Cà Mau: "Kỹ sư" chân đất

04:12 | 27/10/2022

|
Thành công với máy cày phao nổi, đây được xem là thương hiệu của ông Tư Rô, sau đó lần lượt các loại máy khác phục vụ bà con nông dân được ông trình làng. Với quan điểm “theo ý nguyện của nông dân”, những sáng chế của ông đều được nhà nông đánh giá cao, phục vụ rất tốt trong quá trình sản xuất, nuôi thuỷ sản… Mới nhất, sau khi lắng nghe nhiều ý kiến của nông dân vùng Năm Căn, Ngọc Hiển, Ðầm Dơi… trong nuôi tôm, đặc biệt là cần cải tạo để thả sò giống nuôi trong vuông tôm; hay bà con ở huyện Ðầm Dơi một số vuông tôm đang đau đầu về tình trạng ốc đinh phá hoại vuông tôm, ông Tư Rô đã cho ra đời chiếc máy chạy trục đất, giải quyết được những vấn đề này.

Người dân ở ấp Giá Ngự, xã Ðông Hưng, huyện Cái Nước, đã biết tiếng của ông Tư Rô (tên thật là Nguyễn Văn Rô) sản xuất nhiều loại máy cày, máy trục phục vụ cho vùng nuôi tôm, vùng trồng lúa của bà con. Riêng đối với máy chạy trục đất, ông Tư Rô cho biết: “Chiếc máy này chỉ sử dụng ở vùng nước mặn, nuôi thuỷ sản. Nếu như trước đây bà con phải đưa máy vào bơm, sên vét ao đầm để cải tạo vuông tôm, thì giờ đây không còn nữa, chỉ cần đưa chiếc máy này vào chạy là có hiệu quả liền, giúp đất thêm màu mỡ mà có thể chạy trên vuông bất cứ lúc nào. Mình có thể tiết kiệm chi phí sên vét ao đầm, vì có thể khoảng 3 năm mới tiến hành sên vét 1 lần. Ðặc biệt là bảo vệ môi trường, không hút bùn thải ra sông như hình thức sên vét”. Nói có sách, mách có chứng, rồi ông Tư Rô giải thích cũng như cho tôi thấy các chủ vuông đã mua máy trục của ông.

Nhiều lần lắp ráp máy sử dụng cho vùng đất lúa, lúa - tôm; riêng vùng mặn thì ông Tư Rô đánh giá đất vùng này rất mềm, lún, vì thế cấu trúc máy trục cũng đã thay đổi theo hình thức gọn nhẹ. Ðặc biệt, chiếc máy trục chạy trên vuông bất kể thời tiết nắng hay mưa. “Với động cơ Honda 6,5 ngựa, nguyên lý là 2 bánh lồng của máy trục trên phần đất vuông (độ lún từ 8-10 cm) thì phần đất sẽ được đảo đều, từ đó giúp đất màu mỡ và chất dinh dưỡng của đất sẽ được trộn, tạo thức ăn cho con tôm, con cua…”, ông Tư Rô giải thích.

Trên nền tảng kiến thức những chiếc máy cày và máy trục trước đây nên việc sáng chế và lắp ráp chiếc máy trục đất này cũng không mấy phức tạp, tuy nhiên, ông Tư Rô cũng phải miệt mài, nghiên cứu để máy phù hợp với vùng đất mặn. Với trọng lượng khoảng 110 kg (được trang bị hộp số có 6 số và được bảo hành 1 năm), đã được ông Tư Rô cải tiến sao cho gọn nhẹ nhất có thể và gắn trực tiếp vào xuồng của nông dân, giúp người dân dễ dàng ngồi trên xuồng điều khiển máy trục. Như lời của ông Tư Rô: “Máy có chiều dài 2 m, chiều ngang 1,4 m. Máy chạy rất tiết kiệm chi phí cho nông dân, bình quân chạy 1 công đất chỉ hao tốn khoảng 10.000 đồng tiền xăng”.

Cà Mau:
Ông Tư Rô (bên phải) đang lắp ráp chiếc máy trục để giao cho nông dân.

Dù là sáng chế và bán máy trục nhưng ông Tư Rô cam đoan với bà con, sau khi trục 1 lần, khi đến con nước bắt tôm, cua thấy có sự thay đổi, hiệu quả rõ rệt thì ông Tư Rô mới nhận tiền. Bình quân 1 chiếc máy trục được ông Tư Rô bán với giá từ 20-22 triệu đồng. Ông Nguyễn Minh Nhà, Chủ tịch UBND xã Ðông Hưng, đánh giá: “Là người địa phương, ông Tư Rô đã giúp ích bà con rất nhiều, đặc biệt là bà con ở vùng nuôi sò, nuôi tôm, đây cũng là thế mạnh kinh tế của xã. Từ đây giúp bà con nắm bắt và cải tiến khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, phát huy tiềm năng và lợi thế của huyện nhà”.

Tính từ đầu năm đến nay, ông Tư Rô đã làm hơn 50 máy trục trộn đất cho nông dân.

Qua khảo sát, cũng như tìm hiểu thực tế, khi đưa máy vào trục, sau 3 ngày (trục hết vuông tôm) thì tôm trong ao nuôi của bà con trở nên cứng vỏ, bên cạnh đó còn thúc đẩy nhanh quá trình tôm lột vỏ. Riêng con tôm đất cũng sinh sản nhiều trên vuông tôm của bà con.

