Khánh Hòa: Những người trẻ giữ hồn dân tộc
Về Khánh Vĩnh ăn gạo rẫy, muối cá khô
Ngày cuối tuần, chái bếp trong căn nhà nhỏ của chị Pi Năng Thị Bé Mèo (25 tuổi) tại thôn Tà Gộc (xã Khánh Thượng) ríu rít tiếng cười nói của những người bạn, người em nhỏ tuổi. Chị Bé Mèo vừa hướng dẫn những bạn nhỏ nướng cá, vừa chuẩn bị những gia vị để giã cá. "Làm không khó lắm đâu anh, có người hướng dẫn là được à. Mấy món này chúng em hầu như ai cũng biết, nhưng sau này nhiều em nhỏ chưa biết, em phải hướng dẫn để các bạn biết cách làm", Bé Mèo nói.
Cao Thị Mi Chiêu (bên phải) tranh thủ cuối tuần để cùng với các bạn học làm gạo rẫy của đồng bào Raglai. |
Cá sau khi nướng bằng bếp than cho thịt khô, săn lại thì đem xé nhỏ, lọc bỏ xương rồi cho vào cối giã. Gia vị để giã cùng với cá là ớt xiêm xanh, bột ngọt, lá chanh, rau thơm... tùy khẩu vị. Nếu kỹ hơn, sau khi giã, có người đảo lại trên lửa nhỏ để bảo quản được lâu. "Nhìn vậy thôi mà em học mãi làm mới ngon được. Món này em ăn từ nhỏ, lớn lên cùng nó nên em học để biết cách làm, một phần để ăn, một phần là gìn giữ những món ăn đặc sắc của đồng bào mình", bạn Cao Thị Mi Chiêu chia sẻ.
Cá khô muối làm gần xong, lại thấy mọi người mang gạo rẫy ra rang. Gạo vừa rang xong, bỏ vào cối giã, sàng bớt cám, vỏ trấu rồi mang đi nấu. "Mấy đứa phải nhớ là hạt gạo từ lúa rẫy to và cứng hơn gạo từ lúa nước nên khi nấu phải đổ nhiều nước hơn", vừa chỉ cho các bạn nhỏ, bà Ca Thị Liên, mẹ của Bé Mèo vừa nói. Với những người đã có tuổi như bà, nhìn thấy lớp trẻ vẫn còn mặn mà, muốn gìn giữ nét sinh hoạt truyền thống là niềm động viên lớn nhất.
Sinh ra ở Khánh Vĩnh, lớn lên trong những làn điệu mã la, hình ảnh những ché rượu cần, những món ăn nuôi nấng từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành như muối cá khô, gạo rẫy, canh bồi, bánh khoai mì... nên Bé Mèo, Mi Chiêu cũng như những bạn trẻ vùng cao luôn có tình yêu sâu đậm với văn hóa đồng bào mình. Thế nên, lúc rảnh rỗi, mọi người lại cùng tập trung làm những món ăn của người đồng bào mình để những bạn chưa biết thì sẽ biết cách làm, những người biết rồi sẽ làm ngon hơn, quen tay hơn. Khi có khách gần xa đến chơi, những món ăn đặc sắc đó chính là món quà được mang ra để đãi khách...
Giữ chút nghề xưa
Rời Khánh Thượng, chúng tôi ghé thăm xã Khánh Trung để tham gia một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ (CLB) sinh hoạt văn hóa dân gian dân tộc Raglai thôn Suối Cá. Đến nhà cộng đồng thôn đã thấy khung cảnh cười nói, đan lát nhộn nhịp của những thành viên CLB. Cùng tham gia sinh hoạt có không ít thành viên là các bạn trẻ. Tay thoăn thoắt làm theo hướng dẫn của bà ngoại, chị Cao Thị Mỹ Dy (24 tuổi) hào hứng cho biết, để hoàn thiện một sản phẩm như: Thúng, rổ, nia, gùi... phải qua nhiều công đoạn, từ chọn lồ ô, tre đến vót to hay vót nhỏ sợi lạt phù hợp với từng loại vật dụng. "Bà ngoại tôi năm nay đã 70 tuổi, cũng là thành viên CLB. Nhờ bà hướng dẫn, tôi đã dần nắm được kỹ thuật đan sao cho vừa, độ dày đều nhau. Những món đồ thủ công này mang những nét riêng của người Raglai nên tôi rất muốn học để giữ nghề từ người đi trước rồi dạy lại cho lớp sau", chị Dy bộc bạch.
Những bạn trẻ xã Khánh Trung học chơi đàn chapi từ người cao niên trong xã. |
Trong đời sống hiện đại, những vật dụng công nghiệp phổ biến khắp làng quê ở vùng cao Khánh Vĩnh. Vì thế, những món đồ đan lát thủ công hay những loại nhạc cụ được làm từ bàn tay khéo léo của những nghệ nhân không còn nhiều. Trong dòng chảy thời gian, vẫn còn những bạn trẻ tâm huyết, mong muốn được tiếp nối, lưu giữ nghề xưa từ các ama (cha), away (mẹ). Trân quý những nét văn hóa của cha ông để lại, các bạn trẻ ở thôn Suối Cá đã chủ động kết nối, cùng tham gia sinh hoạt với những người cao niên để được truyền dạy nghề đan lát thủ công, học sử dụng những nhạc cụ như: Đàn chapi, mã la...
