Đồng Nai: Doanh nghiệp lớn mạnh cùng sự phát triển của địa phương

12:15 | 30/04/2023

|
Đồng Nai là cái nôi phát triển công nghiệp sớm nhất của Việt Nam nên từ nhiều thập niên trước, các doanh nghiệp (DN) trong nước đã lựa chọn tỉnh làm nơi thành lập các công ty sản xuất, kinh doanh. Sau gần 50 năm, tại Đồng Nai có hơn 48,6 ngàn DN được thành lập.
Đồng Nai: Những mô hình hay trong hoạt động khuyến họcĐồng Nai: Những mô hình hay trong hoạt động khuyến học
Đồng Nai: Những vùng quê mơ ước...Đồng Nai: Những vùng quê mơ ước...
Đồng Nai: Doanh nghiệp lớn mạnh cùng sự phát triển của địa phương
Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ tại TP.Biên Hòa. Ảnh: V.Gia

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, hơn 20 năm trước, DN trong nước chỉ chiếm vài phần trăm trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, những năm qua, các DN không ngừng vươn lên và hiện chiếm gần 30% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đồng thời, các DN trong nước cũng đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Cộng đồng DN tư nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn mạnh. Nhiều DN trong số đó đã vươn lên trở thành nhà cung ứng cho các đối tác lớn trên thế giới.

* Số lượng, chất lượng DN không ngừng gia tăng

Cùng với sự mở cửa, phát triển kinh tế của cả nước, Đồng Nai liên tục có sự tăng trưởng, thuộc tốp đầu trong phát triển công nghiệp sản xuất và các ngành nghề kinh doanh. Từ đó, số lượng DN trên địa bàn Đồng Nai không ngừng gia tăng, nhất là khi nước ta ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các đối tác lớn trên thế giới. Lũy kế, từ năm 1991 đến cuối năm 2022, Đồng Nai có hơn 48,6 ngàn DN đã đăng ký kinh doanh trên hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia.

Theo Đề án Hỗ trợ DN nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 thì tỉnh phấn đấu số lượng DN nhỏ và vừa thành lập mới trong giai đoạn này là hơn 26,5 ngàn. Các DN trên giải quyết việc làm cho khoảng 265 ngàn lao động.

Kể từ năm 2020, tình hình kinh tế thế giới có nhiều xáo trộn dẫn đến kết quả sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, kéo theo sự khó khăn trong phát triển DN. Tuy vậy, số lượng DN gia nhập thị trường tại địa phương vẫn tiếp tục ở mức cao. Riêng năm 2022 vừa qua, đã có hơn 4 ngàn DN đăng ký thành lập mới, bổ sung vốn vào nền kinh tế hơn 30,8 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 72% về DN thành lập mới so với năm 2021.

Công ty TNHH Astex (TP.Biên Hòa) ra đời cũng là lúc cả nước bước vào thời gian chống dịch Covid-19 căng thẳng. Ông Lê Xuân Thời, giám đốc công ty cho hay, đến thời điểm hiện tại, DN nhỏ này đang trên đà phát triển ở lĩnh vực sản xuất, cung ứng các máy móc, thiết bị, dây chuyền tự động hóa như dây chuyền đóng gói tự động, hệ thống cấp phôi nguyên liệu. Dù còn ở quy mô khiêm tốn nhưng chủ DN này tự tin với đội ngũ nhân lực thiết kế sẵn có. Công ty có thể cung ứng được các sản phẩm cho khách hàng một cách tốt nhất và đó là cơ hội để phát triển lâu dài.

Đặc biệt, nhiều DN của Đồng Nai đã từng bước chen chân vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Nhiều DN Việt đã trở thành nhà cung cấp cho đối tác nước ngoài đang sản xuất tại Việt Nam cũng như đưa hàng hóa của mình xuất khẩu đi các nước khác.

