Điện Biên: Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở Điện Biên Đông

04:15 | 28/10/2021

|
Xác định tiêu chí môi trường là một trong những nội dung khó thực hiện trong xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với huyện nghèo như Điện Biên Đông. Những năm qua, các cấp chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn.
Điện Biên: Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở Điện Biên Đông
Người dân bản Háng Lia, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông khơi thông cống rãnh, vệ sinh môi trường.

Là địa bàn rộng, địa hình phức tạp, dân cư sống không tập trung, số hộ nghèo còn cao trong khi nguồn lực dành cho xây dựng nông thôn mới (NTM) hết sức khó khăn, còn thấp so với yêu cầu. Để từng bước thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng NTM, huyện Điện Biên Đông xác định, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường cho người dân là giải pháp quan trọng hàng đầu. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; trách nhiệm của các cấp, ngành cũng như người dân đối với việc bảo vệ môi trường; tác động, cản trở của sự ô nhiễm, suy thoái môi trường đến phát triển kinh tế - xã hội... Đồng thời, đưa nội dung cam kết giữ vệ sinh môi trường vào hương ước của các thôn, bản; biểu dương và nhân rộng mô hình hay, điển hình tiên tiến trong các hoạt động, phong trào quần chúng bảo vệ môi trường.

Đáng chú ý, nhằm thực hiện tốt các nội dung trong tiêu chí như chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định; nâng tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch...; huyện yêu cầu các xã chủ động xử lý rác thải sinh hoạt bằng cách triển khai xây dựng bãi chôn lấp rác thải quy mô nhỏ, tổ chức thu gom rác nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Với khu vực các bản, khu thưa dân cư, các xã vận động hộ gia đình tự đào hố, phân loại, xử lý rác thải; không vứt rác ra lòng lề đường, sông, suối gây ô nhiễm môi trường; thường xuyên khơi thông cống rãnh, quét dọn vệ sinh xung quanh nhà ở và đường làng ngõ xóm. Mặt khác, tích cực vận động nhân dân làm nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; không nhốt thả trâu bò, lợn dưới gầm sàn, không thả rông gia súc, làm chuồng chăn nuôi có khoảng cách xa nhà ở và phải vệ sinh định kỳ tránh lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; chủ động đào hố ủ chất thải vật nuôi hoặc xây dựng hệ thống biogas để tận dụng khí đốt. Khi có gia súc, gia cầm chết phải tiến hành chôn lấp, rắc vôi khử trùng đảm bảo vệ sinh, không vứt xác gia súc, gia cầm bừa bãi xuống sông, suối. Riêng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi phải có đầy đủ, hồ sơ thủ tục về môi trường. Đặc biệt, từ nguồn vốn các chương trình, dự án, huyện triển khai thực hiện một số công trình nước sạch; hỗ trợ người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Ngoài ra, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ chăn nuôi thuộc đối tượng phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường...

Ông Quàng Ngọc Tiên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên Đông chia sẻ: Chú trọng thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, đến nay huyện đã đạt một số quả tích cực. Toàn huyện có 3/13 xã cơ bản đạt tiêu chí số 17 (gồm Mường Luân, Luân Giói, Pu Nhi); tổng số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh là 10.064/12.547 (đạt 80,2%); có 6.994/12547 hộ có nhà tắm, nhà tiêu, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch (đạt 55,7%); số trường học và trạm y tế có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 100%. Hiện huyện có 4/13 xã có nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; 404/421 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.

Dù đạt những kết quả nhất định trong thực hiện tiêu chí số 17, song trong quá trình thực hiện huyện Điện Biên Đông vẫn gặp nhiều trở ngại, khó khăn. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về xây dựng NTM còn hạn chế, chưa quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện; một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước; một số phong tục, tập quán sinh hoạt lâu đời của người dân (chôn cất người chết, thả rông gia súc...) chưa được thay đổi; vẫn còn tình trạng một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đổ rác thải ra ngoài; các công trình bảo vệ môi trường nông thôn chưa được đầu tư xây dựng. Trên địa bàn các xã, bản chưa hình thành tổ thu gom rác; chưa có nơi tập kết chất thải tập trung, chưa có nơi lưu chứa chất thải vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chưa có nơi xử lý chất thải rắn...

Để từng bước khắc phục khó khăn trong thực hiện tiêu chí về môi trường, huyện Điện Biên Đông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân; tập trung giải quyết các vấn đề về môi trường nông thôn; nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp nước sinh hoạt, thu gom xử lý rác thải, xử lý môi trường trong sản xuất... từ đó từng bước tăng số xã đạt tiêu chí số 17, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp.

Nguồn: Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở Điện Biên Đông

Đức Linh

baodienbienphu.info.vn