Dự báo công suất hóa lỏng khí toàn cầu đến năm 2030

08:00 | 13/11/2024

|
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, công suất hóa lỏng khí tự nhiên toàn cầu có thể tăng 45% vào năm 2030, hỗ trợ các tham vọng giảm carbon của nhiều quốc gia như Ấn Độ đang đặt kỳ vọng vào khí tự nhiên như một lựa chọn chuyển đổi năng lượng.

Dự báo công suất hóa lỏng khí toàn cầu đến năm 2030

Một nhà máy hoá lỏng khí ở Ấn Độ. Ảnh AFP

Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Các quốc gia như Ấn Độ đang tìm cách đa dạng hóa nguồn năng lượng đồng thời giảm lượng khí thải carbon. Theo Akshay Kumar Singh, Giám đốc Điều hành của Petronet LNG Limited, công suất hóa lỏng khí tự nhiên toàn cầu có thể đạt khoảng 700 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030, so với 483,1 triệu tấn hiện nay. Sự mở rộng này sẽ đáp ứng nhu cầu tăng cao về LNG, một nguồn năng lượng được coi là một lựa chọn thay thế khả thi cho nhiên liệu lỏng.

Tiềm năng tăng trưởng của LNG phần lớn dựa trên tính cạnh tranh về chi phí so với một số loại nhiên liệu lỏng. Theo Singh, mặc dù LNG không thể cạnh tranh với chi phí của than hoặc năng lượng tái tạo, nhưng LNG vẫn là lựa chọn hấp dẫn. Đặc biệt tại Ấn Độ, nơi hơn 80% nhiên liệu lỏng được nhập khẩu, việc thay thế dần các nhiên liệu này bằng khí tự nhiên là điều hoàn toàn có thể, qua đó giảm sự phụ thuộc của đất nước vào dầu thô.

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi này

Để thúc đẩy chuyển đổi sang LNG, Ấn Độ đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng khí đốt, bao gồm xây dựng các cảng nhập khẩu LNG mới và mở rộng mạng lưới đường ống. Điều này giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với khí tự nhiên hơn và tối ưu hóa việc sử dụng khi giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, theo ông Singh, sự biến động giá cả vẫn là một thách thức với thị trường khí đốt, điều này có thể khiến LNG trở nên quá đắt đỏ đối với một số người dùng. Đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19, đã khiến một số người dùng quay trở lại sử dụng các nhiên liệu lỏng rẻ hơn.

Ông Singh cho biết trước đại dịch, lượng nhập khẩu LNG của Ấn Độ đạt gần 26 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống còn 20 triệu tấn trong thời kỳ đại dịch do sự chuyển đổi sang các lựa chọn thay thế có giá cả phải chăng hơn, như nhiên liệu lỏng.

LNG, một yếu tố quan trọng cho các mục tiêu khí hậu của Ấn Độ

Việc sử dụng LNG cũng có thể góp phần vào các mục tiêu khí hậu của Ấn Độ, vì nó là một trong những nhiên liệu hóa thạch ít gây ô nhiễm nhất. Quốc gia này có mục tiêu đạt được trung hòa carbon vào năm 2070, coi khí tự nhiên là một trụ cột trong chiến lược giảm carbon của mình. "Khí tự nhiên sẽ vẫn rất quan trọng trong ít nhất ba hoặc bốn thập kỷ tới", ông Singh nhấn mạnh rằng nguồn tài nguyên này cung cấp một giải pháp chuyển tiếp hướng tới một nền kinh tế ít carbon hơn.

Chính phủ Ấn Độ đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng là 500 gigawatt năng lượng tái tạo vào năm 2030, so với khoảng 200 gigawatt hiện nay. Đồng thời, các sáng kiến nhằm tăng cường độ che phủ rừng và giảm lãng phí năng lượng cũng đang được triển khai để đạt được các mục tiêu giảm phát thải của đất nước.

Hướng tới ổn định giá để hỗ trợ nhu cầu về LNG

Trong bối cảnh giá năng lượng hiện nay đang biến động mạnh, các nhà chức trách Ấn Độ đã lựa chọn các hợp đồng LNG dài hạn, nhằm mục tiêu ổn định chi phí và đảm bảo nguồn cung cấp ổn định. Tuy nhiên, ông Singh cảnh báo rằng mặc dù có những nỗ lực này, việc nắm bắt cơ hội mua LNG với giá cả hấp dẫn khi thị trường thuận lợi vẫn rất quan trọng.

Ấn Độ đã tái khẳng định cam kết khí hậu của mình tại COP 28, cam kết giảm cường độ carbon của GDP xuống 45% vào năm 2030 so với mức của năm 2005. Với cách tiếp cận này, Ấn Độ đang tìm cách cân bằng giữa nhu cầu năng lượng ngày càng tang và các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời khai thác tiềm năng của LNG như một giải pháp chuyển tiếp.

Nguồn:Dự báo công suất hóa lỏng khí toàn cầu đến năm 2030

H.Phan

nangluongquocte.petrotimes.vn