Khánh Hòa: Những người con kiên trung của Tổ quốc
![]() |
Cán bộ, chiến sĩ hải quân kết vòng tròn, kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ 64 anh hùng liệt sĩ hi sinh trong trận chiến Gạc Ma năm 1988, tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, xã Cam Lâm. Ảnh V.G |
Một thời hoa lửa
Một ngày giữa tháng 7, chúng tôi đến thăm gia đình ông Trịnh Ngọc Thù - thương binh, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày (71 tuổi, xã Ninh Phước) khi ông đang cặm cụi ghi chép lại thông tin hội viên để kiện toàn Ban Chấp hành Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày xã sau sáp nhập. Ngồi bên hiên nhà, ông kể cho chúng tôi nghe về giai đoạn hoạt động cách mạng. Chứng kiến cảnh quân địch dày xéo xóm làng, nghe theo lời dặn của bố, năm 1967, ông Thù xin tham gia hoạt động cách mạng ở cơ sở khi mới 13 tuổi. Hằng ngày, cậu bé Thù trong vai đi bắt dông nhằm nắm tình hình hoạt động của quân địch. Khi nắm chắc được thông tin, cậu bé Thù lại vờ lên núi lấy củi đốt than để báo tin cho bộ đội. Từ những nguồn tin đó, nhiều đồn, chốt của địch đã bị quân ta bất ngờ đánh úp, tiêu diệt. Hoạt động liên tục, đến năm 1969, ông Thù bị địch nghi ngờ và bắt đưa về tra tấn, nhưng ông cương quyết không khai nên sau đó được thả về, tiếp tục hoạt động bí mật trong lòng địch. Rồi vào các năm 1973, 1974, ông có thêm 2 lần bị bắt giam, tra tấn tại nhà lao Mỹ Đức, nhưng cả 2 lần ấy ông đều tìm cách vượt ngục trở về cầm súng chiến đấu cho đến ngày thống nhất đất nước.
![]() |
Ông Trịnh Ngọc Thù đón nhận quà tri ân của lãnh đạo trung ương tặng. |
Theo tiếng gọi của cách mạng, đầu năm 1975, ông Nguyễn Duy Hoan (thương binh, 70 tuổi, ở Tổ dân phố 9, phường Phan Rang) viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Hòa chung đoàn quân Nam tiến, ông cùng đồng đội chiến đấu giải phóng nhiều vùng đất miền Nam. Đất nước thống nhất, ông tiếp tục tham gia chiến trường K giúp nước bạn Campuchia đánh Pôn Pốt. Năm 1978, trong một trận đánh vào đồn địch, ông Hoan bị trúng đạn vào vai trái, sau đó được đồng đội đưa về trạm quân y điều trị. Vài tháng sau, mặc dù vết thương chưa khỏi, nhưng ông Hoan tiếp tục xin ra trận cùng đồng đội chiến đấu. Liên tục lập chiến công nên năm 1980, ông Hoan được đơn vị kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngay trên chiến trường. “Năm 1981, sau khi giành thắng lợi tại một cứ điểm, tôi được đơn vị giao nhiệm vụ kiểm tra, gỡ mìn còn sót lại. Trong lúc kiểm tra, chẳng may tôi đạp phải quả mìn phát nổ làm nát 2 bàn chân, các mảnh đạn găm vào người khiến tôi ngất lịm; trong người hiện vẫn còn hàng chục mảnh đạn chưa được lấy ra” - ông Hoan kể.
![]() |
Lãnh đạo địa phương thăm hỏi ông Nguyễn Duy Hoan (bìa phải). |
Cũng như bao thanh niên khác, năm 1982, ông Lương Công Dũng (thương binh, 61 tuổi, xã Tân Định) tình nguyện viết đơn nhập ngũ. Sau vài tháng huấn luyện, ông được điều động vào mặt trận 579 giúp Campuchia truy quét quân Pôn Pốt và làm công tác dân vận. Ông Dũng kể: “Thời đó, chiến trường ác liệt lắm, bị sốt rét rừng như cơm bữa, nhưng không vì thế làm anh em nhụt ý chí chiến đấu. Để đánh vào sào huyệt của địch, ban đêm chúng tôi âm thầm phục kích, bố trí trận địa, bị đánh bất ngờ, địch không kịp trở tay tháo chạy vào buôn làng. Được lệnh, chúng tôi truy quét tiêu diệt quân Pôn Pốt tới cùng. Cũng trong trận đánh đó, tôi bị trúng đạn pháo làm nát cánh tay phải và được đưa về địa phương điều dưỡng”…
Chung sức xây dựng quê hương
Trở về địa phương, dù mang trên mình thương tích do chiến tranh, những người lính Cụ Hồ năm xưa luôn ngẩng cao đầu trong tâm thế của người chiến thắng và nỗ lực vượt khó để phát triển kinh tế gia đình, miệt mài góp sức xây dựng quê hương. Sau ngày giải phóng, do chưa biết chữ nên ông Trịnh Ngọc Thù đã được địa phương vận động đi học. Sáng dạ, chỉ vài năm sau ông đã hoàn thành chương trình giáo dục rồi được cử về công tác ở Công an huyện Ninh Phước (nay là xã Ninh Phước). Ở cương vị Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, ông Thù đã chỉ đạo và trực tiếp điều tra đưa ra ánh sáng nhiều vụ án, bắt nhiều đối tượng tội phạm, bảo vệ lẽ phải, quyền lợi cho nhân dân. Vì lý do sức khỏe, sau 11 năm làm công tác ở lĩnh vực công an, ông Thù xin nghỉ hưu. “Nghỉ hưu chưa được bao lâu, địa phương, nhân dân lại vận động bầu tôi làm công tác Hội Cựu chiến binh khu dân cư, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày xã. Vì đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, để hội hoạt động sôi nổi, hiệu quả, tôi đã tích cực vận động đóng góp xây dựng quỹ. Khoản trợ cấp chức vụ công tác hội mỗi tháng, tôi đều trích một phần đóng góp cho quỹ hội. Nhờ đó, công tác chăm sóc, thăm hỏi hội viên lúc ốm đau, qua đời được chu đáo hơn” - ông Thù tâm sự.
