Cần Thơ: Giải pháp đồng bộ thúc đẩy chuyển đổi số ngành logistics

19:20 | 08/11/2022

|
Là ngành dịch vụ trọng yếu, có giá trị gia tăng cao, logistics đóng vai trò nền tảng trong thương mại hàng hóa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, công nghệ số, ngành logistics đang có rất nhiều cơ hội bứt phá để đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế nếu sớm đẩy nhanh chuyển đổi số (CÐS).

Nhiều khó khăn

Số liệu công bố tại hội thảo CÐS trong logistics vừa diễn ra cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp (DN) logistics, 30.000 DN có liên quan; trong đó có 95% là DN nội địa, 97% DN nhỏ và vừa và 90% DN có vốn dưới 10 tỉ đồng. Trên thực tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành dịch vụ logistics nước ta đã được quan tâm; quá trình CÐS cũng bắt đầu diễn ra khá mạnh do yêu cầu công việc liên quan nhiều đến yếu tố quốc tế. Trong đó, các ứng dụng số đang được sử dụng như xe không người lái (drone, droid), robot kho hàng, thực tế ảo (augmented reality), giao hàng theo yêu cầu (demand on delivery), giao hàng chặng cuối (uber, drone). Tuy nhiên, nhiều DN dịch vụ logistics Việt Nam nói chung, nhất là DN vừa và nhỏ vẫn chưa nhận thức đúng vai trò CÐS và đang đối mặt với những rào cản trong quá trình CÐS.

Cần Thơ: Giải pháp đồng bộ thúc đẩy chuyển đổi số ngành logistics
Chuyển đổi số là yêu cầu cấp bách để ngành logistics thích ứng với bối cảnh mới. Trong ảnh: Hoạt động xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Cái Cui, TP Cần Thơ.

PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Ðại học Ngoại thương, cho biết: Một khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam chỉ ra rằng, việc ứng dụng IT trong DN logistics gặp nhiều khó khăn do kinh phí hạn hẹp; nhân lực hạn chế; sự tương thích giữa DN mình và các đối tác trong chuỗi; chưa tìm được công nghệ chuyển đổi phù hợp; không biết đầu tư bao nhiêu và bắt đầu từ đâu. Mặt khác, DN cũng gặp nhiều cản ngại trong việc đưa lượng thông tin khổng lồ lên nền tảng số; e ngại về tính an toàn, khả năng bảo mật thông tin của các nền tảng trực tuyến.

Ông Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Công nghệ Atalink cho rằng, DN logistics đang hoạt động hiện nay chủ yếu là DN Việt Nam nhưng chỉ chiếm khoảng 30% thị phần. Hạng mục công việc phần lớn làm dịch vụ logistics ở cấp độ 3 (3PL - Freight Forwarder) phần tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất, trong khi đó xu hướng trên thế giới đang đi theo hướng cấp độ 4PL, thậm chí 5PL. “Hoạt động logistics rất cần vai trò liên kết ngay từ tên gọi của nó. Thế nhưng trên thực tế nếu không tính bộ phận quản lý nhà nước thì hầu hết các chủ thể còn lại hoạt động theo mô hình DN và chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics. Thế giới đã hướng đến 5PL và định hướng chiến lược là bỏ qua trung gian, phát triển thương mại điện tử cùng với mạng Digital Supply Network. Vì vậy, DN cần có định hướng rõ mức độ chuyển đổi nếu không muốn bị đào thải” - ông Nguyễn Thế Hưng nhấn mạnh.

Thay đổi tư duy

Dù CÐS trong ngành logistics đang gặp khó, song đây là xu thế tất yếu. Theo các chuyên gia, để CÐS thành công DN cần thay đổi tư duy, trong đó bắt đầu từ cấp lãnh đạo. Ông Nguyễn Thế Hưng, khẳng định: “Chiến lược CÐS không chỉ nằm ở công nghệ, mà còn là con người, tư duy, phương pháp, quy trình thực hiện và văn hóa của một DN, tổ chức. Sau khi thay đổi tư duy, DN cần chuẩn bị về phương pháp, con người và quy trình thực hiện. Nếu không có phương pháp, quy trình phù hợp hoặc chọn không đúng phương pháp quá trình triển khai số hóa rất dễ mắc sai lầm, dẫn đến thất bại và gây tốn kém cho DN”.

Theo nhận định từ các chuyên gia các công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet vạn vật), Big data (dữ liệu lớn) sẽ là xu hướng ứng dụng cho ngành logistics trong tương lai. Do đó, các DN phải nhanh chóng nắm bắt xu thế này. Từ kinh nghiệm triển khai CÐS tại đơn vị, bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc chiến lược Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel, cho biết, ứng dụng Big Data trong ngành logistics cũng như những quy trình, sơ đồ mẫu trong quy hoạch đã giúp khách hàng hiểu rất rõ về hoạt động CÐS của Viettel Post.

“Chúng tôi đang tận dụng lượng lớn dữ liệu biến thành lợi thế cạnh tranh, dựa trên khả năng dự đoán chính xác nhu cầu thị trường, tùy biến (customization) sản phẩm dịch vụ tối ưu môi trường kinh doanh. Từ đó, mang lại sự vận hành hiệu quả thông qua sử dụng data để tăng độ minh bạch, tối ưu tài nguyên sử dụng, cải thiện chất lượng quá trình. Ngoài ra, Viettel Post khai thác data để tăng độ trung thành và giữ chân khách hàng, phân loại và tiếp cận khách hàng chính xác; tối ưu tương tác và dịch vụ. Chúng tôi cũng tận dụng data để phát triển mô hình kinh doanh mới thông qua gia tăng doanh thu từ sản phẩm hiện tại hoặc tạo ra nguồn doanh thu mới từ các sản phẩm hoàn toàn mới” - bà Cao Cẩm Linh chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, khi thực hiện CÐS, DN kinh doanh dịch vụ logistics cần có sự chuyển đổi đồng bộ. Một trong số đó là xây dựng nền tảng số cho chuỗi dịch vụ logistics, giúp kết nối các các bên liên quan trong chuỗi (cảng, hãng vận tải, đại lý, công ty giao nhận, kho...) để chia sẻ dữ liệu, tăng tính hiện hữu cho chuỗi, nâng cao hiệu suất sử dụng. Về lâu dài, cần xây dựng hệ sinh thái, khai thác dữ liệu hiện có của DN thành lợi thế cạnh tranh để lưu chuyển hàng hóa hiệu quả; xây dựng dữ liệu chung lưu trữ và quản lý tập trung dữ liệu hành trình của các phương tiện giao thông, vận tải nhằm số hóa hoạt động…

Nguồn: Giải pháp đồng bộ thúc đẩy chuyển đổi số ngành logistics

Mỹ Thanh

baocantho.com.vn