Gian dối trong quảng cáo thực phẩm chức năng, vì nén bạc "đâm toạc" lương tâm

13:00 | 26/03/2024

|
“Hết trào ngược, hết viêm loét, ngăn ngừa tái phát, hết là hết hẵn nhá mọi người chứ không có chuyện đỡ đỡ nha...", đây là lời quảng cáo có cánh của tài khoản TikTok nhằm thu hút người tiêu dùng mua và sử dụng sản phẩm. Mặc dù đây chỉ là sản phẩm thực thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, không phải là thuốc.

Ngang nhiên quảng cáo gian dối, lách luật để “sống”

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã nhiều lân phát đi cảnh báo đối với nhiều sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ... vi phạm quảng cáo, nội dung quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh.

Thế nhưng, trên thực tế vẫn có rất nhiều website, các nền tảng mạng xã hội, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp những quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Phổ biến nhất là các sản phẩm liên quan đến các bệnh lý về dạ dày, xương khớp, tăng cường sinh lý nam/nữ, điều trị ung thư, đái tháo đường…

Trên mạng xã hội TikTok, hiện nay, người tiêu dùng cũng rất dễ bắt gặp những mẫu video quảng cáo “thần thánh” từ một số cơ sở bán thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thậm chí mượn danh các bác sĩ để hòng thu hút người tiêu dùng.

Đơn cử như tại tài khoản TikTok, có tên PGS.BS Nguyễn Văn Toại hay một tài khoản khác có tên Pgs.Ts.Bs Nguyễn Văn Toại BVTW, Các tài khoản TikTok này đang giới thiệu và quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (TPBVSK) Bình Vị Quản, nhưng lại được tung hô quá mức khiến người tiêu dùng không khỏi nghi ngờ về công dụng thực sự của dòng sản phẩm này?

Gian dối trong quảng cáo thực phẩm chức năng, vì nén bạc "đâm toạc" lương tâm
Mặc dù chỉ là Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, nhưng lợi dụng hình ảnh bác sĩ, tung hô "điều trị dứt điểm" các bệnh lý về dạ dày vẫn được cơ sở này quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội TikTok

Theo quan sát của PV Thương Trường, tại các tài khoản TikTok nêu trên đang quảng cáo TPBVSK Bình Vị Quản có công dụng rất kỳ diệu, cứ "uống là khỏi" như lời MC của các tài khoản trên, nói “Hết trào ngược, hết viêm loét, ngăn ngừa tái phát, hết là hết hẵn nhá mọi người chứ không có chuyện đỡ đỡ nha. Hiếm có một hãng sản phẩm nào mà đảm bảo và cam kết cho mọi người như vậy đúng không ạ”.

Hay như đoạn quảng cáo được người có tên Thiện (CEO Phùng Thiện) giới thiệu, rằng: “Bao tử mãn tính dù 10 đến 20 năm không khỏi hay nặng đến mấy cũng hết. Không phải lo nghĩ gì luôn. Chỉ 2 gói mỗi ngày, đúng 2 gói độc quyền và duy nhất em Thiện có. Em Thiện cam kết điều trị tận gốc tất tần tật các bệnh về dạ dày như: viêm loét dạ dày, trào ngược lâu năm, xuất huyết dạ dày, viêm hang vị dạ dày, nhiễm khuẩn Hp cứ phải gọi là hết sạch sành sanh. Chi phí cứ phải gọi là tiết kiệm gấp hàng 10 lần so với bà con điều trị nội soi, dùng thuốc tây mà bệnh tình vẫn tái đi tái lại nhiều lân”.

Ngoài các lời quảng cáo đường mật nêu trên, các tài khoản TikTok nêu trên còn sử dụng hình ảnh của Bs Nguyễn Văn Toại, cha đẻ của sản phẩm Bình Vị Quản cũng như Phòng khám đông y Phúc Thành có địa chỉ tại số 5 Trần Khát Chân, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Tp Hà Nội.

Theo lời quảng cáo, sản phẩm Bình Vị Quản "gắn liền với luận án tiến sĩ của PGS. TS. Bác sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Văn Toại hiện đang công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, đồng thời là Trưởng môn lý luận Y học cổ truyền tại Đại học Y Hà Nội nên bà con hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng". Không chỉ vậy, MC có tên Thiện, tiếp tục khẳng định "dùng là khỏi không có chuyện đỡ nữa hay dùng xong một thời gian lại tái lại. Dùng mà không đỡ thì cô chú, anh chị bà con cứ gọi ngay cho em Thiện, gọi điện trực tiếp cho Phòng khám đông y Phúc Thành, em sẽ đồng hành với các bác cho đến khi khỏi bệnh thì thôi"... Đây thực sự là những ngôn từ "mị dân" của người bán hòng thu hút người mua hàng để trục lợi cho bản thân, trong khi bản chất, tính năng và công dụng của loại sản phẩm này chỉ là một dạng thực phẩm hỗ trợ bảo vệ sức khỏe đơn thuần.