![]() |
Ông Lương Công Dũng (bên phải) luôn tích cực tham gia vận động người dân xây dựng đời sống mới. |
Dù mất đi cánh tay phải, nhưng ông Lương Công Dũng vẫn nêu cao ý chí và nghị lực vượt khó. Sau khi rời quân ngũ, ông được bố trí làm thống kê ở Hợp tác xã Nông nghiệp 2 Ninh Quang (nay là xã Tân Định). Làm được 3 năm, ông xin nghỉ rồi về mua lại 5.000m2 đất của người thân trồng lúa. Cần cù, chịu khó, tiên phong trong áp dụng tiến bộ khoa học, mỗi vụ lúa, ông thu hoạch đạt trên 60 tạ/ha. Từ đó, ông chia sẻ, hướng dẫn cách làm ăn cho bà con địa phương. Được người dân tin yêu, tín nhiệm nên đã bầu ông giữ nhiều chức vụ như: Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh thôn. Dù ở cương vị công tác nào, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong đó, phải kể đến việc ông vận động nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa, đưa cây trồng mới vào sản xuất, phòng chống dịch bệnh... đem lại hiệu quả cao. Ông cũng là người tiên phong vận động xây dựng Quỹ “Tương hỗ” để giúp nhiều cựu chiến binh có thêm điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Trong xây dựng nông thôn mới, ông tích cực kêu gọi người dân hiến hơn 300m2 đất mở đường, góp công trồng và chăm sóc tuyến đường hoa của thôn. Để đảm bảo an ninh trật tự, ông Dũng kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí lắp đặt camera dọc các tuyến đường, kịp thời phát hiện, xử lý nhiều đối tượng vi phạm pháp luật.
Qua hồi ức, chúng tôi mới cảm nhận được nghị lực vươn lên của ông Nguyễn Duy Hoan. Rời chiến trường về địa phương, ông được bố trí làm việc ở cơ quan thuế tỉnh. Công tác được gần 10 năm, ông xin nghỉ về mở công ty dịch vụ taxi Ngọc Hoa. Thời đó, hoạt động kinh doanh taxi gặp nhiều khó khăn, ông xin giải thể rồi mở cơ sở chế biến sôcôla góp phần tạo việc làm ổn định cho hơn 150 lao động địa phương. Điều hành đến năm 2020, do các vết thương thời chiến tái phát, ông giao lại công ty cho các con vận hành. Giờ đây tuổi cao, sức yếu, hằng ngày ông chỉ tham gia các phong trào của địa phương, vận động thế hệ trẻ tiếp bước truyền thống cách mạng của cha ông…
Ông Huỳnh Mạnh Thắng - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Tại lễ kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 2025 do trung ương tổ chức tại Hà Nội vào ngày 24-7, toàn tỉnh có 6 thương binh, người có công tiêu biểu tham dự, gồm các ông: Trịnh Ngọc Thù, Nguyễn Duy Hoan, Lương Công Dũng và bà Nguyễn Thị Sen (người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, ở xã Diên Khánh), Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Minh Thủy (phường Nha Trang), bà Tô Thị Minh (là vợ liệt sĩ, xã Vĩnh Hải). Đây là những người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, nỗ lực vượt khó trong phát triển kinh tế, tích cực tham gia hoạt động địa phương. Họ là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. |
Nguồn: Những người con kiên trung của Tổ quốc
Văn Giang
baokhanhhoa.vn
- Tuyên Quang: Đoàn đại biểu tỉnh dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Đường 9
- Lai Châu: Thăm, tặng quà gia đình liệt sĩ
- Khánh Hòa đón hơn 10,8 triệu lượt khách lưu trú trong 7 tháng năm 2025
- Lâm Đồng: Đồng chí K’ Mák thăm, tặng quà thương binh K’Rưng tại xã Đinh Trang Thượng
- Tuyên Quang: Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế truyền cảm hứng
-
Vinamilk có 5 nhãn hàng thuộc top 10 thương hiệu sữa được chọn mua nhiều nhất
-
Tử vi tuần mới (21-27/7/2025): Tuổi Tý năng lượng tràn đầy, tuổi Dậu đạt được mục tiêu
-
Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 23/7: Hà Nội và các khu vực trên cả nước
-
Taylor Swift, Selena Gomez gây sốt với phong cách thập niên 70
-
Lai Châu: Chi đoàn BIDV Chi nhánh viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh
-
Top 10 bản hợp đồng đắt giá nhất mùa hè 2025
-
Tuyên Quang: Thôn thông minh Khuôn Thống
-
Đội bóng thầy Park chia tay nửa đội hình
-
Dàn mỹ nhân đình đám quốc tế từng diện đồ của nhà thiết kế Công Trí