Trong câu chuyện với những người cao niên của CLB, chúng tôi nhận thấy nỗi trăn trở của các ama, away. Ngày trước, ở xã Khánh Trung, người thành thạo làm đàn, làm nỏ nhiều lắm, nhưng qua thời gian rơi rớt dần, bây giờ chủ yếu chỉ còn người cao tuổi biết làm. "Mong mỏi của chúng tôi là làm sao truyền dạy lại được cho con cháu càng nhiều càng tốt để giữ gìn, lưu truyền giá trị truyền thống, hồn cốt của đồng bào mình", ông Cao Quốc Đinh - Chủ nhiệm CLB chia sẻ.
Tham gia CLB, các bạn trẻ muốn học làm nia, làm thúng, làm đàn chapi... đều được các bậc cha, chú chỉ dẫn nhiệt tình. Là cán bộ mặt trận thôn Bắc Sông Giang (xã Khánh Trung), chị Cao Thị Luyện tranh thủ thời gian rảnh đến tham gia CLB. Chị Luyện cho biết: "Tôi muốn biết những món vật dụng người đồng bào chúng tôi sử dụng được làm ra như thế nào, tiếp đó là những món nhạc cụ độc đáo. Nếu thế hệ trẻ không học và gìn giữ, e rằng, sau này những nét văn hóa độc đáo này sẽ mai một. Do đó, tôi tranh thủ học để góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào mình".
Gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp
Những năm qua, Huyện đoàn Khánh Vĩnh đã chú trọng tạo điều kiện để giới trẻ được chung tay gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức. Dễ nhận thấy nhất, trong các hoạt động của thanh niên ở cấp huyện hay cấp tỉnh, tuổi trẻ Khánh Vĩnh đều tham gia bằng những hoạt động quảng bá nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Những món ẩm thực như: Muối cá khô, gạo rẫy... hay những món đồ đan lát làm gùi, nỏ, đàn chapi đều được trưng bày, giới thiệu đến quan khách, khách du lịch gần xa.
Các bạn trẻ xã Khánh Thượng học cách làm món muối cá khô, gạo rẫy. |
Chị Cao Ngọc Thoa - Phó Bí thư Huyện đoàn Khánh Vĩnh cho biết, thời gian qua, Huyện đoàn đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động gắn liền với bảo tồn, gìn giữ và quảng bá giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Bên cạnh tổ chức cho thanh niên tham gia học nghề truyền thống, biểu diễn nghệ thuật, Huyện đoàn và các đoàn xã đã triển khai thêm mô hình quảng bá nét đẹp ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Trong đó, tạo điều kiện để thanh niên học cách làm, chế biến các món ăn; đối với những món có thể giữ được lâu như muối cá khô Raglai đã được quảng bá, giới thiệu đến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố khác. Hiện nay, tại một số xã đã có các mô hình thanh niên làm kinh tế với những món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong câu chuyện về "giữ lửa" bản sắc văn hóa dân tộc, chị Thoa cho biết, khó khăn nhất vẫn là vận động được đông đảo bạn trẻ tham gia. Tuy nhiên, xác định việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương là một phần trách nhiệm của thế hệ trẻ nên Huyện đoàn Khánh Vĩnh đang ra sức tìm cách thu hút, tạo điều kiện để các bạn trẻ tham gia... "Chúng tôi đang xây dựng kênh bán hàng trực tuyến với các mặt hàng là sản phẩm ẩm thực, thủ công của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, tạo thêm nguồn tiêu thụ cho các sản phẩm này. Từ đó, có thể khích lệ các bạn trẻ tham gia, vừa gìn giữ nét đẹp văn hóa, vừa tạo thêm thu nhập", chị Thoa chia sẻ.
Nguồn: Những người trẻ giữ hồn dân tộc
Vĩnh Thành
baokhanhhoa.vn
- Hà Giang: Công nhận 6 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024
- Khánh Hòa: Lãnh đạo tỉnh đối thoại với 60 doanh nghiệp
- Lâm Đồng: Trại tằm giống 30 năm tuổi trên dốc 800
- Người phụ nữ Cao Lan tiên phong nơi vùng đất Lục Sơn
- Hà Giang: Phiên chợ ngày Đông
- Lâm Đồng: Khá lên nhờ trồng dâu, nuôi tằm
-
Cuộc thi ảnh và video “ Việt Nam Hạnh phúc - Happy Vietnam 2024”
-
Ca khúc Việt Nam duy nhất lọt Top 100 video nhạc hàng đầu thế giới
-
Bản tin Năng lượng xanh: Đan Mạch không nắm bắt được thay đổi của thị trường khiến cuộc đấu giá điện gió ngoài khơi thất bại
-
Hoa hậu Khánh Vân lên tiếng xin lỗi sau hôn lễ cùng bạn trai nhiếp ảnh gia
-
Đo lường và đánh giá quan hệ xã hội: Bệ phóng cho doanh nghiệp phát triển bền vững
-
Đến Long An, thưởng thức các món ăn đậm đà hương vị miền Tây
-
Manulife tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho 3.000 người dân TP.HCM
-
PVOIL được Forbes Việt Nam xác định giá trị 105 triệu USD, vào top 25 thương hiệu dẫn đầu
-
Tử vi ngày 14/12/2024: Tuổi Tý quý nhân nâng đỡ, tuổi Dần ứng xử phù hợp