Cao Ban Long Sibiri có thực sự "thần kỳ" như quảng cáo?

16:21 | 14/09/2021

|
"Tăng cường sinh lý nam giới; Cải thiện và ngăn ngừa bệnh tim mạch; Chống lão hóa, giảm căng thẳng, stress; Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu dinh dưỡng…" là những lời quảng cáo sai về công dụng của sản phẩm TPBVSK Cao Ban Long Sibiri.

Cao Ban Long hay bạch giao, lộc giác giao được chế biến từ sừng già (gạc hay lộc giác) của con hươu hoặc con nai. Có khi phối hợp cả sừng hươu, sừng nai để được sản phẩm cao gọi là "mê lộc đồng công".

Cao Ban Long từ lâu đã được cho rằng có công dụng giúp bồi bổ sức khỏe, tốt cho xương khớp. Chính vì vậy ở Việt Nam, Cao Ban Long là thành phần có nhiều trong các sản phẩm thực phẩm chức năng hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK). Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp còn sản xuất sản phẩm với thành phần 100% Cao Ban Long, trong đó có Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Altai Sibiri (Công ty Altai Sibiri).

Cao Ban Long Sibiri có thực sự "thần kỳ" như quảng cáo?
Cao Ban Long Sibiri được quảng cáo là sản phẩm số 1 trên thị trường.

Tuy nhiên, theo thông tin phản ánh từ bạn đọc, sản phẩm TPBVSK Cao Ban Long Sibiri do Công ty Altai Sibiri sản xuất đang có dấu hiệu quảng cáo sai phép khi "thổi phồng" công dụng của sản phẩm, đặc biệt trên các trang web chính thức của Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Đông Á (Công ty Đông Á).

Theo tìm hiểu, hiện tại sản phẩm Cao Ban Long Sibiri được quảng cáo và bán trên các trang web caobanlong.vn; donga.shop; dongashop.vn; caobanlongaltaisibiri.com. Trong đó 3 trang web caobanlong.vn; donga.shop; dongashop.vn thuộc quyền sở hữu của Công ty Đông Á và đã được Công ty này thông báo với Bộ Công thương.

Theo Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 1235/2021/XNQC-ATTP do Cục An toàn thực phẩm cấp ngày 11/5/2021, TPBVSK Cao Ban Long Sibiri có công dụng: "Hỗ trợ bồi bổ cơ thể; Hỗ trợ giảm triệu chứng đau nhức xương khớp, tê nhức chân tay; Hỗ trợ mạnh gân xương và tăng sức đề kháng". Tuy nhiên, trên các trang web nói trên hầu như đều loại bỏ cụm từ "hỗ trợ" và quảng cáo sản phẩm Cao Ban Long Sibiri có rất nhiều công dụng "thần kỳ" khác nhau.

Cao Ban Long Sibiri có thực sự "thần kỳ" như quảng cáo?
Công dụng của sản phẩm Cao Ban Long Sibiri quảng cáo trên trang web donga.shop.

Cụ thể, trang web caobanlong.vn quảng cáo: "Theo y học cổ truyền, sừng hươu có tác dụng: ích khí, cường chí, sinh tinh, bổ tủy, cường gân, tráng cốt. Theo y học hiện đại: Hỗ trợ điều trị xương khớp, bệnh gout, giúp hạn chế loãng xương, viêm khớp, thoái hóa khớp…; Bồi bổ cơ thể, tăng cường sinh lực; Tăng cường sinh lý nam giới; Tăng cường miễn dịch, nâng cao sức đề kháng; Cải thiện và ngăn ngừa bệnh tim mạch; Chống lão hóa, giảm căng thẳng, stress; Nhanh phục hồi chấn thương sau tai nạn, gãy tay/chân, sau phẫu thuật xương khớp…; Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu dinh dưỡng.

