Cà Mau: Ấn tượng ngành nông nghiệp

14:15 | 07/02/2024

|
Với vai trò là “trụ đỡ” nền kinh tế, ngành nông nghiệp đã và đang ngày càng được khẳng định trong thực tiễn phát triển đất nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông - lâm - thuỷ sản. Nhìn lại năm 2023, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng với nhiều con số ấn tượng.
Cà Mau: Nữ bí thư chi đoàn gương mẫuCà Mau: Nữ bí thư chi đoàn gương mẫu
Cà Mau: Ðón xuân nơi biên giớiCà Mau: Ðón xuân nơi biên giới

Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết, năm 2023, ngành NN&PTNT tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức như: lạm phát và suy thoái kinh tế; xung đột chính trị giữa các nước trên thế giới; môi trường kinh doanh nông nghiệp thiếu hấp dẫn; thời tiết thay đổi bất thường, thiên tai thường xuyên xảy ra, ô nhiễm môi trường; sạt lở ngày càng nghiêm trọng ở ven sông, ven biển; giá cả các mặt hàng nông sản có nhiều biến động, nhất là giá tôm thẻ chân trắng... Song, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, sự lãnh đạo trực tiếp của UBND tỉnh; sự đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và Nhân dân, ngành NN&PTNT đã triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm 2023 được xem là năm gặt hái nhiều thành công trong sản xuất lúa, cả về diện tích xuống giống, năng suất và giá cả tăng cao kỷ lục. (Trong ảnh: Thu hoạch lúa vụ 2 ở huyện Trần Văn Thời).

Kết quả năm 2023, tổng sản phẩm (GRDP) của ngành ước đạt 14.775 tỷ đồng (theo giá so sánh), đạt 100,38% so kế hoạch, tăng 3,37% so cùng kỳ năm trước. Nông nghiệp chiếm tỷ trọng 32,64%, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh.

Con tôm, cây lúa là 2 trong số những ngành hàng chủ lực nằm trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Ông Châu Công Bằng khẳng định, lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hoá đối tượng và phương thức nuôi kết hợp, nuôi xen canh, nuôi luân canh một số đối tượng như cua biển, sò huyết, tôm càng xanh đem lại giá trị kinh tế cao và bền vững. Sản xuất tôm giống có bước đột phá với quy mô đầu tư lớn, sản xuất tập trung; nhiều trại sản xuất quy mô nhỏ được nâng cấp, tổ chức thành các HTX để nâng cao chất lượng tôm giống và hiệu quả sản xuất. Tập trung phát triển nuôi tôm theo các tiêu chuẩn quốc tế như: GlobalGAP, Naturland, BAP, EU và gần đây có ASC, Selva Shrimp,VietGAP... Ðến nay, đã được nhiều tổ chức chứng nhận trong và ngoài nước cấp 9 loại chứng nhận quốc tế như: ASC, B.A.P, EU Organic, Canada Organic, Bio Suisse, Selva Shrimp, Mangrove Shrimp, Naturland. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản đạt 636.025 tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng tôm 242.810 tấn, tăng 6,64% so cùng kỳ.

Nông dân xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi, thu hoạch tôm công nghiệp đón Tết. Ảnh: TRỊNH VŨ LINH

Ðối với sản xuất lúa, năm 2023 được xem là năm gặt hái nhiều thành công cả về diện tích xuống giống, năng suất và giá cả tăng cao kỷ lục. Tổng diện tích gieo cấy là 111.330,05 ha, tổng sản lượng lúa đạt 549.619 tấn, tăng 9,92% so kế hoạch, tăng 1,03% so cùng kỳ. Hiện giá lúa ST24, ST25 trên địa bàn tỉnh đang được thương lái thu mua từ 9.800-10.600 đồng/kg, lúa OM 2517, OM 5451, BTE1 giá bán từ 9.200-9.500 đồng/kg; Một bụi đỏ, Một bụi lùn và Lùn mẳn giá bán từ 8.800-9.000 đồng/kg.

Với năng suất và sản lượng lúa hiện có, Cà Mau đã đóng góp không nhỏ vào ngành xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam. (Trong ảnh: Công nhân Công ty Thuận Xương, Phường 7, TP Cà Mau, chuẩn bị cung cấp sản phẩm gạo chất lượng cao cho thị trường cuối năm).

Lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Triển khai thực hiện hiệu quả chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng các loài vật nuôi có giá trị, thị trường tiêu thụ gắn với Ðề án Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh.

Công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất đáp ứng nhu cầu của người dân. Chất lượng giống phục vụ sản xuất từng bước được nâng lên. Sản xuất đa cây, đa con, luân canh phát triển mạnh, nhiều mô hình có hiệu quả cao được nhân rộng.

Ðiểm sáng nhất là công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô trong những năm gần đây duy trì ổn định, không để xảy ra vụ cháy rừng nào. Các chủ rừng cũng đã thực hiện tốt phương án quản lý bảo vệ rừng bền vững, chủ động trong sản xuất và có giải pháp bảo vệ, phát triển rừng hiệu quả. Năm 2023, công tác trồng rừng, trồng cây phân tán đạt 100% kế hoạch, góp phần tăng độ che phủ rừng và cây phân tán lên 26,2%; hoàn thành kế hoạch theo dõi, cập nhật diễn biến rừng. Tình hình rừng và đất rừng trên toàn tỉnh vẫn duy trì ổn định, số vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp tuy còn xảy ra nhưng với quy mô nhỏ và đã được ngăn chặn, xử lý dứt điểm.

Ông Châu Công Bằng thông tin, hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang tái cơ cấu lại sản xuất và từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Ðẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo các nhóm sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo từng vùng. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP gắn với nông sản từng địa phương. Tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho người dân. Hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững và tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị; tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản./.

Nguồn: Ấn tượng ngành nông nghiệp

Trung Ðỉnh

baocamau.vn