 2024. Nga cũng thông báo sẽ nâng mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện đến 500.000 thùng/ngày và kéo dài quyết định đến hết quý I/2024.

Các quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp của OPEC+ về việc duy trì sự ổn định và cân bằng trên thị trường dầu mỏ. Các nước đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu gần 700.000 thùng/ngày, chưa đến 1% nguồn cung toàn cầu. Với quyết định của Arập Xêút và Nga, OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng tự nguyện với khoảng 2,2 triệu thùng/ngày vào đầu năm nay.

Arập Xêút lần đầu tiên tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu vào tháng 7-2023. Tới tháng 9-2023, nước này thông báo gia hạn việc giảm sản lượng cho đến cuối năm 2023 và sẽ xem xét lại quyết định này mỗi tháng.

Về phần mình, Nga bắt đầu tự nguyện giảm sản lượng 500.000 thùng dầu/ngày từ tháng 2-2023. Mức cắt giảm này đã được gia hạn nhiều lần. Sau cuộc họp OPEC+ diễn ra vào ngày 4-6-2023, quyết định cắt giảm được gia hạn đến cuối năm 2023. Ngày 5-9-2023, Nga cũng tuyên bố sẽ gia hạn mức cắt giảm tự nguyện thêm 300.000 thùng/ngày.

Ngày 8-12-2023, hai quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới này đã cùng phát đi lời kêu gọi tất cả các thành viên OPEC+ mạnh tay hơn nữa trong việc cắt giảm sản lượng dầu. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh giá dầu WTI rơi xuống dưới mốc 70 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ tháng 6-2023, trong khi giá dầu Brent cũng chỉ dao động quanh ngưỡng 75 USD/thùng.

Nguồn: Bức tranh năng lượng toàn cầu năm 2023

Minh Quân

nangluongquocte.petrotimes.vn