Cần Thơ: Phát triển “vành đai xanh, lá phổi xanh” Phong Điền

09:45 | 27/12/2021

|
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 27-12-2016 của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng và phát triển huyện Phong Điền thành đô thị sinh thái (Nghị quyết 07) mới đây, các sở, ngành thành phố đã tập trung bàn giải pháp hỗ trợ để đưa Phong Điền phát triển thành đô thị sinh thái. Nhất là các giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn huyện.

Nhiều kết quả quan trọng

Cần Thơ: Phát triển “vành đai xanh, lá phổi xanh” Phong Điền
Một góc đô thị Phong Điền nhìn từ trên cao.

Phong Điền có hệ thống sông rạch chằng chịt, đan xen nhau, diện tích vườn cây ăn trái rộng lớn,... là điều kiện thuận lợi để huyện xây dựng và phát triển thành đô thị sinh thái, thu hút đầu tư. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 07, việc triển khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn huyện đã được phê duyệt; rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết trung tâm các xã và hoàn thành đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị Mỹ Khánh; lập điều chỉnh quy hoạch chung cho huyện Phong Điền phát triển theo hướng đô thị sinh thái và phù hợp với Chương trình phát triển đô thị TP Cần Thơ, thực hiện quy hoạch vùng huyện nông thôn mới kiểu mẫu cho huyện; triển khai thực hiện phân chia khu vực phát triển vành đai nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái và hình thành các vùng chuyên canh cây trồng quy mô từ 200ha trở lên.

Một số mô hình nổi bật như vùng trồng vú sữa tập trung tại xã Giai Xuân và xã Trường Long (452ha), vùng trồng sầu riêng tập trung ở vùng chuyên canh xã Tân Thới và thị trấn Phong Điền (612ha), vùng trồng nhãn tập trung tại xã Nhơn Nghĩa (330ha); vùng trồng dâu Hạ Châu xã Nhơn Ái (438ha), vùng chanh không hạt xã Trường Long (200ha). Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang canh tác, trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao, chuyển đổi từ 6.500ha vườn cây ăn trái (năm 2016), tăng lên 8.550ha vào năm 2021... Thành phố xúc tiến, mời gọi đầu tư ngoài ngân sách 8 dự án du lịch trọng điểm, trong đó có 1 dự án tại huyện Phong Điền - Khu du lịch sinh thái Phong Điền. Huyện còn chủ động, phối hợp với các sở, ngành thành phố lập các thủ tục đầu tư một số dự án như tuyến đường tỉnh 917 (đoạn cầu Lộ Bức - thị trấn Phong Điền), đường tỉnh 923, cầu Tây Đô, đường nối quốc lộ 91 - Nam sông Hậu…

Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, công nghiệp sạch của huyện đều có giá trị sản xuất đạt trên 100% kế hoạch hằng năm. Trên địa bàn huyện đang có 19 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; 796 cơ sở công nghiệp, với khoảng 2.800 lao động thường xuyên. Hiện có 8 doanh nghiệp đang xin phép đầu tư dự án trên địa bàn huyện, chủ yếu các dự án khai thác du lịch sinh thái; trong đó có 2 dự án đã được thành phố phê duyệt, gồm: Khu Du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng (9ha) và Khu tái định cư (khu D), thuộc dự án Khu Di tích lịch sử Lộ Vòng cung (7,2ha).

Trong 5 năm qua, tổng số các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ phát triển đô thị sinh thái Phong Điền là 2.089,6 tỉ đồng (trong đó vốn ngân sách nhà nước 1.487,4 tỉ đồng, vốn tín dụng 369,4 tỉ đồng, vận động xã hội hóa và nhân dân đóng góp hiến đất làm lộ giao thông nông thôn, thủy lợi là 232,8 tỉ đồng). Huyện còn phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, phát triển các loại hình sản phẩm du lịch kết hợp với thương mại, dịch vụ - du lịch của địa phương, nổi bật là các loại hình du lịch mang đậm bản sắc sông nước, miệt vườn như du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái kết hợp với phát triển nông nghiệp, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản; du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội, tâm linh; du lịch dã ngoại miệt vườn... với 64 điểm mô hình du lịch (gồm 47 điểm vườn kinh doanh du lịch, 11 điểm du lịch tâm linh, 2 điểm du lịch được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu, 4 điểm du lịch được Hiệp hội Du lịch TP Cần Thơ công nhận là điểm du lịch tiêu biểu cấp thành phố), thu hút và gia tăng lượng khách tham quan (đỉnh điểm năm 2019 thu hút hơn 1,8 triệu lượt khách, doanh thu hơn 398 tỉ đồng), qua đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Cần Thơ: Phát triển “vành đai xanh, lá phổi xanh” Phong Điền
Phong Điền luôn quan tâm phát triển mảng xanh, đảm bảo cảnh quan đô thị.