Công ty TNHH Tương Lai (ở H.Long Thành) trở thành một trong những đơn vị tiên phong của Đồng Nai tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thuộc chương trình của Ngân hàng Thế giới. Với các sản phẩm linh kiện phụ trợ bằng nhựa, cao su phục vụ cho lắp ráp xe máy, ô tô, khuôn mẫu và một số hàng chuyên dụng khác, Tương Lai đã phát triển thành DN quy mô vừa, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất khắt khe của các đối tác.

Tương tự, từ nhà máy sản xuất ở Đồng Nai, hiện Công ty CP Thực phẩm GC (ở Khu công nghiệp Hố Nai, H.Trảng Bom) đã có thêm nhiều nhà máy ở Ninh Thuận và mở rộng lên Tây nguyên. DN này đặt mục tiêu doanh thu 523 tỷ đồng trong năm nay và đã tiến hành niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán, đưa công ty bước vào giai đoạn phát triển mới.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm GC Nguyễn Văn Thứ cho hay, sản phẩm của DN đã xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia và cung cấp nguyên liệu cho các tập đoàn lớn trong nước như Vinamilk, Nutifood…

* Giúp DN nhỏ và vừa vươn xa

Bên cạnh sự phát triển về số lượng DN thì chất lượng, năng lực và quy mô DN trên địa bàn tỉnh cần được hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu của giai đoạn mới. Theo từng giai đoạn, Đồng Nai đã triển khai những chính sách hỗ trợ khác nhau để DN thụ hưởng.

Mới nhất và rất quan trọng có thể kể đến là cuối năm 2020, Đồng Nai ban hành Đề án Hỗ trợ DN nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đề cập đến 9 nhóm vấn đề với rất nhiều nội dung. Trong đó, nhóm chính sách hỗ trợ chung bao gồm: hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa; hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh đối với DN ngành công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị DN, nâng cao chất lượng lao động; hỗ trợ sử dụng các dịch vụ tư vấn; đăng ký thành lập DN miễn phí; tư vấn, hướng dẫn thủ tục về thuế và hỗ trợ về các vấn đề pháp lý…

Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể phát triển thành DN; giúp DN nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất để mở rộng đầu ra cho sản phẩm và từng bước vươn xa. Nhiều DN có vốn đầu tư trong nước sau khi thành lập ở Đồng Nai một thời gian đã mở rộng sản xuất, kinh doanh ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước như: Công ty CP Tập đoàn Trường Hải, Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp, Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa, Công ty CP Lothamilk, Công ty TNHH Nam Long…

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Lê Bạch Long nhận định: “Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng những năm qua, các DN trong nước đã nỗ lực tìm các giải pháp để phát triển sản xuất, kinh doanh. Hội tạo điều kiện hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm hay làm cầu nối để hợp tác với các đối tác, tập đoàn lớn để phát triển bền vững”.

Tại nhiều chương trình làm việc, gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng DN trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh luôn nhất quán phương châm đồng hành cùng sự phát triển của DN. Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, địa phương lấy sự thành công từ DN làm thước đo cho sự hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền. Đồng Nai thời gian tới vẫn sẽ là địa phương có sức hút các DN trong và ngoài nước đến đầu tư. Tỉnh cũng luôn lắng nghe những góp ý từ phía DN để cùng trao đổi, đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cộng đồng DN tiếp tục phát triển.

Đồng Nai hiện có hơn 156,6 ngàn hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động (số liệu điều tra năm 2021), riêng TP.Biên Hòa có hơn 49,8 ngàn cơ sở. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể này là nguồn lực bổ sung cho sự tăng trưởng DN trong những năm tới. Do đó, tỉnh khuyến khích các cơ sở phát triển lên DN. Ngoài ra, tỉnh cũng có hơn 400 HTX trong các lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ và quản trị sản xuất, kinh doanh như DN.

Nguồn: Doanh nghiệp Đồng Nai lớn mạnh cùng sự phát triển của địa phương

Văn Gia

baodongnai.com.vn