F0 khỏi bệnh nhưng vẫn ho: Bác sĩ mách cách xử lý cực đơn giản

03:05 | 11/03/2022

|
Theo các bác sĩ, ho là phản ứng thông thường của cơ thể với tác nhân gây viêm hô hấp, nhưng ho nhiều khiến người bệnh mất ngủ thì phải điều trị.
Bộ Y tế đề xuất F0, F1 được làm việc trong thời gian cách lyBộ Y tế đề xuất F0, F1 được làm việc trong thời gian cách ly
Bác sĩ Nhi mách những loại thuốc thiết yếu, nên chuẩn bị sẵn khi nhà có trẻ là F0Bác sĩ Nhi mách những loại thuốc thiết yếu, nên chuẩn bị sẵn khi nhà có trẻ là F0
F0 khỏi bệnh nhưng vẫn ho: Bác sĩ mách cách xử lý cực đơn giản

Chị Đặng Thanh M., 29 tuổi, Hà Nội, cho biết chị đã khỏi Covid-19 được 2 tuần nhưng vẫn bị ho khan và ngứa họng. Chị M. đã đi bệnh viện chụp X-quang phổi và xét nghiệm máu.

Bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm phế quản và kê đơn thuốc về uống nhưng chị không thấy đỡ. Ban ngày chị ít ho hơn nhưng về đêm chị ho rất nhiều, gần như ho cả đêm. Vì ho nhiều quá, chị M. mất ngủ và cả nhà cũng mất ngủ theo.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt, nguyên nhân gây ho khi nhiễm virus SARS-CoV-2 là do ái lực của các loại virus này với đường hô hấp. Chúng thường xâm nhập từ hầu họng sau đó lan xuống phế quản, phổi. Tại đây, chúng phát triển và gây ra các phản ứng viêm.

F0 khỏi bệnh nhưng vẫn ho: Bác sĩ mách cách xử lý cực đơn giản
PGS. An khám cho bệnh nhân.

Các phản ứng viêm tiết ra các chất trung gian hoá học và có thể làm tổn hại các tế bào niêm mạc đường hô hấp. Ho có thể là do phản ứng của cơ thể với chất trung gian hoá học này hoặc do tổn thương lớp niêm mạc đường hô hấp.

Theo PGS. An, người bệnh bị ho do virus không cần dùng kháng sinh. Tuy nhiên, trong trường hợp niêm mạc đường hô hấp bị bội nhiễm do vi khuẩn, người bệnh sẽ ho nặng và có đờm. Lúc này, bệnh nhân có thể phải dùng kháng sinh nhưng việc dùng kháng sinh nên được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn.

Sau giai đoạn âm tính với Covid-19, người bệnh còn ho có thể là do phản xạ tống xuất, đào thải tác nhân gây bệnh, hoặc do kích ứng niêm mạc đường hô hấp. Một số trường hợp bệnh nhân bị trào ngược dạ dày - hậu quả của việc dùng thuốc trước đó gây tổn thương dạ dày - hoặc có tổn thương xơ của phế quản phổi.

Những người có yếu tố tiền sử hen suyễn, viêm mũi dị ứng cũng có thể bị ho sau khi đã khỏi bệnh. Người bệnh có thể đi khám trong trường hợp ho quá nhiều ảnh hưởng tới giấc ngủ và cuộc sống.

Trường hợp người bệnh ho đờm, PGS. An khuyến cáo người bệnh cần uống thuốc long đờm để đào thải đờm tốt hơn, đồng thời kết hợp kháng sinh để trị viêm trong trường hợp đờm có màu vàng hoặc xanh.

Ngoài ra, ở các trường hợp ho khan, ho do kích ứng, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp dân gian như uống nước mật ong thêm vài lát gừng, sả hoặc mật ong ngâm chanh đào và uống lúc ấm.

Mật ong là loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin và dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị các bệnh lý về đường hô hấp.

Các tinh chất có trong mật ong có khả năng kháng khuẩn rất cao, được xem như là một loại kháng sinh tự nhiên. Sử dụng mật ong có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng, tăng khả năng chống lại các tác nhân có hại xâm nhập vào cơ thể để gây bệnh.

Một số nghiên cứu y học đã chỉ ra trong mật ong có chứa rất nhiều acid amin có lợi cho cơ thể, có tác dụng hỗ trợ điều trị các triệu chứng ho, viêm họng và các bệnh về đường hô hấp rất tốt.

Bạn có thể lấy một cốc nước nóng thêm 1 thìa gừng, để nguội bớt, thêm 1 thìa mật ong sau đó khuấy đều lên và nhấp từng ngụm. Sử dụng ngày 3 - 4 lần để giảm cảm giác đau rát, giảm ngứa cổ và bớt ho. Ngoài ra, bạn cũng có thể pha 1 thìa mật ong với 1 cốc nước ấm, uống vào buổi sáng và tối.

Nguồn: F0 khỏi bệnh nhưng vẫn ho: Bác sĩ mách cách xử lý cực đơn giản

Ngọc Anh

doanhnghieptiepthi.vn