Cần Thơ: Chuyển đổi số hướng đến xây dựng nông thôn mới thông minh

14:15 | 15/09/2023

|
Tháng 6-2023, UBND TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND về việc thực hiện chương trình chuyển đổi số (CĐS) trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới NTM thông minh đến năm 2025 trên địa bàn thành phố. Kế hoạch được đánh giá bám sát xu thế hiện nay và là “kim chỉ nam” cho các xã trong hành trình xây dựng NTM ngày một hiện đại, thông minh, mang đến nhiều tiện ích cho cư dân nông thôn.
Cần Thơ: Nền tảng nhân văn để thế hệ trẻ hội nhậpCần Thơ: Nền tảng nhân văn để thế hệ trẻ hội nhập
Cần Thơ: Chung sức xây dựng xóm, ấp bình yên, phát triểnCần Thơ: Chung sức xây dựng xóm, ấp bình yên, phát triển

Kết quả bước đầu

Cần Thơ: Chuyển đổi số hướng đến xây dựng nông thôn mới thông minh
Gắn mã QR truy xuất nguồn gốc trà mãng cầu Kim Nhiên, một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của xã NTM nâng cao Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ.

Theo ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối NTM TP Cần Thơ, Kế hoạch số 113/KH-UBND nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới NTM thông minh. Giai đoạn 2021-2025, việc đẩy mạnh CĐS phát triển NTM thông minh được đề cập cụ thể ở tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông, tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất, tiêu chí số 15 về hành chính công… trong Bộ tiêu chí về xã NTM nâng cao và tiêu chí số 7 về CĐS trong Bộ Tiêu chí NTM kiểu mẫu. Các tiêu chí này đặt ra yêu cầu khá cao, đòi hỏi các xã phải nỗ lực không ngừng.

Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện tiêu chí số 7 trong Bộ Tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND Xã Định Môn, huyện Thới Lai, cho biết: “Xã phân công công chức bộ phận một cửa, tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến 2 mức độ (toàn trình và một phần); tăng cường sử dụng văn bản điện tử để trao đổi với các cơ quan nhà nước. Qua kết quả thống kê từ phần mềm đánh giá của cổng dịch vụ công thành phố, Định Môn đạt tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính là 98,6%; tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước thực hiện dưới dạng điện tử, chữ ký số chuyên dùng đạt 100%. Định Môn cũng đã xây dựng thành công mô hình ấp thông minh tại ấp Định Phước và Định Hòa A”.

Về phía thành phố, các sở ngành cũng tập trung hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiến độ CĐS, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, nông thôn. Chẳng hạn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện kế hoạch CĐS ngành Nông nghiệp; xây dựng sàn thương mại điện tử tại địa chỉ: www.chonongsancantho.vn; phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ dân nhằm đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử: voso.vn; postmart.vn; chonongsancantho.vn... Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ triển khai nhiều đề tài, dự án liên quan trực tiếp đến công nghệ số như Dự án Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đăng ký và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của TP Cần Thơ; Dự án kết nối thông tin phục vụ công tác quản trị sản xuất, tiêu thụ nông sản Cần Thơ…

Tập trung gỡ khó

Theo phản ánh từ các xã, quá trình ứng dụng công nghệ số tiến tới xã NTM thông minh gặp khá nhiều cản ngại: nguồn tài chính phục vụ CĐS hạn chế; hạ tầng công nghệ số thiếu đồng bộ, không đáp ứng yêu cầu; nguồn nhân lực phục vụ CĐS thiếu và yếu… nhưng đây là xu thế tất yếu. Từng bước tháo gỡ khó khăn, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết, Định Môn tập trung tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp đồng hành trong hành trình CĐS; khuyến khích người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Về phía xã tiếp tục trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, để bắt kịp xu thế, xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử; áp dụng công nghệ 4.0 trong hành trình hướng tới xã NTM thông minh.

Kế hoạch số 113/KH-UBND thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp thành phố, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 66% số xã đạt tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông và 66% số xã đạt tiêu chí số 15 về hành chính công theo Bộ tiêu chí về xã NTM nâng cao. Đồng thời, phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện chương trình Xây dựng NTM được tập huấn, nâng cao năng lực về CĐS; ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số; phấn đấu có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã NTM thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất. Để đạt mục tiêu nêu trên, kế hoạch đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như xây dựng chính quyền số trong xây dựng NTM; thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng NTM; triển khai thí điểm mô hình CĐS trong xây dựng NTM…

Ông Đặng Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng UBND TP Cần Thơ, cho biết: Để các xã đạt chỉ tiêu 15.3 (giải quyết các thủ tục hành chính đảm bảo đúng quy định và không để xảy ra khiếu nại vượt cấp) trong Bộ Tiêu chí NTM nâng cao và chỉ tiêu 7.2 (số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực) trong Bộ Tiêu chí NTM kiểu mẫu, Văn phòng UBND thành phố đề nghị cấp huyện, xã rà soát, cải tiến quy trình tiếp nhận, hướng dẫn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tại bộ phận một cửa các cấp. Theo đó, cần có sơ đồ chi tiết các khu vực phục vụ cho việc tiếp nhận, hướng dẫn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giúp họ dễ dàng tiếp cận các dịch vụ được cung cấp và chủ động thực hiện các thủ tục hành chính. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán hồ sơ trực tuyến; đầu tư, nâng cấp trang thiết bị và nhân lực phục vụ tốt công tác số hóa theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là mục tiêu, động lực để cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn.

Nguồn: Chuyển đổi số hướng đến xây dựng nông thôn mới thông minh

Mỹ Thanh

baocantho.com.vn