Cần Thơ: Chia sẻ dữ liệu, kết nối hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập cho thành phố

03:08 | 07/08/2022

|
Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị (gọi tắt là Dự án 3) do Ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức SECO (Thụy Sĩ) hỗ trợ cho TP Cần Thơ các cơ hội để chủ động giải quyết vấn đề ngập lụt và kiểm soát quá trình đô thị hóa. Bên cạnh đó, Dự án 3 còn tập trung vào hợp phần hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập để tăng cường khả năng thích ứng và phục hồi cho đô thị, bảo vệ các cộng đồng dân cư.
Cần Thơ: Chia sẻ dữ liệu, kết nối hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập cho thành phố
Trong ảnh: Một góc hồ Xáng Thổi, một trong những công trình giúp điều tiết mực nước cho vùng lõi đô thị quận Ninh Kiều.

Các khoản tài trợ đầu tư trước đây của WB cho TP Cần Thơ tập trung vào việc nâng cấp đô thị thông qua các dự án Nâng cấp đô thị 1 và Dự án Nâng cấp đô thị 2. Ðến Dự án 3, các nhà tài trợ đã đề xuất và cung cấp cho thành phố các cơ hội để chủ động giải quyết vấn đề ngập lụt và đô thị hóa bằng cách áp dụng hài hòa giải pháp công trình và phi công trình. Theo đó, gói thầu CT3-CS-TV08 xây dựng hệ thống thông tin quản lý ngập cho TP Cần Thơ (gọi tắt là FRMIS) thuộc Hợp phần hỗ trợ kỹ thuật Dự án 3. Ông Ðoàn Thanh Tâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án ODA TP Cần Thơ, cho biết: Dự án 3 cung cấp hệ thống công trình phòng, chống ngập lụt trong vùng lõi đô thị, nơi đông dân cư, chủ động mở hướng phát triển đô thị đến các khu vực có nguy cơ thấp hơn, đồng thời cải thiện khả năng kết nối giao thông, góp phần tăng cường mức sống cư dân ở trung tâm thành phố. Với gói thầu CT3-CS-TV08, dự án tăng cường khả năng phục hồi đô thị thông qua việc tạo ra một hệ thống quản lý thông tin đô thị hợp nhất là FRMIS. Từ đó hỗ trợ quá trình ra quyết định cho các khoản đầu tư về kiểm soát ngập, hệ thống thoát nước đô thị và các ứng phó khẩn cấp khi ngập lụt xảy ra.

Theo ông Terry Van Kalken, Trưởng đoàn Tư vấn thuộc Liên doanh tư vấn gói thầu CT3-CS-TV08, hệ thống FRMIS là một công cụ thông minh để hỗ trợ thành phố ra quyết định về vận hành các hệ thống thoát nước và kiểm soát ngập lụt; lập quy hoạch quản lý rủi ro ngập lụt trong ngắn và trung hạn cùng quy hoạch phát triển đô thị chống ngập cho trung và dài hạn. FRMIS sẽ góp phần giúp thành phố thích ứng tốt với điều kiện bất lợi về môi trường, khí tượng thủy văn trong tương lai, vừa đảm bảo an toàn cho cộng đồng vừa phát triển bền vững. FRMIS vận hành trên 2 khung thời gian gồm: Thời gian trực tuyến vận hành liên tục cơ sở hạ tầng ô bao và cảnh báo sớm ngập lụt; Lập quy hoạch (ngoại tuyến) cho quy hoạch bền vững trong trung và dài hạn. Ở mô hình thời gian thực sẽ cung cấp dự báo tình trạng mực nước sông rạch, dự báo phạm vi, độ sâu, tốc độ của dòng chảy trong trường hợp ngập lụt. Ðối với các mô hình quy hoạch sẽ đưa ra các dự báo trong những năm tới và đến năm 2050 về khả năng xảy ra ngập lụt đối với các kịch bản dòng chảy sông, mực nước biển và lượng mưa khác nhau, bao gồm cả tác động của biến đổi khí hậu.

Ðể vận hành các mô hình, hệ thống FRMIS cần cập nhật các dữ liệu về thủy văn (lượng mưa, mực nước và lưu lượng sông, mực nước thủy triều…); dữ liệu về địa hình (sử dụng đất, cao độ, mặt cắt kênh, sông, mạng lưới đường ống thoát nước, hướng tuyến, cao trình đường bộ, đường cao tốc; kết cấu thủy lực, hình ảnh chụp từ trên không…). Ðây là cơ sở để xác định và quản lý các kịch bản rủi ro ngập lụt khác nhau gắn với quản lý rủi ro sớm; tăng cường quản lý tài chính để nâng cao tính bền vững của các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng.

Theo ông Hồ Minh Hà, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cần dựa trên cơ sở dữ liệu đã thu thập để tiến hành chạy mô hình thủy lực đưa ra mức độ cảnh báo ngập lụt cho vùng lõi cũng như cho toàn thành phố đến người dân và có giải pháp ứng phó. Ngành Tài nguyên và Môi trường thành phố cũng đang thực hiện chuyển đổi số và lồng ghép các nội dung dự báo này vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung. Do đó, hệ thống FRMIS cần xem xét đến khả năng tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các sở, ngành liên quan cũng như kết nối vào hệ thống dữ liệu dùng chung của thành phố để cùng tiếp cận, khai thác, sử dụng đồng bộ.

Tại Hội thảo tham vấn giữa kỳ về phương án triển khai xây dựng hệ thống FRMIS, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Ban Quản lý Dự án ODA cần phối hợp với đơn vị tư vấn để xem xét, đề xuất các hạng mục liên quan, lên kế hoạch mua sắm cho gói thầu, phân kỳ thời gian thực hiện. Ðối với các thủ tục có liên quan đến cơ chế tài chính đối ứng cho dự án, đầu tư trang thiết bị, máy móc phục vụ vận hành dự án, UBND thành phố sẽ sớm trình xin ý kiến HÐND thành phố. Sau giai đoạn tư vấn là giai đoạn vận hành dự án. Vì thế cần chú trọng tổ chức các khóa tập huấn, chuyển giao kiến thức, kỹ năng công nghệ, đào tạo đội ngũ nhân lực tham gia vận hành và người dân được thụ hưởng thành quả của dự án. Từ đó đảm bảo cho dự án vận hành thông suốt, hiệu quả sau khi chính thức hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác.

Nguồn: Chia sẻ dữ liệu, kết nối hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập cho TP Cần Thơ

Minh Huyền

baocantho.com.vn