Quan tâm đầu tư hạ tầng

Ông Trần Phú Lộc Thành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho rằng: Để Phong Điền trở thành đô thị sinh thái cần tích hợp du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và du lịch về nguồn. Đây là đặc trưng và lợi thế vượt trội của huyện cần tiếp tục khai thác, phát huy. Huyện cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức giữ gìn môi trường của người dân, để xây dựng một hệ sinh thái du lịch bền vững; đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát huy lợi thế sản phẩm hiện có và nghiên cứu sản phẩm đáp ứng thị hiếu du khách, nhằm giữ chân du khách. Phong Điền được xem là “lá phổi xanh” của thành phố, với các khu di tích văn hóa lịch sử hiện có như Di tích Lộ Vòng Cung, Chiến thắng Ông Hào, Lung Cột Cầu, Giàn Gừa, Mộ Cụ Phan Văn Trị, các vườn trái cây và hệ thống sinh thái trên sông rạch… là các tiềm năng, cơ sở hạ tầng để phát triển dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng sinh thái.

Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã phê quyệt 2 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch sinh thái tại huyện Phong Điền, tổng vốn khoảng 440 tỉ đồng (khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng do Công ty CP Thương mại đầu tư dầu khí Nam sông Hậu đầu tư, dự án mở rộng làng du lịch Mỹ Khánh). Ngoài ra có khoảng 25 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, vốn điều lệ đăng ký trên 416 tỉ đồng. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất huyện Phong Điền cần nghiên cứu quy hoạch vùng, khu vực phát triển du lịch sinh thái phù hợp với đặc điểm sinh thái tự nhiên và kết hợp hạ tầng kết nối với các quận, huyện lân cận; trong đó quan tâm thu hút các dự án khu du lịch, khu nghỉ dưỡng phù hợp với quy hoạch chung.

Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, triển khai thực hiện Nghị quyết 07, Sở đã tham mưu, đề xuất UBND thành phố đưa vào vào kế hoạch đầu tư trung hạn của thành phố giai đoạn 2021-2025 để đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, với tổng mức khoảng 6.317 tỉ đồng cho các dự án giao thông trọng điểm qua địa bàn huyện. Cụ thể gồm: Dự án đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ, đường tỉnh 923, đường tỉnh 917, đường tỉnh 918 giai đoạn 2, cầu Vàm Xáng, cầu Tây Đô, bến tàu Phong Điền… nhằm gỡ “nút thắt” về giao thông cho địa phương. Với các công trình giao thông trọng điểm này, huyện Phong Điền sẽ bứt phá, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, trở thành đô thị sinh thái kiểu mẫu của thành phố.

Theo Sở Giao thông vận tải thành phố, dự án đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ dài 19,4km (đi qua huyện Phong Điền 5,39km), tổng mức đầu tư 3.837 tỉ đồng, dự kiến khởi công gói thầu đầu tiên vào cuối quý I-2022. Dự án xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 923 chiều dài 13,8km (qua địa bàn Phong Điền 7,4km), tổng mức đầu tư 576 tỉ đồng, dự kiến khởi công xây dựng trong quý I-2022. Dự án cầu Tây Đô dài khoảng 700m (cầu và đường dẫn), tổng mức đầu tư 208 tỉ đồng, dự kiến khởi công trong tháng 1-2022. Dự án cầu Vàm Xáng tiến độ đạt trên 90%, dự kiến trong năm 2022 hoàn thành đưa vào sử dụng. Hai dự án đường tỉnh 917 và đường tỉnh 918 giai đoạn 2, dự kiến cũng khởi công năm 2022.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 07, ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nhấn mạnh: Quá trình xây dựng và phát triển huyện Phong Điền thành đô thị sinh thái phải bám sát tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn. Nghị quyết 07 là nghị quyết của Thành ủy, các sở, ngành, cơ quan chức năng thành phố phải chung tay xây dựng, thực hiện. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển; rà soát, điều chỉnh lại và ban hành quy hoạch mới phù hợp với phát triển hạ tầng, quy hoạch thành phố. Huy động mọi nguồn lực trong và ngoài thành phố, kể cả nguồn lực tư nhân và nguồn lực nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho huyện.

Nguồn: Phát triển “vành đai xanh, lá phổi xanh” Phong Điền

Anh Khoa

baocantho.com.vn