Cần Thơ: Hỗ trợ nông dân đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp

06:15 | 11/01/2024

|
Với nỗ lực không ngừng, các cấp Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang đã trở thành cầu nối giúp hội viên phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới
Cần Thơ: Hỗ trợ nông dân đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp
Nguyễn Tấn Đậu khởi nghiệp thành công với Trà mãng cầu xiêm Hai Đậu.

Qua việc thực hiện đề án này tại Kiên Giang cho thấy xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nông dân thực hiện sản xuất kinh doanh hiệu quả, mang lại thu nhập từ vài tỉ đồng đến vài chục tỉ đồng mỗi năm. Hằng năm, quỹ hỗ trợ nông dân giúp nhiều hội viên tiếp cận để đầu tư phát triển, đồng thời tập trung hỗ trợ cho các mô hình nông nghiệp sử dụng công nghệ cao và hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ...

Trong giai đoạn 2020-2023, hội nông dân tỉnh đã tổ chức nhiều chuyến tham quan và học tập các mô hình nông nghiệp sử dụng công nghệ cao cho cán bộ và hội viên nông dân, nhằm tiếp cận những thành công và áp dụng vào thực tế. Một số hội viên và nông dân có thành tựu xuất sắc trong sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực của họ đã chia sẻ về những điểm mạnh trong việc khởi nghiệp tại địa phương. Cụ thể như sự phát triển kinh doanh địa phương cũng như cách kết nối giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tại các lớp tập huấn, hội thảo, các chuyên gia và nhà quản lý đã giới thiệu các giải pháp về ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cách thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như các cơ chế và chính sách hỗ trợ nông dân trong việc phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và khởi nghiệp dựa trên những điểm mạnh của địa phương.

Ông Hà Phi Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, cho biết, hằng năm, hội nông dân tổ chức tuần lễ khởi nghiệp với các hoạt động, như tập huấn cho học viên, tổ chức cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Qua đó có nhiều dự án, ý tưởng hay mang lại hiệu quả cao trong khởi nghiệp sáng tạo cho hội viên nông dân, giúp hội viên nông dân có hoài bão, khát vọng lập nghiệp, hoàn thiện những ý tưởng, đề án sản xuất kinh doanh mới và tìm kiếm cơ hội đầu tư, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương; trong đó, phải kể đến trà mãng cầu xiêm Hai Đậu; các sản phẩm từ trái gấc; sản phẩm từ cá cơm; chuối xanh; tiêu chín sạch Hòn tre; rượu lên men trái cây…

Anh Nguyễn Tấn Đậu (sinh năm 1985), ngụ ấp Tư Hạt, xã Thạnh Hòa, huyện Giồng Riềng là chủ cơ sở sản xuất Trà mãng cầu Hai Đậu cho biết, xuất thân từ gia đình nông dân, bản thân thấu hiểu được nỗi khó nhọc của nông dân, nhất là những lúc giá nông sản bấp bênh, khó tiêu thụ. Vì vậy, bản thân anh Đậu luôn trăn trở tìm giải pháp để gia đình phát triển hơn. Với nỗi niềm đó, từ năm 2020 được sự tư vấn của bạn bè, hội nông dân cơ sở và tìm hiểu trên internet, anh Đậu đã triển khai làm trà mãng cầu từ chính vườn mãng cầu nhà mình. Đến nay sản phẩm Trà mãng cầu Hai Đậu được nhiều người tiêu dùng biết đến. Túi đựng trà được thiết kế từ chất liệu giấy rất đẹp mắt và thân thiện với môi trường. Trà mãng cầu xiêm Hai Đậu được làm từ 100% trái mãng cầu xiêm tươi, không phẩm màu, không chất bảo quản. Sản phẩm có tác dụng thanh lọc cơ thể, tăng cường sức đề kháng và giúp ngủ ngon. Qua hơn 3 năm triển khai công việc kinh doanh trà mãng cầu, anh Đậu nuôi ý tưởng mở rộng sản xuất, vừa phát triển kinh tế cho gia đình, vừa mang đến dòng sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, đồng thời, tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Đầu năm 2021, anh Đậu đã hoàn thiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu và mã vạch cho sản phẩm trà mãng cầu Hai Đậu. Từ sự đầu tư nghiêm túc và trách nhiệm với sản phẩm của mình, hiện tại mỗi tháng anh Đậu cung cấp cho thị trường khoảng 100kg trà mãng cầu. Hiện nay sản phẩm Trà mãng cầu Hai Đậu đã được chính quyền địa phương, các cấp Hội Nông dân quan tâm, hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất, giúp gia đình tăng thu nhập, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương.

