Khánh Hòa: Khơi dậy niềm đam mê tri thức
Các học sinh đọc sách sau giờ học. |
Từ lớp học miễn phí
Theo lời giới thiệu của ông Phan Huy Chuẩn - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đại Điền Tây 2, chúng tôi tới Nhà Văn hóa - Khu thể thao của thôn để tham dự lớp học tiếng Anh miễn phí. Trên con đường làng dẫn tới nhà văn hóa, dưới ánh đèn, nhiều trẻ em tung tăng đạp xe đến lớp học. Có em vừa tan lớp học thêm, còn mang nguyên đồ đồng phục học sinh cũng theo mẹ tới lớp.
Đến 19 giờ, lớp học bắt đầu. Lúc này, 3 dãy ghế bằng inox và 1 dãy ghế gỗ với khoảng 20 chỗ ngồi đã được lấp đầy. Học viên nhỏ tuổi nhất khoảng 8 tuổi, học viên lớn nhất 43 tuổi. Ngay khi thầy Lê Minh Hiếu xuất hiện, tiếng chào “Good evening teacher” đồng loạt vang lên. Thầy Hiếu khởi động tiết học bằng các câu hỏi “What's your name?” (Tên bạn là gì?). “My name is Linh” (Tôi là Linh), cô bé với đôi mắt đen láy, ngồi giữa bàn đầu trả lời bằng tiếng Anh với phát âm rất chuẩn. Thầy Hiếu tiếp tục quay sang hỏi thêm học viên khác “What's your name?”, “How old are you?”, “Where are you from?” (Bạn tên gì? Bạn bao nhiêu tuổi? Bạn đến từ đâu?). “My name is Kiều Vân. I am thirty three years old. I come from Dien Son” (Tôi là Kiều Vân - Tôi 33 tuổi - Tôi đến từ Diên Sơn), một học viên trả lời… Buổi học không giáo án, sách vở, học viên tập nói, phát âm những câu đơn giản, giới thiệu về tên, tuổi, quê hương... Không khí lớp học lúc nào cũng rộn ràng, bởi học viên phải chia nhóm trao đổi cùng nhau; thay phiên nhau lên bảng ghi từ mới… Cứ thế, trong lớp học đàm thoại bằng tiếng Anh giữa thầy - trò, giữa trò và trò, tiếng trẻ em, người lớn liên tục xen kẽ rộn ràng.
Lớp học tiếng Anh tại thôn Đại Điền Tây 2. |
Mô hình lớp học giao tiếp tiếng Anh thông thường miễn phí cho người dân ở thôn được ông Chuẩn nung nấu cách đây 3 năm. “Trước đây, tôi có thời gian làm việc ở TP. Nha Trang, nhiều lần chứng kiến những người bán hàng rong tự tin trao đổi mua bán bằng tiếng Anh với người nước ngoài, tôi mong ước người dân ở thôn mình cũng biết nói tiếng Anh để mở mang kiến thức và theo kịp xu thế. Năm 2022, tôi về lại thôn và được bầu làm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn nên mạnh dạn xây dựng mô hình. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, mô hình phải ngừng lại, đến đầu năm nay mới khởi động lại. Cấp trên và người dân trong thôn rất hưởng ứng, đặc biệt thầy Hiếu nhận lời đứng lớp nên lớp bắt đầu hoạt động từ tháng 5-2024”, ông Chuẩn chia sẻ.
Nói về cơ duyên đến với lớp học, thầy Hiếu (giáo viên dạy tiếng Anh hơn chục năm) kể, quê ngoại của thầy ở xã Diên Sơn. Sau một thời gian sống ở đây, thấy người dân bị hạn chế về điều kiện học tập tiếng Anh nên thầy mong muốn đem kiến thức, kinh nghiệm dạy môn này để hỗ trợ người dân địa phương. Khi biết thôn mở lớp tiếng Anh miễn phí, thầy sẵn sàng tham gia dạy. Để duy trì lớp học, 5 tháng nay, vào tối thứ Ba và thứ Năm hàng tuần, thầy Hiếu chạy xe từ TP. Nha Trang lên Diên Sơn giảng dạy. “Với nhiều người, nói được những câu tiếng Anh có vẻ đơn giản, nhưng lại là nỗ lực rất lớn của những đứa trẻ vùng quê. Đây là lý do khiến tôi càng gắn bó hơn với lớp học”, thầy Hiếu nói.
Chờ con tan học, ông Nguyễn Kinh Doanh - phụ huynh của em Nguyễn Bảo Thuận, học sinh lớp 7, Trường THCS Mạc Đĩnh Chi hồ hởi nói: “Đầu tháng 5, khi Ban công tác Mặt trận thôn thông báo mở lớp tiếng Anh miễn phí, gia đình thấy hay nên đăng ký cho cháu học. Buổi đầu tiên đi học về, cháu rất thích thú. Từ đó đến nay, cháu chưa nghỉ học buổi nào. Không chỉ thế, mỗi tối khi học về, cháu đều tự ôn bài, tập nói lại những câu thầy dạy trên lớp, quay video lại gửi vào nhóm Zalo của lớp để thầy và các bạn góp ý. Mới đây, gia đình nhận được phản hồi từ cô giáo dạy tiếng Anh trên trường, khen cháu phát âm ngày càng chuẩn, tự tin, thường xung phong phát biểu trong giờ học. Nghe vậy, gia đình tôi rất vui và thầm cảm ơn thầy Hiếu, Ban công tác Mặt trận thôn đã mở lớp học ý nghĩa này”.
