Hạnh phúc giản dị

14:23 | 02/02/2022

|
Có những điều không thể tưởng tượng một ngày nào đó nó sẽ xảy ra, nhưng nó lại xảy ra. Có những điều tưởng chừng như bình thường trong cuộc sống hàng ngày, nhưng trong cơn đại dịch lại là điều xa vời không thể tưởng tượng…
Hạnh phúc giản dị
Đợt dịch vừa qua luôn xuất hiện hình ảnh xúc động tình dân - quân

Và hạnh phúc đôi khi là những điều hết sức đơn sơ xảy ra quanh ta hàng ngày, nhưng trong điều kiện bình thường đôi khi chúng ta không cảm nhận tới. Từ những người lao động bình thường cho tới doanh nhân thành đạt đã truyền cho chúng ta những nguồn năng lượng yêu thương, tích cực.

Bà xã tôi là người lo xa. Khi dịch rục rịch bùng phát, cô ấy đã lên phương án mua nhu yếu phẩm về dự trữ trong nhà. Trên tờ giấy A4 cô ấy liệt kê không thiếu thứ gì, từ gói mỳ cho đến chai dầu nóng, viên thuốc sốt…

Tôi phản bác ngay: Em chỉ mua những thứ cần thiết thôi, ba cái đồ ấy có tiền mua lúc nào chả được, chỉ cần ra chợ, siêu thị “bốc bỏ, tính tiền” là xong. Tôi thầm nghĩ, chợ siêu thị lúc nào mà không bán, cứ có tiền là mua được. Tôi có lý do để “mạnh miệng” hơn khi gần cả trăm ký gạo, mấy thùng mỳ mua phòng dịch vào tháng 3-2020 để lâu không sử dụng hết bị mọt phải đem bỏ.

Nhưng lần này tôi đã dự đoán sai, những lần giãn cách xã hội cứ kéo dài và ngày càng siết chặt, khiến cuộc sống bị đảo lộn, khó khăn. Ngay đầu đường nhà tôi người ta đặt barie chặn lối ra vào, chỉ chừa lối đi nhỏ với cái chòi nhỏ có người canh gác 24/24.

Thỉnh thoảng tôi xách xe ra ngoài để mua đồ nhưng việc đi lại rất khó khăn, việc mua hàng còn khó khăn hơn, có tiền mua cũng chẳng được những thứ giản đơn hàng ngày như cọng rau, con cá... Có những lúc toàn bộ chợ, siêu thị, hàng tạp hóa đều đóng cửa, ra nhà thuốc mua thuốc hạ sốt, ho không nhà thuốc nào bán…

Hóa ra những sinh hoạt bình thường như muốn đi đâu thì đi, chạy ra mua gói mỳ, bó rau… là những điều hạnh phúc giản dị mà ta không cảm nhận ra. Bởi trong những thời khắc khó khăn mới thấm thía hạnh phúc đơn giản là ta làm được những gì theo ý muốn của ta.

Trong khu phố của tôi, ngày bình thường mọi nhà cũng giao du ở mức vừa phải, cơ bản là xã giao và “đèn nhà ai nấy tỏ”. Nhưng trong cơn đại dịch đã khiến mọi người xích lại gần hơn, không kể nhà có điều kiện hay ít điều kiện hơn. Có vợ chồng anh Tú chủ quán phở ở cuối đường, mấy tháng trời nghỉ bán cùng một số anh em ra chốt canh gác và hàng ngày đi chợ hộ cho cả xóm.

Ai mua gì, cần gì cứ ra chốt ghi lại hôm sau có đầy đủ. So với việc “đi chợ hộ” của phường hay đặt qua app, nhờ anh nhanh hơn rất nhiều. Trong xóm có những gia đình thỉnh thoảng nhận được quà từ thiện là bó rau, thùng mỳ lại chia nhau, người nhiều chia cho người ít, người không có. Nhà ai có điều kiện hơn thì mua thực phẩm như gạo, rau củ quả, trái cây về phát cho cả xóm, ưu tiên cho những lao động thuê phòng trọ.

Đặc biệt, những người trong khu phố không may bị “dính” Covid-19 đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của bà con hàng xóm. Chị Phương, có người nhà bị F0, người bị đi cách ly, những người còn lại “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nên không thể ra ngoài mua thuốc theo toa của Sở Y tế.

Anh Bình nhà kế bên có giấy đi đường đã chạy đến các nhà thuốc ở đường Hai Bà Trưng mua thuốc cho chị. “Thành phố trải qua những ngày tháng giãn cách nghiêm ngặt, ai ở yên đó không được ra đường, nên có người giúp đỡ trong lúc khó khăn như vậy thật đáng quý biết bao” - chị Phương xúc động chia sẻ. Trong khó khăn, hoạn nạn dường như con người dễ cảm thông, chia sẻ với nhau nhiều hơn lúc bình thường.

Tôi thật sự kính phục đội ngũ y bác sĩ cùng những người tình nguyện viên, doanh nhân… không ngại khó khăn, hiểm nguy để giúp cộng đồng trong những tháng ngày căng thẳng nhất của đợt dịch vừa qua. Có thể nói, không giấy bút nào tả hết những khó khăn, gian khổ mà họ đã đến với đồng bào trong những ngày khốn khó.

Tôi quen và biết một số bạn bè, anh chị, họ lăn xả hết mình với bà con vùng dịch, không đơn thuần là vật chất mà hơn cả là tấm lòng, bất chấp nguy cơ bệnh tật rình rập. Luật sư Lê Trung Phát, trong những ngày thành phố giãn cách vẫn miệt mài vận động hàng hóa, nhu yếu phẩm để đem đến cho những khu phố nghèo. Các nhà báo cũng lăn lộn kết nối mua từng bó rau, ký cá từ những vùng nguyên liệu ở tận Cà Mau, Nghệ An, Lâm Đồng… đem về phân phát cho dân nghèo thành phố.

Rồi những doanh nhân thành đạt, những ông chủ lớn như anh Trần Bá Dương (Chủ tịch HĐQT Thaco), anh Nguyễn Đình Trung (Chủ tịch HĐQT Hưng Thịnh Corp), chị Lưu Thị Thanh Mẫu (Tổng giám đốc Phuc Khang Corp), chị Kim Oanh (Chủ tịch HĐQT Kim Oanh Corp), anh Lê Hữu Nghĩa (Tổng giám đốc Công ty TNHH Lê Thành)… đã đóng góp từ hàng chục tỷ đồng đến gần cả ngàn tỷ đồng cho công cuộc chống dịch. Các anh chị còn trực tiếp mang các vật dụng thiết yếu như que kit, khẩu trang, tô bún bò… đến cho những người ở tuyến đầu chống dịch. Tất cả đã tạo sự cảm hứng về lòng nhân ái, chia sẻ yêu thương trong cơn hoạn nạn

Sài Gòn - TPHCM đang bước vào cuộc sống bình thường mới, đường sá sẽ đông đúc, chợ búa sẽ tấp nập, nhà máy sẽ ồn ào trở lại… Những thứ làm ta bực bội thường ngày như kẹt xe, ngập nước rồi cũng sẽ diễn ra… Nhưng cơn đại dịch như một “khúc cua” làm mọi thứ chậm lại, cô đọng lòng yêu thương nhân ái để rồi mọi người vững bước mạnh mẽ tiến về phía trước.

Nguồn: Hạnh phúc giản dị

Đỗ Trà Giang

www.saigondautu.com.vn