Cà Mau: Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử chùa Rạch Giồng

03:10 | 24/04/2022

|
Chùa Rạch Giồng (Chùa Serymengcol), toạ lạc ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, là một trong những ngôi chùa Khmer đẹp nhất và cổ xưa ở Cà Mau. Chùa nằm trong vùng giải phóng, trở thành căn cứ địa cách mạng, là hậu phương vững chắc hỗ trợ rất nhiều cho phong trào cách mạng tỉnh Cà Mau trong những giai đoạn khó khăn. Với ý nghĩa lịch sử tiêu biểu, ngày 9/6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký quyết định xếp hạng Chùa Rạch Giồng là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Cà Mau: Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử chùa Rạch Giồng
Lối kiến trúc độc đáo, hoa mỹ và đậm nét truyền thống Phật giáo Nam tông Khmer.

Chúng tôi đến chùa Rạch Giồng trong những ngày tháng 4 lịch sử, hoà cùng không khí phấn khởi vui đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2022 của đồng bào dân tộc Khmer và cũng đúng vào dịp tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Chùa Rạch Giồng.

Đại đức Hữu Nhiều, Trụ trì Chùa Rạch Giồng, cho biết, trải qua hơn 230 năm, kể từ khi được khởi dựng, chùa vẫn còn giữ lại được nét kiến trúc truyền thống độc đáo của chùa Khmer Nam Bộ, đó là sự phong phú đa dạng, rất đặc sắc, mỗi hình khối, mỗi hoạ tiết trang trí đều toát lên triết lý Phật giáo. Chùa là tinh hoa văn hoá tiêu biểu, nơi sinh hoạt tôn giáo, sinh hoạt cộng đồng của người Khmer, đồng thời là nơi giao lưu văn hoá giữa các dân tộc anh em và duy trì, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa đã làm tròn nhiệm vụ giữa đạo và đời, đồng thời là hậu phương vững chắc và là nơi tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào Khmer và phật tử. Tạo ra nét độc đáo riêng cho ngôi chùa cũng là điểm sáng cho Phật giáo và quê hương Thới Bình.

“Chùa Rạch Giồng được đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm. Với trách nhiệm và lòng tự hào ấy, tất cả chúng tôi - Chùa Rạch Giồng cần thực hiện thật tốt, thật hiệu quả nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích nhằm đưa tín ngưỡng Phật giáo được thực hiện, trao truyền đúng với ý nghĩa, bản sắc tốt đẹp, đặc sắc vốn có; không để bị làm sai lệch, biến tướng; bị làm tầm thường hoá, thương mại hoá”, Đại đức Hữu Nhiều khẳng định.

Nối tiếp truyền thống của cha ông, hiện nay, các vị sư sãi đồng bào Khmer ra sức tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp công sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển, giàu đẹp.

Nhiều năm qua, Ban Quản trị chùa đều có mở lớp học tiếng Pali, giáo lý và chữ Khmer cho tăng sinh, cho con em đồng bào phật tử; chùa còn lưu giữ nhiều sách, báo để phật tử, bá tánh tra cứu và học tập; con em phật tử đồng bào dân tộc Khmer đều được chùa tạo điều kiện học hành và nhiều học sinh đã được chùa giới thiệu học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Cà Mau.

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh, sự đầu tư tôn tạo bên cạnh bảo tồn giá trị di tích lịch sử ở Chùa Rạch Giồng - nơi có nhiều đóng góp cho cách mạng là góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy tinh thần đoàn kết, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương của cộng đồng các dân tộc nói chung và đồng bào Khmer nói riêng.

“Với ý nghĩa lịch sử đó, di tích Chùa Rạch Giồng có tầm quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của huyện Thới Bình nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung. Tôi tin tưởng rằng, di tích sẽ ngày càng được biết đến nhiều hơn, đáp ứng đời sống văn hoá, tinh thần của đông đảo đồng bào trong và ngoài tỉnh”, ông Trần Hiếu Hùng kỳ vọng./.

Nguồn: Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử chùa Rạch Giồng

Băng Thanh

baocamau.com.vn