Đến tủ sách cộng đồng
Đến Nhà Văn hóa - Khu thể thao của thôn Đại Điền Tây 3 (xã Diên Sơn), chúng tôi bắt gặp 12 học sinh của thôn đang chăm chú đọc truyện, tiếng lật từng trang sách là âm thanh duy nhất vang lên ở đây. Trong gian nhà rộng gần 70m2, có 2 bàn gỗ đặt giữa phòng để các em ngồi đọc sách; phía góc tường trái là tủ sách cộng đồng cao khoảng 2,5m, rộng 1,5m2. Tủ sách còn thơm mùi gỗ mới, được chia thành 12 ngăn chứa đầy sách với đủ thể loại, từ truyện cổ tích Andersen, Grimm, cổ tích Việt Nam, truyện tranh Chú mèo Mốc, Doraemon, Thám tử lừng danh Conan, Đồng thoại Tô Hoài, các tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Ánh, đến sách dạy các kỹ năng phòng, tránh đuối nước, bạo lực học đường…
Các em làm bài kiểm tra từ vựng. |
Cầm quyển sách kể về cuộc đời của những thiên tài, em Nguyễn Hoàng Nhật Minh - học sinh lớp 6, Trường THCS Mạc Đĩnh Chi chia sẻ: “Từ khi có tủ sách, thứ Bảy, Chủ nhật em đều tranh thủ tới đây đọc. Ở đây nhiều sách lắm, đủ thể loại, em thích đọc nhất là truyện cổ tích, sách dạy các kỹ năng cho học sinh. Trước kia, chỉ vào dịp sinh nhật, mẹ mới mua cho em một số sách theo sở thích. Bây giờ em có thể tha hồ đọc nhiều loại sách”. Ngồi tách biệt với các em nhỏ, nhóm bạn Đỗ Ngọc Quỳnh Anh, Lê Ánh Hồng Nhung, Nguyễn Thị Thùy Trang - học sinh lớp 8, Trường THCS Mạc Đĩnh Chi mỗi người 1 quyển sách khác nhau. Quỳnh Anh chọn đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh, Thùy Trang đọc sách dạy các kỹ năng, còn Hồng Nhung lại chìm đắm trong truyện cổ tích Andersen. Em Quỳnh Anh cho biết: “Ở trường em cũng có thư viện, nhưng chúng em có ít thời gian để đọc vì thời khóa biểu khá dày. Vì vậy, nhóm em thường rủ nhau lên đây đọc. Nhờ có tủ sách cộng đồng ở thôn mà em được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng biết phản ứng đúng với nạn bạo lực học đường, tham khảo nhiều kiến thức rất bổ ích cho môn Văn học”. Được biết, mô hình “Tủ sách cộng đồng” do một mạnh thường quân tại TP. Hà Nội tài trợ với khoảng 1.000 đầu sách các loại, phù hợp với mọi lứa tuổi. Hàng quý, mạnh thường quân sẽ thu lại sách cũ, thay bằng sách mới hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân.
Các học sinh thực hành giao tiếp tiếng Anh. |
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Diên Sơn cho biết: Facebook, Tiktok, Youtube..., những kênh giải trí liên tục xuất hiện và được cập nhật liên tục thông tin mới mẻ, hiện đại, đa chiều, đa màu sắc là điểm nhấn thu hút nhiều bạn trẻ, trong đó chủ yếu là những trẻ em, lứa tuổi hồn nhiên, ít kiến thức sống trong xã hội, dễ bị thu hút bởi những chiếc điện thoại thông minh. Mô hình “Tủ sách cộng đồng” và lớp học tiếng Anh miễn phí không chỉ giúp học sinh, người dân nâng cao kiến thức, phát triển kỹ năng sống, mà qua đó góp phần hình thành xã hội học tập suốt đời như lời của V.L. Lênin “Học, học nữa, học mãi”.
Nguồn: Khơi dậy niềm đam mê tri thức
Lý Vân
baokhanhhoa.vn
- Hòa Bình: Lễ cầu ngư, thả hoa đăng trên sông Đà
- Khánh Hòa: Thêm địa chỉ hỗ trợ khách du lịch
- Lâm Đồng: Mô hình chuỗi liên kết du lịch nông thôn đầu tiên trên địa bàn 3 huyện
- Hà Giang: Quyết liệt giải ngân các nguồn vốn
- Dân ca "Páo Dung" trước nguy cơ mai một
- Hà Giang: Rộn ràng ngày hội Đại đoàn kết thôn biên giới Má Pắng
-
Son Heung Min ghi bàn thứ 50, đội tuyển Hàn Quốc tiến gần vòng chung kết World Cup 2026
-
Bảo hiểm PVI mở rộng kết nối tại Hội nghị Tái bảo hiểm quốc tế
-
Nguồn cung thị trường bất động sản sẽ được tháo gỡ từ năm 2025
-
Thaco tổ chức lớp đào tạo về trí tuệ nhân tạo
-
Tai tiếng của người mẫu Andrea trước vụ tiệc ma túy
-
Vinamilk lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa
-
Hàng rào kể chuyện quê hương
-
10 cầu thủ bị treo giò ở vòng 8 V-League là ai?
-
Những dấu ấn hợp tác quốc tế nổi bật của Petrovietnam năm 2024