Đồng Nai: Nhiều giải pháp xử lý môi trường trong chăn nuôi

04:10 | 16/12/2022

|
Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước. Tỉnh rất chú trọng các giải pháp về phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường. Báo Đồng Nai điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai
Đồng Nai: Dự án Sân bay Long Thành: Tăng tốc giải phóng mặt bằng để thi công đồng loạtĐồng Nai: Dự án Sân bay Long Thành: Tăng tốc giải phóng mặt bằng để thi công đồng loạt
Đồng Nai: Giải tỏa áp lực cung lớn hơn cầu trong ngành chăn nuôiĐồng Nai: Giải tỏa áp lực cung lớn hơn cầu trong ngành chăn nuôi
Đồng Nai: Nhiều giải pháp xử lý môi trường trong chăn nuôi
Trang trại chăn nuôi tại H.Cẩm Mỹ đầu tư tốt hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi. Ảnh: B.Nguyên

Các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng tích cực ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ xử lý chất thải trong chăn nuôi như: sử dụng hầm khí biogas, các chế phẩm sinh học, hố ủ, xử lý chất thải chăn nuôi bằng phương pháp sinh học…

* Nhiều khó khăn

Trong năm, Sở NN-PTNT đã phối hợp với địa phương khảo sát công tác bảo vệ môi trường tại 4 trang trại chăn nuôi ở H.Thống Nhất và H.Xuân Lộc với nội dung kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi thông qua công tác thẩm định, đánh giá các cơ sở chăn nuôi. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp đã ghi nhận hiện trạng về các biện pháp bảo vệ môi trường của 135 cơ sở. Nhìn chung, đa số các cơ sở đều có các biện pháp bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Các trang trại có quy mô lớn đã thực hiện các thủ tục liên quan đến môi trường, chú trọng đến các biện pháp xử lý chất thải (rắn, lỏng, khí,...). Những trang trại vừa và nhỏ thường xử lý chất thải chưa đảm bảo theo quy định hoặc không xử lý.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.748 trang trại chăn nuôi có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, đạt tỷ lệ gần 91%. Trong đó, tại các trang trại có quy mô lớn, chất thải rắn được thu gom và xử lý bằng các hình thức: ủ phân, ủ compost, sơ chế phân, sử dụng máy ép phân. Về nước thải được xử lý bằng phương pháp lý - sinh - hóa kết hợp. Khí thải, nhất là mùi hôi, được các trang trại giảm thiểu bằng sử dụng chế phẩm sinh học, trồng cây xanh quanh trại…, đáp ứng các quy định trước khi thải ra môi trường.

Các trang trại có quy mô nhỏ, chất thải được xử lý chủ yếu bằng biogas hoặc đệm lót sinh học. Công tác quản lý môi trường được thực hiện thông qua một số hình thức như: xây dựng, giám sát các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, quy trình thực hành sản xuất tốt.

* Thí điểm xử lý chất thải bằng phương pháp sinh học

Tuy nhiên, nhiều giải pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi vẫn chưa giải được bài toán khó xử lý mùi hôi. Theo đó, H.Vĩnh Cửu đã làm việc với Công ty CP Tái chế sinh học BioRec (trụ sở ở TP.Hà Nội) triển khai thí điểm mô hình xử lý ô nhiễm và tái chế chất thải trại heo bằng tổ hợp công nghệ vi sinh, sinh khối giun (trùn quế) tại trang trại heo quy mô 4 ngàn con ở xã Tân An. Doanh nghiệp đề xuất mô hình chịu 100% chi phí lắp đặt thiết bị, nhân công, xử lý chất thải phát sinh từ nuôi heo. Nếu mô hình đem lại hiệu quả về kinh tế và môi trường, tỉnh sẽ cho phép doanh nghiệp tư vấn công nghệ đến các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Quang Trung, Tổng giám đốc Công ty CP Tái chế sinh học BioRec - đơn vị đề xuất mô hình công nghệ trên chia sẻ, nuôi trùn quế để xử lý chất thải chăn nuôi được một số nông hộ áp dụng nhưng ở quy mô trang trại, đánh giá tính hiệu quả dựa trên các số liệu, tiêu chuẩn để phổ biến thì chưa có. Công ty chọn Đồng Nai thí điểm vì số lượng trang trại chăn nuôi nhiều, lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường. Nếu thuận lợi, công ty không chỉ thương mại hóa giải pháp công nghệ mà đầu tư nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Trung, áp dụng giải pháp này, heo được bổ sung men vi sinh vào thức ăn để giảm mùi hôi, phân heo và nước rửa chuồng được đưa vào máy vắt, từ máy vắt này nước đưa xuống hệ thống lọc băng sinh khối để tái rửa chuồng, còn bã phân làm thức ăn cho trùn quế. Phân trùn được dùng sản xuất phân bón hữu cơ, còn con trùn bán làm thức ăn cho gia cầm, thủy sản.

“Giải pháp này giúp trang trại tiết kiệm chi phí nhờ tuần hoàn nước, bán phân và con trùn quế; xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Doanh nghiệp thương mại hóa giải pháp công nghệ, có nguyên liệu ổn định để sản xuất phân bón hữu cơ” - ông Trung chia sẻ.

Đại diện Công ty CP Nông súc sản Đồng Nai (ở xã Tân An, H.Vĩnh Cửu), đơn vị nhận thí điểm mô hình cho biết, trang trại đang áp dụng giải pháp hầm khí biogas để xử lý chất thải nhưng mùi hôi là vấn đề nan giải. Công ty sẽ tạo điều kiện triển khai mô hình này và nếu hiệu quả sẽ áp dụng lâu dài, đảm bảo vệ sinh môi trường, tiết kiệm chi phí.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 255 cơ sở chăn nuôi đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận 95 cơ sở chăn nuôi quy mô cam kết bảo vệ môi trường; có 7.684 công trình khí sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi. Về thu gom và xử lý mùi hôi, khí thải hầu hết các trại chăn nuôi có lắp đặt các quạt hút tại các dãy chuồng trại để hút khí thải (mùi hôi) trong chuồng trại thải ra môi trường, đồng thời trồng cây xanh cách ly sau các dãy quạt hút, hạn chế mùi hôi phát sinh. Về quản lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, các trại chăn nuôi thực hiện hợp đồng với đơn vị có chức năng để vận chuyển và xử lý.

Nguồn: Nhiều giải pháp xử lý môi trường trong chăn nuôi

Bình Nguyên - Hoàng Lộc

www.baodongnai.com.vn