Hành hương về đất Mũi

05:00 | 13/12/2024

|
“Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam. Ngại chi đường xa không tới, về để nói với nhau mấy lời”. Lời bài hát “Áo mới Cà Mau” của nhạc sĩ Thanh Sơn đã thôi thúc nhiều người, trong đó có tôi đến với vùng đất cực Nam Tổ quốc.
Hành hương về đất Mũi
Đến Mũi Cà Mau và di chuyển trên canô rẽ sóng lướt qua những kênh rạch, hai bên là những cây đước, mắm phủ xanh

Trên con đường hướng về đất Mũi trong tôi luôn ngân lên những dòng chữ trong tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi: “Càng đổ gần về hướng mũi Cà Mau thì sông ngòi, kênh rạch càng bủa giăng chi chít như mạng nhện. Trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh, chung quanh mình cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá”.

Mũi Cà Mau thuộc xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cách TP. Cà Mau khoảng 110km, được bao bọc bởi biển Đông và biển Tây, là nơi duy nhất trên đất liền có thể ngắm mặt trời mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây cùng một địa điểm.

9 giờ, xe đến bãi tập kết ở Đất Mũi. Tôi quyết định đi bộ để tìm hiểu. Chị Hạnh bán vé vào thăm quan khu du lịch như một hướng dẫn viên du lịch nhã nhặn cung cấp những thông tin khi được hỏi về khu vực Đất Mũi: “Ở đất Mũi có một điều khác biệt với bất cứ nơi nào, đó là Đất nở ra, rừng biết đi và biển sinh sôi”.

Hành hương về đất Mũi
Các bạn trẻ tham quan Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau

Chị Hạnh bảo rằng, nơi này “mắm đi trước, đước theo sau” trên hành trình lấn biển. Ðước và mắm là hai loài cây đặc hữu của đất Mũi, đầy lạ lùng và cá tính. Đầu tiên từ bãi bồi bùn trống trơn, cây mắm mọc theo, tung những quả mắm già theo dòng nước ra biển, sóng đánh vào bãi bồi. Thế là mắm mọc thành rừng rất nhanh giữ phù sa, giữ đất.

Sau đó mắm già, lụi rồi chết đi để rễ lại từ bùn chĩa lên trời tua tủa như những vạt chông, nhường chỗ cho cây đước vươn ra khẳng định chỗ đứng của mình. Rễ đước mọc thành chùm như cọc nhọn cắm xuống đất mặn rồi lại vươn ngược lên xòe ra như “bàn tay” để hút phù sa bồi đất lên cao.

Cây đước đến sau cây mắm, làm rường cột đóng vào bùn đất ngập nước giữ cho rừng cây vững vàng trước sóng và gió biển. Khi nền đất đã vượt trên mức ngập của nước biển, thì cây đước, cây mắm lại nhường chỗ cho cây tràm. Từ đây cây tràm tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ mà mắm, đước đã khai mào làm ngọt hóa vùng đất vừa giành giật.

Hành hương về đất Mũi
Ngắm hoàng hôn ở nơi cuối trời Tổ quốc

Cứ thế, cây mắm âm thầm lấn từng bước một vươn ra biển, chặn dòng phù sa, thu gom phù sa, để cây đước bám lấy. Ðước mọc kín hai bên bờ sông, bờ rạch. Miên man là đước. Rễ cây nọ trùm lên cây kia, đan vào nhau mà bám đất.

Và quả thật, bao quanh con đường màu xanh ấy là màu xanh của trời, của nước, đặc biệt là màu xanh của cây đước, cây mắm. Chỉ cần nhắm mắt thôi cũng có thể lắng nghe âm thanh đặc trưng của xứ sở này, tiếng rì rào bất tận của những khu rừng đước và mắm bạt ngàn, cùng tiếng sóng ì ầm từ biển ngày đêm không ngớt vọng về.

Tại bến tàu, chiếc ca nô rẽ sóng trên dòng nước trong xanh và mát rượi, xuyên qua những rừng cây đước, sú, vẹt xanh rì, xen lẫn những ngôi nhà thấp thoáng trong bóng cây. Hai bên bờ sông, cuộc sống bình dị của người dân vùng sông nước hiện lên với những ngôi nhà nổi đơn sơ.

Mọi sinh hoạt, mua bán của người dân nơi đây đều gắn với sông nước, các cửa hàng bán đồ nhu yếu phẩm hằng ngày như hải sản, đồ khô và những cây xăng được dựng ngay trên nền gỗ của nhà nổi. Chiếc ca nô đưa tôi ra giữa dòng sông Cửa Lớn, phóng tầm mắt bốn hướng, không thấy bờ đâu, chỉ thấy mênh mang nước trước mặt cùng rừng đước bạt ngàn.

Hành hương về đất Mũi
Trải nghiệm khai thác nghêu thương phẩm của Hợp tác xã Nghêu Đất Mũi

Đứng giữa dòng sông nhìn về phía mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc, phần mũi nhọn nhô ra, và như nhà thơ Xuân Diệu từng viết: “Tổ quốc ta như một con tàu. Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau”, mới thấy con người quá nhỏ bé trước trời đất, nhưng hạnh phúc và tự hào đến khó tả.

Trong nồng nàn của gió, rì rầm của sóng biển như đang nghe tiếng vọng ngàn năm của cha ông. Hành trình hơn ba trăm năm qua của cha ông không dừng lại ở việc khai rừng phá núi, đào sông lấn biển, đó còn là hào khí dân tộc mà đến đây mới có thể cảm nhận. Đất mũi Cà Mau đẹp như một bức tranh, nơi “đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi” và “Về đất biển Cà Mau. Thấy đất trời thêm rộng lớn”.

Đến khi rời Đất Mũi, tôi vẫn cố ngoái lại nhìn hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc biểu tượng con tàu vượt sóng ra khơi. Và những câu ca vọng cổ về hành trình vươn ra biển của con người phương Nam cứ ngân nga trong tâm trí và cảm thấy tự hào về vùng đất được xây dựng từ máu xương, thành quả lao động của các thế hệ cha ông: “Cà Mau mặc thêm áo mới, về Cà Mau là thấy thương em rồi”...

Nguồn: Hành hương về đất Mũi

Tào Đạt

baodantoc.vn