Được biết, TPBVSK Bình Vị Quản do Công ty TNHH Dược phẩm Smard có địa chỉ tại thôn Sao Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Tp Hà Nội sản xuất; Công ty TNHH D.Bold có địa chỉ tại Số 1 ngách 4 ngõ 112 Định Công Thượng, phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.

Trước đó, vào hồi trung tuần tháng 7/2023, Cục An toàn thực phẩm đã phát đi cảnh báo về sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bình Vị Quản được quảng cáo vi phạm các quy định của pháp luật, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Cụ thể, trong thời gian vừa qua tại một số website, đường link đã quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bình Vị Quản vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm (quảng cáo sản phẩm gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; sử dụng hình ảnh bác sĩ, ý kiến bệnh nhân mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh, quảng cáo không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định).

Qua ví dụ nêu trên, có thể thấy trước bối cảnh sức ép cạnh tranh từ thị trường ngày càng gay gắt, các cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh luôn coi quảng cáo như một công cụ hữu hiệu trong việc thuyết phục người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của mình. Từ đó dẫn tới tình trạng hoạt động quảng cáo ngày càng nhiều biến tướng cả về nội dung lẫn hình thức. Lợi dụng những sơ hở trong hoạt động quảng cáo, kinh doanh trên không gian mạng, đặc biệt là các mạng xã hội như YouTube, TikTok, nhiều đơn vị đăng ký kinh doanh thực phẩm chức năng đang mặc sức lừa dối người tiêu dùng về sản phẩm của mình. Và không ai khác, chính người tiêu dùng ở vị trí yếu thế hơn đang là đối tượng chịu thiệt thòi bởi họ dễ dàng bị lợi dụng nhằm kiếm lời bất chính.

Theo khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định “Cấm quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.

Những quy định về cấm quảng cáo gian dối, quảng cáo sai sự thật

Hoạt động quảng cáo là những tuyên bố, những cam kết của các doanh nghiệp với người tiêu dùng. Nhà quảng cáo hiện nay thông thường chú trọng nhiều hơn đến hình thức. Mâu thuẫn giữa quảng cáo và thực tế vẫn luôn là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều sản phẩm bị suy giảm trên thị trường.

Những mâu thuẫn giữa quảng cáo và thực tế trên là do tiến hành các hoạt động quảng cáo không trung thực. Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hoá, dịch vụ”.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Luật Quảng cáo 2012 sửa đổi, bổ sung 2018 thì quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.

Có thể hiểu, hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi do một cá nhân hay do tổ chức thực hiện hoạt động quảng cáo nhưng nội dung của quảng cáo lại không đúng với sự thật và việc đó có khả năng gây ảnh hưởng đến cá nhân hoặc tổ chức khác.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 thì hành vi đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác bị xem là hành vi lôi kéo khách hàng bất chính thuộc vào nhóm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Từ quy định được nêu trên, ta có thể thấy nếu hành vi quảng cáo đó đưa ra thông tin gian dối (sai sự thật) nhằm mục đích chính là để các doanh nghiệp có thể thu hút khách hàng thuộc vào nhóm các hành vi bị cấm mà Luật cạnh tranh điều chỉnh.

Bản chất của các quy định trên đều là những quy định cụ thể về hành vi đưa thông tin truyền tải những thông tin không trung thực, sai sự thật về một loại hàng hóa, dịch vụ đến khách hàng. Nguyên tắc cơ bản của hoạt động thương mại nói riêng và giao dịch dân sự nói chung là nguyên tắc trung thực. Việc các thương nhân đưa ra những thông tin sai lệnh, không đúng sự thật về chất lượng, số lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thực phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hóa, dịch vụ dù dưới bất kỳ hình thức nào đều đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc trung thực trong hoạt động quảng cáo.

Quảng cáo gian dối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Điều 11 của Luật Quảng cáo 2012 sửa đổi, bổ sung 2018 quy định, rằng: Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, mức phạt tiền đối với hành vi quảng cáo sai sự thật là mức phạt tiền đối với cá nhân theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính Phủ. Đối với trường hợp tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật thì mức phạt tiền gấp 2 lần so với cá nhân cũng theo quy định tại khoản 2, Điều 3 nghị định này.

Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự 2015:

”Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Nguồn: Gian dối trong quảng cáo thực phẩm chức năng, vì nén bạc "đâm toạc" lương tâm

Minh Đức

thuongtruong.com.vn