Đà Nẵng: Huy động các nguồn lực tạo sản phẩm du lịch mới

09:00 | 20/03/2024

|
Để tránh nhàm chán cũng như tạo ra sản phẩm mới thu hút khách đến Đà Nẵng trong năm 2024, ngành du lịch thành phố huy động các nguồn lực, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, lữ hành, lưu trú…; đồng thời chuẩn bị các nhóm sản phẩm mới, tăng sức hút và thời gian lưu trú của du khách
Đà Nẵng: Huy động các nguồn lực tạo sản phẩm du lịch mới
Ngành du lịch thành phố sẽ huy động các nguồn lực để chuẩn bị sản phẩm mới, thu hút khách trong năm 2024. TRONG ẢNH: Du khách trải nghiệm tour xích lô. Ảnh: THU HÀ

Ngành du lịch triển khai nhiều sản phẩm mới

Năm 2024, Đà Nẵng có một số thuận lợi nhất định khi thương hiệu du lịch của thành phố tiếp tục được khẳng định qua các danh hiệu, giải thưởng quốc tế uy tín về du lịch. Cùng với đó, thành phố tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc tế và triển khai các sản phẩm du lịch mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Tuy nhiên, những người làm du lịch cũng cho rằng, năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do suy thoái kinh tế toàn cầu; cạnh tranh điểm đến trong nước và quốc tế rất mạnh mẽ; xu hướng các thị trường khách quốc tế trọng điểm dịch chuyển tìm kiếm điểm đến mới; một số đường bay quốc tế trực tiếp kết nối thị trường Âu, Úc, Mỹ, Ấn Độ khó triển khai do lượng khách hai chiều chưa bảo đảm hiệu quả khai thác. Vì thế ngành du lịch đang cùng với các sở, ban, ngành liên quan tạo điều kiện hỗ trợ tháo gỡ khó khăn; đầu tư nâng cấp, làm mới sản phẩm, dịch vụ để thu hút khách.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh, ngành du lịch thành phố huy động các nguồn lực để chuẩn bị các nhóm sản phẩm mới, nhằm tạo thêm sức hút và tăng thời gian lưu trú của khách. Trong đó, ở nhóm sản phẩm du lịch đêm sẽ triển khai kế hoạch tổ chức thí điểm phố đi bộ Bạch Đằng nối dài và phương án thí điểm dịch vụ du lịch ban đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên bờ đông; triển khai chương trình lễ hội hai bờ sông Hàn (tăng số lượng chương trình âm nhạc đường phố).

Đồng thời tổ chức các chương trình tour đêm trên cơ sở kết nối các điểm tham quan, trải nghiệm du lịch đêm; có kế hoạch tổ chức các hoạt động cuối tuần dọc hai tuyến biển; tổ chức du lịch đường thủy ngắm Đà Nẵng về đêm; triển khai giai đoạn 2 phố du lịch An Thượng. Đề xuất thêm các ý tưởng sản phẩm du lịch đêm mới đặc sắc riêng có của Đà Nẵng bằng cách huy động xã hội hóa hoặc thành phố đầu tư kinh phí như là kinh phí phục vụ tổ chức lễ hội sự kiện thu hút khách.

Ở nhóm sản phẩm du lịch ẩm thực, triển khai kế hoạch phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo lộ trình UBND thành phố đã phê duyệt; trước mắt khảo sát phân loại, xây dựng bản đồ ẩm thực Đà Nẵng và tổ chức truyền thông; hỗ trợ tập huấn chế biến món ăn chuẩn vị vùng miền, tổ chức các cuộc thi ẩm thực, phát động khởi nghiệp, tổ chức vinh danh các địa chỉ ẩm thực, chuẩn hóa bảo đảm an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn thành phố… Ở nhóm sản phẩm du lịch cưới, cần tổ chức khảo sát, công bố các điểm check-in, địa điểm tổ chức lễ cưới với nhiều phân khúc dành cho khách nội địa và quốc tế; xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ cưới, ban hành chính sách thu hút du lịch cưới…

Sự chủ động từ doanh nghiệp

Tạo sản phẩm mới không chỉ là việc của chính quyền thành phố, các địa phương, mà còn là sự chủ động vào cuộc của các doanh nghiệp, hiệp hội trên địa bàn.

Theo ông Đặng Như Đà Thành, Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Đà Nẵng, những sản phẩm Đà Nẵng dự kiến tập trung trong thời gian tới là du lịch cưới và du lịch ẩm thực cho thấy sự khác biệt trong xây dựng sản phẩm. Song, cần chú trọng hơn về vấn đề môi trường, giao thông, dịch vụ tiện ích; thành phố có thể kêu gọi thêm các nhà đầu tư thêm các công trình vệ sinh công cộng đẹp, tiện ích để phục vụ du khách.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Việt An Group Nguyễn Thanh Tâm cho rằng khi đưa ra các gói hay phiếu giảm giá, ưu đãi (voucher) dành cho khách thì ngành du lịch hoặc các doanh nghiệp nên có các app hoặc các kênh thông tin để biết được số lượng khách đã sử dụng các dịch vụ đó hay chưa; doanh nghiệp nào khai thác, sử dụng hiệu quả nhất các voucher đó… Từ đó dần dần sẽ chắt lọc được các dịch vụ, tiện ích mà du khách lựa chọn sử dụng khi đi du lịch thay vì triển khai một cách đồng loạt, đại trà. Đà Nẵng cũng nên quan tâm nhiều hơn, khai thác hiệu quả hơn về du lịch trị liệu và chăm sóc sức khỏe bởi đây là một lợi thế lớn của Đà Nẵng khi có rất nhiều các cơ sở trị liệu, chăm sóc sức khỏe bảo đảm nhưng chưa được kết nối, khai thác tới du khách nhất là khách quốc tế.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng bày tỏ, để thu hút khách đến Đà Nẵng, các doanh nghiệp, hiệp hội đều rất đồng lòng, sát cánh cùng các hoạt động của du lịch thành phố. Năm nay là một năm rất khó khăn khi các đường bay bị giảm, giá vé máy bay tăng cao và khan hiếm. Đây là thách thức rất lớn với các doanh nghiệp lữ hành. “Hiệp hội sẽ cùng với các doanh nghiệp họp bàn, sẽ có một nhóm sản phẩm kích cầu rất lớn trong chương trình công bố kích cầu du lịch sắp tới nhằm tạo hiệu ứng truyền thông để thấy rằng Đà Nẵng liên tục có các sự kiện, chương trình hấp dẫn thu hút du khách. Các doanh nghiệp cần ngồi lại tính đến các phương án, mạnh dạn đưa ra các combo dịch vụ để giữ chỗ hàng không; đẩy mạnh các phương tiện khác từ các thị trường xung quanh đi bằng xe cá nhân, đường bộ, đường sắt…” ông Cao Trí Dũng đề xuất.

Nguồn: Huy động các nguồn lực tạo sản phẩm du lịch mới

Thu Hà

baodanang.vn