Với nông dân Nguyễn Lê Giang (sinh năm 1981), ngụ ấp Kim Qui A, xã Vân Khánh, huyện An Minh, sau khi học hỏi bạn bè cùng với sự tư vấn của các cấp Hội Nông dân, anh quyết định với hướng đi bằng cách nuôi lươn không bùn trong bể xi măng thay vì nuôi theo truyền thống trong bùn ở ao đất. Với hướng đi mới này, đến nay mỗi vụ (từ 8-10 tháng) cho gia đình anh thu nhập sau khi trừ chi phí hơn 100 triệu đồng. Theo anh Giang, hình thức nuôi lươn hiệu quả và phổ biến hiện nay là nuôi trên bể không bùn bằng giống nhân tạo và sử dụng thức ăn viên. Hình thức nuôi này có ưu điểm, như cỡ giống đồng đều, chất lượng giống ổn định, sử dụng được thức ăn viên giúp cho tỷ lệ sống cao và thuận lợi trong quá trình nuôi; đặc biệt mô hình này ít tốn diện tích, phù hợp cho hộ ít đất sản xuất, phù hợp cả nơi đô thị, ít tốn thời gian, dễ áp dụng kỹ thuật.

Lươn là loài động vật dễ thích nghi với môi trường sống là nguồn nước tự nhiên. Phương pháp chăm sóc đơn giản, ít tốn công, chi phí thấp, nhất là tận dụng nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương như cá phi, cá tạp... giá cả ít biến động, là loài sản phẩm dễ tiêu thụ trên thị trường. Theo anh Giang, lươn là loài vật dễ nuôi thích hợp trên địa bàn xã Vân Khánh cũng như huyện An Minh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, có thu nhập ổn định, đầu ra bền vững và có hướng phát triển kinh tế lâu dài. Hiện nay giá thị trường từ dao động từ 190.000-200.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh còn lãi từ 9 triệu đồng/tháng.

Theo ông Hà Phi Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp, Hội Nông dân tỉnh, nhằm hỗ nông dân khởi nghiệp hạn chế rủi ro, đạt được thành công trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cần quan tâm tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, về vai trò của Hội Nông dân đối với sự phát triển kinh tế. Cùng đó, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân khởi nghiệp và phát triển kinh doanh, phát triển hệ sinh thái hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trên nền tảng hệ sinh thái khởi nghiệp đã được Chính phủ tạo ra, các cấp hội nông dân chỉ đạo thành lập, hướng dẫn hoạt động các câu lạc bộ, đội nhóm khởi nghiệp tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, phát triển thành phong trào để đông đảo hội viên nông dân tham gia khởi nghiệp; chú trọng lựa chọn hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu, vận động và hướng dẫn thành lập các câu lạc bộ "Nông dân khởi nghiệp", "Chủ trang trại 100 tỉ", "Nhà nông sáng tạo", "Nông dân tỉ phú", "Doanh nhân nông thôn"… Phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, có uy tín, nhiệt huyết, trách nhiệm, trực tiếp làm chủ nhiệm câu lạc bộ. Bên cạnh đó, vận động các công ty, doanh nghiệp tham gia sáng lập "Quỹ hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo" trong nông nghiệp, nông thôn tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên nông dân có ý tưởng, khát vọng có thể khởi nghiệp từ những dự án sản xuất kinh doanh quy mô phù hợp. Vận động thành lập các Câu lạc bộ "Nhà khoa học của nhà nông" trên cơ sở những hạt nhân đã được Trung ương, tỉnh biểu dương, khen thưởng và trao tặng danh hiệu.

Nguồn: Hỗ trợ nông dân đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp

Phương Anh

baocantho.com.vn