Cần Thơ: Đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế số nông nghiệp

14:15 | 04/01/2024

|
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, để đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế số nông nghiệp, Sở đã phối hợp với VNPT Cần Thơ xây dựng sàn thương mại điện tử chonongsancantho.vn; đồng thời, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa nông sản qua các nền tảng thương mại điện tử.
Cần Thơ: Đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế số nông nghiệp
Sản phẩm nhãn Ido của hợp tác xã Thới Trinh được chứng nhận đạt OCOP 3 sao và được ngành chức năng thành phố hỗ trợ quảng bá trên các sàn thương mại điện tử.

Tính đến thời điểm này, TP Cần Thơ có 45 cơ sở, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia sàn thương mại điện tử chonongsancantho.vn và đã có trên 140 sản phẩm nông sản, đặc sản, thực phẩm chế biến… được giới thiệu, quảng bá trên sàn thương mại điện tử này. Cùng với đó, từ năm 2022 đến hết 2023, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ phối hợp với các sở, ngành hữu quan thành phố tổ chức nhiều chương trình tập huấn, hướng dẫn ứng dụng thương mại điện tử, công nghệ số, từ cách thức đăng nhập thông tin tài khoản, cách đăng và cập nhật mới thông tin giới thiệu sản phẩm, đến cách thức giao dịch thanh toán… cho gần 18.000 lượt hộ nông dân, các cơ sở sản xuất nông sản trên địa bàn thành phố. Và qua đó đã có hàng trăm mặt hàng nông sản, sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, VietGAP tham gia giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như voso, postmart, sendo, lazada…

Cùng với đó, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ còn phối hợp cùng với các ngành hữu quan đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đăng ký, quảng bá sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm có chứng nhận Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) lên các sàn thương mại điện tử. Hiện TP Cần Thơ có 148 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao và 3 sao, trong đó có gần 100 sản phẩm OCOP đã được hỗ trợ quảng bá trên các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cùng với các ngành chức năng thành phố còn tích cực hỗ trợ nông dân, hợp tác xã trên địa bàn thành phố, xây dựng mã số vùng trồng, kết hợp triển khai mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Các hoạt động này đã từng bước đóng góp hiệu quả trong thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa trong nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố.

Nguồn: Đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế số nông nghiệp

M.H

baocantho.com.vn