Cà Mau: Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời

18:20 | 04/09/2022

|
Tình trạng sạt lở đất ven sông, ven biển trên địa bàn huyện Ngọc Hiển ngày càng nghiêm trọng không theo quy luật tự nhiên đã tác động trực tiếp đến đời sống, sinh kế của người dân và mất nhiều diện tích đất rừng phòng hộ.

Sinh sống nhiều năm qua tại khóm Ðường Ðào, thị trấn Rạch Gốc, với nghề đánh bắt thuỷ sản, anh Nguyễn Văn Quân đã chứng kiến nhiều lần bà con nơi đây phải chạy lở vì sóng biển đánh trôi đất đai, nhà cửa. Gia đình anh Quân cũng hơn 3 lần di dời nhà vì sạt lở, do điều kiện kinh tế khó khăn nên anh đành cất tạm căn nhà nhỏ nơi mé biển để tiện cho việc mưu sinh. Vào mùa mưa bão, gia đình anh Quân luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, vì sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

“Hễ mưa gió là gia đình tôi không có giấc ngủ yên. Giờ sống ở nơi đây ngày nào hay ngày đó, lúc nào cũng trong tâm lý phải chạy lở”, anh Quân tâm sự.

Từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn biến bất thường, trái quy luật, mùa mưa đến sớm hơn; trong tháng 6 và tháng 7, mưa nhiều trên diện rộng so với cùng kỳ hàng năm. Trên địa bàn huyện, thiên tai, lốc xoáy đã làm sập, tốc mái 40 căn nhà; nhiều diện tích hoa màu, cây ăn trái, ao cá nước ngọt bị ngập, nhiễm mặn, hàng chục cống vuông tôm bị bể, tổng thiệt hại trên 800 triệu đồng.

Cà Mau: Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời
Mưa lớn gây sạt lở đất làm hư hỏng hoàn toàn căn nhà của hộ dân xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, tháng 1/2022.

Ông Lâm Sỹ Em, Phó chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, thông tin: “Thiên tai những năm gần đây không còn theo quy luật như trước, nước dâng năm sau luôn cao năm trước, số cơn áp thấp nhiệt đới, bão mỗi năm cũng tăng lên. Sạt lở đất ven sông, ven biển còn phức tạp”.

Huyện Ngọc Hiển có 3 mặt tiếp giáp biển, người dân có tập quán sinh sống ven sông, ven biển để kinh doanh, khai thác thuỷ sản. Khi có thiên tai xảy ra, những hộ dân này luôn chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề. Thống kê trên địa bàn huyện hiện có hơn 3.000 căn nhà của hộ dân thuộc diện nghèo, hoàn cảnh khó khăn có nhà ở tạm bợ, xuống cấp, khi có dông bão sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Theo đó, huyện đang kiến nghị UBND tỉnh, Trung ương để hỗ trợ, xây cất 3.000 căn nhà cho số bà con này. Ðiều này không chỉ giúp người dân có nhà ở ổn định mà còn để huyện Ngọc Hiển hoàn thành tiêu chí nhà ở dân cư của huyện nông thôn mới.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, huyện Ngọc Hiển tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác phòng, chống thiên tai. Tổ chức tốt chế độ trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có thông báo kịp thời cho Nhân dân phòng, tránh; rà soát, nắm chắc các phương tiện đánh bắt xa bờ; chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn hiện có của địa phương để kịp thời huy động ứng cứu khi có sự cố thiên tai. Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phương án huy động nhân lực, vật tư, phương tiện; tổ chức thực hiện tốt phòng ngừa, ứng phó các tình huống thiên tai xảy ra.

Cà Mau: Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời
Cửa biển Vàm Xoáy, xã Ðất Mũi, chịu ảnh hưởng nặng nề do sạt lở.

Ông Võ Công Trường, Chủ tịch UBND xã Ðất Mũi, cho biết: “Xã tăng cường tuyên truyền về phòng, chống thiên tai; thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết và thông tin kịp thời đến Nhân dân để có phương án phòng ngừa hiệu quả. Xã đã thực hiện di dời hơn 20 hộ dân sống trong vùng trọng yếu sạt lở vào khu vực mới sinh sống an toàn. Hiện trên địa bàn còn hơn 10 hộ cần được di dời nhưng địa phương thiếu quỹ đất để xây khu tái định cư cho những hộ dân này”.

Nhằm chủ động phòng, chống thiên tai, huyện Ngọc Hiển còn thường xuyên tổ chức diễn tập ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các xã, thị trấn nhằm nâng cao trình độ lãnh đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền địa phương; khả năng hiệp đồng thực hành ứng phó và tìm kiếm cứu nạn của các lực lượng như công an, quân sự, biên phòng… khi xảy ra tình huống thiên tai trên địa bàn.

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Với phương châm “Tích cực, chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho Nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai. Tập trung nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở để ứng phó thiên tai kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Về lâu dài, huyện đang tiếp tục rà soát những nơi có đủ điều kiện về quỹ đất để xây dựng tái định cư, di dời những hộ dân sinh sống trong vùng trọng yếu vào khu vực an toàn”./.

Nguồn: Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời

Chí Hiểu

baocamau.com.vn