Cà Mau:
Ông Tư Rô hướng dẫn bà con kỹ thuật sử dụng chiếc máy trục.

Anh Trương Quốc Cộng, ấp Tân Long A, xã Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi, tâm đắc: “Ðặc biệt, con cua, con cá và con tôm đất cũng sinh sôi, do được nhiều thức ăn; khi tới nước xổ bắt lên là biết liền. Ðợi đến khoảng 20 ngày sau thì mình thực hiện trục thêm 1 lần nữa với mật độ thưa nhằm mục đích dưỡng lại cây cỏ, chất dinh dưỡng trong vuông tôm”.

Riêng tình trạng ốc đinh hiện nay là vấn đề đau đầu của bà con ở ấp Tân Long A, xã Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi; hầu như hộ dân nào trong ấp cũng có vuông bị nhiễm ốc đinh. Ðã có nhiều chuyên gia, ngành chuyên môn đến đây để dùng thuốc diệt ốc nhưng thời gian không bao lâu thì ốc sinh sản lại. Riêng gia đình anh Cộng có hơn 20 công đất nhưng bị nhiễm ốc đinh gần hết. Sau khi nghe thông tin trên báo đài, cũng như một số bà con sử dụng chiếc máy của ông Tư Rô, anh Cộng quyết định mua máy về để chạy trên đất vuông của mình. Anh Cộng chia sẻ: “Mới chạy khoảng 3 lần thôi mà ốc đinh gần như bị diệt gần hết, gia đình rất mừng vì không phải lo lắng sử dụng thuốc diệt ốc nữa. Lúc mang về chạy, có nhiều bà con đến xem và đánh giá rất cao, nhưng họ còn lo ngại về chi phí, nhưng nếu mua sử dụng lâu dài thì theo tôi là hết sức cần thiết”.

Ốc đinh tập trung nhiều trên mặt đầm, khi máy trục chạy lên thì ốc đinh sẽ dìm xuống dẫn đến ốc tự chết, theo đó tạo thức ăn cho tôm, cua, cá rất hiệu quả. Nếu sử dụng thuốc để diệt ốc thì độ phù sa, phì nhiêu của đất sẽ giảm đi nhiều. Theo anh Cộng, khi chạy máy phải tiến hành xả nước vuông còn lại khoảng 10 cm; rất tiện khi ngồi trên lái xuồng có thể điều khiển máy dễ dàng.

“Nếu thuê xáng múc vô vuông thì 1 công đất cũng tốn 250.000 đồng, mà chỉ múc trên kênh. Còn chiếc máy này có thể chạy trên kênh, mặt đầm, mà lại có thể sử dụng dài lâu nên mình cũng tiết kiệm được chi phí cải tạo”, ông Nguyễn Lực, xã Tân Tiến, so sánh.

Xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, có thế mạnh nuôi sò trên đất nuôi tôm, cũng nhờ mô hình nuôi sò mà đời sống bà con đã ổn định. Trên diện tích đất nuôi sò khoảng 30 công của mình, anh Nguyễn Chí Khanh, ấp Truyền Huấn, xã Hàm Rồng, cho máy vào trục trước khi thả giống khoảng 1 tuần, sau khi thả giống khoảng 15 ngày thì tiến hành trục thưa. Anh Khanh giải thích: “Con sò mau lớn thấy rõ. Lúc trục lần thứ nhất là tạo đất mới, còn lần thứ 2 sẽ tạo thức ăn cho con sò”.

"Trước đây vùng đất này chưa tiếp cận với công nghệ như thế, bà con chỉ cải tạo theo hình thức truyền thống, tuy mô hình nuôi sò khả quan. Từ khi có máy vào trục thì con sò lớn rất nhanh, đến khi thu hoạch thì sò rất chất lượng. Phải nói sáng chế của ông Tư Rô là rất hiệu quả cho nông dân và đáng khâm phục”, ông Nguyễn Văn Cường, ấp Rạch Vẹt, xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn, tâm đắc.

Cà Mau:
Nông dân xã Hàm Rồng chạy máy trục trộn đất trên vùng đất nuôi sò.

Với những sáng kiến ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, năm 2018-2019, ông Tư Rô vinh dự được nhận giải thưởng cao nhất trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật; được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận sản phẩm máy cày siêu nhẹ. Năm 2021 ông Tư Rô còn được vinh danh là Nông dân tiêu biểu toàn quốc.

Hiện nay ông Tư Rô mong muốn được các đơn vị liên quan tiến hành kiểm nghiệm, cũng như hội thảo cho người dân hiểu biết hết về công dụng của chiếc máy. Ông cũng đang thí nghiệm thay đổi bánh lồng để máy chạy được trên vùng đất lúa - tôm của huyện Thới Bình và thiết kế cho máy chạy trên bờ liếp để cải tạo đất trồng hoa màu. “Ðây là chiếc máy tâm đắc nhất của tôi trong 3 năm trở lại đây và tôi sẽ tiếp tục cải tiến nó theo nhu cầu của nông dân, đặc biệt sẽ dự thi trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật sắp tới của tỉnh”, ông Tư Rô tâm huyết./.

Nguồn: "Kỹ sư" chân đất

Nhật Minh

baocamau.com.vn