Hà Nội tăng cường phòng dịch tại các khu chợ

08:19 | 29/07/2021

|
Trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội, các khu chợ được phép hoạt động để cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân. Ðây là nơi tập trung đông người, khó kiểm soát người ra vào, cho nên cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều phường trên địa bàn Hà Nội đã có các cách làm hay để hoạt động tại chợ diễn ra an toàn, bảo đảm an sinh xã hội.
Hà Nội tăng cường phòng dịch tại các khu chợ
Lực lượng chức năng phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) kiểm tra thân nhiệt và thẻ đi chợ của người dân.

Từ 23 giờ ngày 27/7, chợ đầu mối phía nam (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) bị phong tỏa, dừng hoạt động, phun hóa chất khử khuẩn do có một tiểu thương trong chợ dương tính với SARS-CoV-2. Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ Ngô Sĩ Quý cho biết, ngay khi có thông tin về ca bệnh này, chính quyền địa phương và Ban Quản lý chợ đã thông báo cho các hộ kinh doanh tại chợ nghỉ kinh doanh, cung cấp thông tin để thực hiện công tác truy vết và tự theo dõi sức khỏe, nếu có dấu hiệu bất thường như ho, sốt… phải báo ngay cho Trạm y tế phường.

Chợ đầu mối phía nam rộng 23.400 m2 với khoảng 470 hộ kinh doanh. Mỗi ngày có tới hàng trăm tấn hàng hóa gồm nông sản, thực phẩm tươi sống, thủy, hải sản... luân chuyển qua đây, thu hút đông người tới mua, bán.

Vì vậy, phải tạm dừng hoạt động không chỉ tác động tới việc cung ứng hàng hóa thiết yếu mà công tác truy vết, khoanh vùng cũng rất khó khăn khi số lượng người tới chợ đông. Ðây không phải lần đầu các khu chợ trên địa bàn Hà Nội phải tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. Ðầu tháng 6 vừa qua, nhiều người bán hàng rau ở cổng chợ Cửa hàng mới (huyện Ðông Anh) cũng đã dương tính với SARS-CoV-2 khiến hơn 3.500 người phải lấy mẫu xét nghiệm do có liên quan, chợ tạm ngừng hoạt động nhiều ngày.

Thành phố Hà Nội đang ráo riết triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tại các khu chợ. Bên cạnh tuân thủ các khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh nói chung, nhiều mô hình, cách làm mới cũng đã được triển khai. Mấy ngày nay, người dân ở tám phường trên địa bàn quận Tây Hồ đã bắt đầu quen với việc đi chợ theo khung ngày, giờ quy định trên tấm thẻ đi chợ được phát. Tại cổng chợ Nhật Tân (quận Tây Hồ), UBND phường Nhật Tân đã dựng hàng rào sắt, phân luồng và hướng dẫn từ xa cho người tới chợ, kiểm tra thẻ đi chợ, đo nhiệt độ và sát khuẩn tay, ai không có thẻ thì không được vào chợ. Chủ tịch UBND phường Ðặng Hữu Tiến cho biết: "Trên thẻ đi chợ ghi rõ họ tên đại diện hộ gia đình, địa chỉ, được đóng dấu của UBND phường. Mỗi tuần, mỗi hộ được phép đi chợ bốn lần vào khung giờ nhất định theo ngày chẵn hoặc lẻ và một ngày cuối tuần. Mục đích là hạn chế số lượng người đến chợ cùng thời điểm". Nhiều quầy bán hàng còn làm hàng rào ngăn cách người mua hàng, kẻ vạch giãn cách… để tránh tập trung đông người và tiếp xúc trực tiếp. Bà Dương Thị Nga (số 5 ngõ 497 đường Âu Cơ, phường Nhật Tân) cho biết, bà ủng hộ và tuân thủ hình thức đi chợ theo thẻ, hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19, tránh trường hợp một số người tìm cách ra đường và lấy lý do là đi chợ. Nhờ kiểm soát theo thẻ đi chợ, ghi nhận số người tới chợ cùng thời điểm đã giảm tới 50% so với trước. Cùng với quận Tây Hồ, nhiều quận, huyện khác trên địa bàn Hà Nội cũng áp dụng hình thức này. Tại quận Long Biên, chiều 28/7 đã triển khai in và đóng dấu thẻ đi chợ theo ngày chẵn, ngày lẻ để phát cho các hộ gia đình thực hiện, từ sáng 29/7 triển khai việc kiểm soát đi chợ theo phiếu.

Hà Nội tăng cường phòng dịch tại các khu chợ
Ban Quản lý chợ Nhật Tân (quận Tây Hồ) dựng hàng rào tại khu vực bên ngoài chợ, bảo đảm giãn cách giữa người mua và người bán hàng.

Một số chợ cũng cố gắng giảm mật độ số quầy kinh doanh trong chợ, đồng thời, áp dụng nhiều giải pháp để phòng, chống dịch Covid-19. Tại chợ Bách Khoa (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng), những quầy bán hàng không thiết yếu đã được yêu cầu tạm nghỉ kinh doanh. Còn lại khoảng 150 hộ, UBND phường đã phân lịch để các tiểu thương kinh doanh luân phiên theo ngày chẵn, ngày lẻ, nhờ đó, mỗi ngày chỉ còn khoảng 70 quầy kinh doanh. Trước chợ chỉ họp buổi sáng, thì nay thêm cả buổi chiều để giãn thời gian cho người dân tới chợ. Ðáng nói, sau sự vận động của chính quyền địa phương, tất cả tiểu thương trong chợ đã bỏ kinh phí trang bị bạt ni-lông, tấm mi-ca để quây kín gian hàng, dựng vách ngăn hạn chế tiếp xúc trực tiếp và giữ khoảng cách với người mua. Các tấm chắn chỉ hở phía dưới khoảng 20 cm để giao nhận hàng hóa. Tiền khi giao nhận cũng được sát khuẩn cẩn thận. Bác Hoàng Lan Hương, bán thịt lợn cho biết: "Có tấm màng chắn này, chúng tôi yên tâm buôn bán hơn, hạn chế tiếp xúc trực tiếp nhiều nhất có thể để giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19".

Theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, trên địa bàn hiện có 459 chợ. Sở đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã; ban quản lý chợ trên địa bàn thành phố về việc thực hiện nghiêm quy định của Bộ Y tế, UBND thành phố về phòng, chống dịch Covid-19. Mới đây nhất là Văn bản hỏa tốc số 3326/SCT-QLTT ngày 24/7/2021, trong đó, yêu cầu các chợ phải xây dựng và triển khai theo phương án, kịch bản phòng, chống Covid-19, có biện pháp kiểm soát người ra - vào chợ, tổ chức mua hàng tại chợ theo quy định một chiều (vào một chiều, ra một chiều). "Trường hợp phát hiện ca nhiễm Covid-19 tại chợ, chính quyền địa phương đóng cửa tạm thời, xử lý dịch tễ, khoanh vùng dập dịch. Thành phố sẽ bố trí các điểm bán lưu động, các kênh phân phối khác hỗ trợ, bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân", bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Nguồn: Hà Nội tăng cường phòng dịch tại các khu chợ

Nguyên Trang

nhandan.vn