Tương tự, trang web donga.shop nêu sản phẩm Cao Ban Long Sibiri có một loạt những công dụng được "thổi phồng" như sau: Tác dụng đối với hệ tuần hoàn; Tốt cho hệ tiêu hóa; Bảo vệ hệ thống thần kinh; Trị liệu vết thương; Tốt cho xương khớp; Bồi bổ, phục hồi cho người mới ốm dậy; Chống lão hóa, tăng cường sức khỏe tuổi mãn kinh".

Cao Ban Long Sibiri có thực sự "thần kỳ" như quảng cáo?
Công dụng của sản phẩm Cao Ban Long Sibiri quảng cáo trên trang web dongashop.vn.

Tương tự, trang web dongashop.vn cũng "thổi phồng" công dụng của sản phẩm Cao Ban Long Sibiri: "Mạnh gân xương, khắc phục tình trạng loãng xương, thoái hóa, viêm khớp; Tăng cường sinh lực, cải thiện tình trạng sinh lý yếu ở nam giới; Bồi bổ cơ thể cho trẻ em chậm lớn, gầy yếu, thấp còi, hay ốm vặt, sức đề kháng kém; Tăng sức đề kháng, tăng sức khỏe tuổi già, người suy nhược cơ thể, gầy yếu, kém ăn, thiếu máu, hay hoa mắt, chóng mặt; Tăng sức bền, hỗ trợ phục hồi sau chấn thương thể thao".

Cao Ban Long Sibiri có thực sự "thần kỳ" như quảng cáo?
Việc đăng tải phản hồi của khách hàng sau khi sử dụng sản phẩm như thế này là vi phạm pháp luật.

Còn trang web caobanlongaltaisibiri.com quảng cáo sản phẩm này có công dụng: "Mạnh gân xương; Cải thiện tình trạng yếu sinh lý ở nam giới; Bồi bổ cho người ốm dậy, phụ nữ sau sinh; Bảo vệ hệ thần kinh; Tốt cho hệ tuần hoàn, tiêu hóa; Chống láo hóa, tăng sức khỏe tuổi mãn kinh".

Chưa hết, nhằm gia tăng niềm tin đối với sản phẩm, tất cả các trang web kể trên đều đăng tải rất nhiều phản hồi tốt của khách hàng sau khi sử dụng sản phẩm. Điều này đã vi phạm Khoản 2, Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Ngoài ra, việc quảng cáo sản phẩm này cũng có dấu hiệu vi phạm Khoản 11, Điều 8, Luật Quảng cáo số 47/VBHN-VPQH do Quốc hội ban hành khi quảng cáo Cao Ban Long Sibiri "là sản phẩm số 1 trên thị trường" trên trang web caobanlong.vn.

Cao Ban Long Sibiri có thực sự "thần kỳ" như quảng cáo?
Việc quảng cáo TPBVSK Cao Ban Long Sibiri sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật.

Công ty Đông Á (Lô A2 CN3, Cụm công nghiệp Từ Liêm, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và phân phối sản phẩm TPBVSK Tỏi kim cương Đông Á. Sản phẩm này cũng có dấu hiệu quảng cáo vi phạm pháp luật trên các trang web toikimcuong.vn, toidendonga.info, toidonga.com…

Vậy Công ty Đông Á và Công ty Altai Sibiri có mối quan hệ như thế nào? Công ty Đông Á có phải là đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng và phân phối sản phẩm Cao Ban Long Sibiri hay không khi quảng cáo và bán sản phẩm này trên các trang web của mình?

Việc quảng cáo TPBVSK Cao Ban Long Sibiri sai sự thật là hành vi vi phạm Luật Quảng cáo; Nghị định 15/2018/NĐ-CP về việc hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Pháp luật và Bạn đọc sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!

Nghị định 15/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Điều 27 : "Đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm" quy định tại khoản 2 như sau.

Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Luật Quảng cáo số 47/VBHN-VPQH do Quốc hội ban hành ngày 10/12/2018, tại Điều 8 "Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo" quy định tại khoản 9 và khoản 11 như sau.

9. Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

11. Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nguồn: Cao Ban Long Sibiri có thực sự "thần kỳ" như quảng cáo?

Quỳnh Mai

phapluat.suckhoedoisong.vn