Công trình "Nhà Truyền thống Dầu khí" - Nơi lưu giữ truyền thống vẻ vang của ngành Dầu khí Việt Nam

08:10 | 03/01/2024

|
Giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hiện nay, văn hóa được đặt ngang với kinh tế, thậm chí văn hóa được coi là có nhiệm vụ đi trước, dẫn dắt. Chính vì thế mỗi tổ chức, đơn vị có bề dày hoạt động đều cần có một không gian giới thiệu những giá trị, dấu ấn của mình trong suốt quá trình hình thành và phát triển.
Đảng bộ PVEP đồng hành cùng sự phát triển bền vững của ngành Dầu khíĐảng bộ PVEP đồng hành cùng sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí
PVEP tập trung vào các nhiệm vụ gia tăng trữ lượng, tăng cường sản lượng, triển khai đầu tưPVEP tập trung vào các nhiệm vụ gia tăng trữ lượng, tăng cường sản lượng, triển khai đầu tư

Đối với ngành Dầu khí, những trang sử đầu tiên được viết lên là về quá trình tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí khu vực đồng bằng Bắc Bộ mà điểm nhấn là tỉnh Thái Bình - “Cái nôi” của ngành Dầu khí Việt Nam.

Hơn 60 năm hình thành và phát triển, Việt Nam đã có một ngành công nghiệp Dầu khí hiện đại, đồng bộ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước. Thành tựu ngành Dầu khí Việt Nam có được hôm nay là sự kết tinh của tầm nhìn “xuyên thế kỷ” từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, là kết quả của sự kiên trì lao động, sáng tạo không ngừng của những thế hệ người làm dầu khí qua các thời kỳ.

Từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước cho đến khi mỏ khí Tiền Hải C được phát hiện vào năm 1975 đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của ngành Dầu khí Việt Nam sau nhiều năm tìm kiếm, thăm dò khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Từ đó, Thái Bình được coi là nơi khai sinh của ngành Dầu khí Việt Nam.

Đến thời điểm hiện tại, mối quan hệ giữa ngành Dầu khí và tỉnh Thái Bình là hết sức thân thiết và có thể nói là đầy duyên nợ. Chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình đã tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để các đơn vị trong ngành Dầu khí hoạt động trên địa bàn, từ hạt gạo, củ khoai dành cho thợ khoan, che chở bom đạn những lúc chiến tranh ác liệt cho đến những ưu đãi, hỗ trợ các dự án của ngành trong những năm qua.

Đáp lại, ngành Dầu khí đã đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển của tỉnh Thái Bình, không chỉ trong thời gian đầu khi mới khai thác mỏ khí, các công trình dầu khí đang hiện hữu từ mỏ khí Hàm Rồng - Thái Bình Lô 102&106” do Tổng công ty Khí Việt Nam cung cấp, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ khác của ngành đã và đang chung tay xây dựng tỉnh Thái Bình phát triển.

Công trình "Nhà Truyền thống Dầu khí" - Nơi lưu giữ truyền thống vẻ vang của ngành Dầu khí Việt Nam
Công trình Nhà Truyền thống Dầu khí.

Các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí Việt Nam luôn có mong ước về một nơi lưu giữ những hình ảnh, hiện vật thời kỳ còn sơ khai trong quá trình tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí khu vực đồng bằng Bắc Bộ, qua các chặng đường phát triển, cùng với những thành tích đáng trân trọng của ngành.

Đồng thời, đây cũng chính là nơi tri ân với các thế hệ đi trước, là một hình thức giáo dục sinh động, có tính thuyết phục cao đối với thế hệ trẻ về truyền thống vô cùng vẻ vang của ngành Dầu khí.

Để ghi lại những dấu ấn lịch sử ấy, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, UBND tỉnh Thái Bình đã có chủ trương xây dựng “Công trình văn hóa giáo dục truyền thống” tại Công ty Cổ phần Dịch vụ Dầu khí Thái Bình - nơi Liên đoàn Địa chất đóng quân, tiếp theo là Công ty Dầu khí I - nơi khởi nghiệp khoan dầu, chắp cánh bay cao của ngành Dầu khí. Chính nơi đây, nhiều cán bộ đã trưởng thành, trở thành những cán bộ lãnh đạo của Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong Tập đoàn.

Được sự tài trợ từ Tổng công ty Dầu Việt Nam và sự giúp đỡ nhiệt tình của các cấp lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Hội Dầu khí Việt Nam, Hội Dầu khí Sông Hồng, năm 2023 Nhà Truyền thống Dầu khí chính thức được khởi công ngay trên mảnh đất đã từng là trung tâm điều hành công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí khu vực đồng bằng Bắc Bộ những năm 60 của thế kỷ trước. Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành trước sự vui mừng của toàn thể cán bộ, công nhân viên trong ngành, các cấp chính quyền.

Các hình ảnh, hiện vật trong quá trình tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí khu vực đồng bằng Bắc Bộ đang được lựa chọn, trang trí, sắp xếp trong Nhà Truyền thống và vẫn luôn được tiếp tục sưu tầm, thu thập từ các nguồn khác nhau.

Hội Dầu khí Việt Nam tiếp tục quan tâm và chỉ đạo Hội Dầu khí Sông Hồng phối hợp Công ty Cổ phần Dịch vụ Dầu khí Thái Bình, UBND phường Trần Lãm hoàn thiện công trình và mong muốn các tập thể, cá nhân trong và ngoài ngành tiếp tục giúp đỡ trong việc sưu tầm những tư liệu, hiện vật liên quan đến lịch sử hình thành, phát triển của ngành Dầu khí, tạo điều kiện xây dựng Nhà Truyền thống ngày càng hoàn thiện, trở thành một địa chỉ tin cậy và có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống vẻ vang của ngành Dầu khí Việt Nam.

Nguồn: Công trình "Nhà Truyền thống Dầu khí" - Nơi lưu giữ truyền thống vẻ vang của ngành Dầu khí Việt Nam

Trần Đình Thành

petrotimes.vn