Công an Bình Dương cảnh báo các thủ đoạn tiêu thụ tiền giả

15:10 | 25/08/2022

|
Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bình Dương đã thụ lý điều tra 9 vụ án, 8 bị can về tội “Làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả”. Để tiêu thụ trót lọt các tờ tiền giả, các đối tượng đã lợi dụng sự mất cảnh giác của người dân, cũng như có nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mắt người tiêu dùng.
Đại tá Đỗ Thanh Bình giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Hòa BìnhĐại tá Đỗ Thanh Bình giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình
Hôm nay, cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam bị xét xử ở Hà NộiHôm nay, cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam bị xét xử ở Hà Nội

Công an tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm “Làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả” trên địa bàn cả nước nói chung diễn biến rất phức tạp, trong đó có tỉnh Bình Dương. Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bình Dương đã thụ lý điều tra 9 vụ án, 8 bị can về tội “Làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả”.

Theo Công an tỉnh Bình Dương, đối tượng phạm tội thường là những nam thanh niên có độ tuổi từ 20 - 40 tuổi, là lao động tự do hoặc không có nghề nghiệp ổn định, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Loại tiền giả mà các đối tượng mang đi tiêu thụ thường là tờ tiền mệnh giá 500.000đ được mua thông qua mạng Internet hoặc do đối tượng tự in ấn làm ra.

Công an Bình Dương cảnh báo các thủ đoạn tiêu thụ tiền giả
Thông tin cảnh báo và cách phân biệt tiền thật -giả

Do tiền giả được in ấn bằng nhiều cách khác nhau nên có những đặc điểm khác với tiền thật mà bằng mắt thường có thể nhận biết được như: Các tờ tiền có cùng số sê ri, màu sắc nhạt hơn và mỏng hơn so với tiền thật; hoa văn trơn tuột và không có độ ma sát như tiền thật; không có hình bóng chìm, không có nét in nổi…

Tuy nhiên, để tiêu thụ trót lọt các tờ tiền giả, các đối tượng đã lợi dụng sự mất cảnh giác của người dân, cũng như có nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mắt người tiêu dùng như: Đi tiêu thụ tiền giả vào lúc trời tối, ở các khu dân cư đông đúc, chợ tự phát…; lợi dụng người bán là người già, trẻ em thị lực kém, lúc bận rộn để mua hàng; mua các mặt hàng giá trị thấp như: nước giải khát, thuốc lá, thẻ cào điện thoại, vé số, đổ xăng… để được thối lại tiền thật; để tiền giả, tiền thật xen lẫn khi mua hàng nhằm tránh bị phát hiện; thậm chí có một số đối tượng còn đưa tiền giả để lừa người khác chuyển tiền vào ví điện tử Momo của mình…

Bằng những thủ đoạn trên, các đối tượng đã tiêu thụ trót lọt hàng trăm triệu đồng tiền giả, không những ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và chính sách tiền tệ của Nhà nước ta mà còn gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng trong các tầng lớp nhân dân.

Vì vậy, Công an tỉnh Bình Dương khuyến cáo người dân cẩn thận hơn và đề cao cảnh giác với các thủ đoạn tiền giả nêu trên, đồng thời nên có thói quen kiểm tra tiền cẩn thận khi nhận tiền từ khách hàng để chủ động phát hiện tiền giả hoặc tiền nghi giả.

Khi phát hiện đối tượng nghi vấn có hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, người dân kịp thời quay phim, chụp ảnh người và phương tiện khả nghi để báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điều 207, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả quy định cụ thể như sau:

- Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

- Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

- Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

- Người nào chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 năm đến 01 năm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nguồn: Công an Bình Dương cảnh báo các thủ đoạn tiêu thụ tiền giả

Mạnh Đức

https://thuongtruong.com.vn/