Khánh Hòa: Rộn ràng lễ hội Tháp Bà Pô Nagar
Nô nức đến với lễ hội
Dân gian xưa có câu “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ” nên cứ mỗi dịp tháng Ba âm lịch, người dân, khách hành hương ở trong và ngoài tỉnh lại nô nức tìm về Khu di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar để được hòa vào dòng người thành kính dâng lên Thiên Y A Na Thánh Mẫu - người Mẹ xứ sở những vật phẩm bình dị, cùng lời nguyện ước về những điều tốt đẹp sẽ đến với mọi người. Từ hơn 20 năm nay, cứ mỗi dịp Lễ hội Tháp Bà Pô Nagar, bà Vũ Nhàn (TP. Đà Nẵng) lại cùng các thành viên trong đoàn Tiên Tiên Thánh Mẫu hành hương về với Mẫu Thiên Y A Na. “Dù bận rộn đến đâu, mỗi dịp vía Mẹ, chúng tôi đều cố gắng thu xếp để được về bên Mẹ. Đoàn chúng tôi gồm 30 người đều chỉ cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, muôn nhà hạnh phúc. Chúng tôi đã đi lễ Mẫu ở nhiều nơi, nhưng Lễ hội Tháp Bà Pô Nagar vẫn là nơi được tổ chức bài bản, trang nghiêm nhất. Dù số lượng rất đông song mỗi đoàn hành hương đều được Ban tổ chức sắp xếp vào thực hành nghi lễ theo đúng quy định”, bà Nhàn chia sẻ.
![]() |
Người dân tham gia diễu hành trong Lễ hội Tháp Bà Pô Nagar. |
Theo thông tin từ Ban tổ chức, Lễ hội Tháp Bà Pô Nagar năm nay dự kiến thu hút hơn 100.000 lượt người dân, du khách, khách hành hương tham gia. Trong đó, đã có hơn 100 đoàn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu với khoảng 6.000 người ở trong và ngoài tỉnh đăng ký tham gia lễ Mẫu với Ban tổ chức. Cũng như những kỳ lễ hội trước đây, năm nay, Lễ hội Tháp Bà Pô Nagar lại đón số lượng lớn đồng bào Chăm về dự lễ. “Đồng bào Chăm khi đến lễ Mẫu thường mang theo những lễ vật rau củ, hoa trái, gà. Khi cúng, tôi thường cầu cho các gia đình có sức khỏe dồi dào, vợ chồng, anh em hòa thuận, con cháu ngoan ngoãn, học hành tấn tới. Về với Mẹ là ngày vui nên ai cũng chỉ nghĩ đến những điều tốt đẹp để nhớ về người đã có công khai hoang phục hóa, dạy bảo chúng dân” - ông Năm Trầu (thầy cúng ở xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) cho biết.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar được xây dựng từ thế kỷ VIII của Vương quốc Chămpa để thờ nữ thần Pô Nagar - Mẹ xứ sở của người Chăm. Đây là di tích duy nhất của đồng bào Chăm ở khu vực miền Trung có tượng thờ nữ thần Pô Nagar. Tại đây, việc tổ chức các nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu được duy trì liên tục trong suốt nhiều thời kỳ lịch sử. Đây cũng là trung tâm văn hóa tín ngưỡng thờ Mẹ xứ sở. Tục thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na, vị thần đặc biệt trong truyền thuyết dân gian người Việt đã có sự giao thoa, tiếp biến với tục thờ Mẹ xứ sở của người Chăm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 160 câu lạc bộ dân vũ thường xuyên thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Mỗi kỳ Lễ hội Tháp Bà Pô Nagar diễn ra, những đoàn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu này lại cùng với các đoàn hành hương ngoài tỉnh cùng nhau về đây phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống.
Tổ chức bài bản, chu đáo
Lễ hội Tháp Bà Pô Nagar năm nay có một số nét thay đổi trong công tác tổ chức; các nghi lễ được quan tâm thực hiện chỉn chu hơn; mọi công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong thời gian diễn ra lễ hội được đặc biệt quan tâm; các bộ phận, lực lượng được phân công nhiệm vụ cụ thể có sự phối hợp nhịp nhàng. “Đây là năm đầu tiên Khu di tích Tháp Bà Pô Nagar được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt nên việc tổ chức Lễ hội Tháp Bà Pô Nagar phải chỉn chu từ công tác chuẩn bị đến lúc lễ hội diễn ra để mọi người đến lễ hội thoải mái nhất. Về phần nghi lễ, có sự phục dựng các nghi lễ trước đây từng có như: Lễ rước nước, lễ cúng cầu an của đồng bào Chăm, lễ hội hoa đăng… Tất cả các hoạt động trong Lễ hội Tháp Bà Pô Nagar đều được nâng lên một cấp, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách tốt hơn” - ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết.
![]() |
Các thiếu nữ Chăm biểu diễn vũ điệu truyền thống trong đêm khai mạc Lễ hội Tháp Bà Pô Nagar. |
Lễ hội Tháp Bà Pô Nagar là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm của chính quyền, nhân dân tỉnh Khánh Hòa trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị cũng như tôn vinh nét đẹp văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng dân gian truyền thống. Lễ hội diễn ra trong 4 ngày với nhiều nghi thức, lễ hội truyền thống đặc sắc như: Lễ rước nước; lễ mộc dục; lễ rước kiệu; lễ cầu siêu; lễ thả hoa đăng, lễ cầu quốc thái dân an, lễ dâng hương, lễ cúng thí thực, lễ cầu an của cộng đồng Chăm; lễ cúng, lễ tế cổ truyền… Cùng với đó là hoạt động hát văn, múa bóng của các đoàn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu… Tất cả tạo nên bầu không khí rộn ràng, sôi nổi cũng như thể hiện cho tình đoàn kết toàn dân tộc, nghĩa đồng bào gắn bó keo sơn suốt bao đời nay để cùng nhau hướng về những điều tốt đẹp.
Nguồn: Rộn ràng lễ hội Tháp Bà Pô Nagar
Giang Đình
baokhanhhoa.vn
-
Duyên dáng Sắc hương xứ Trà 2025: Sân chơi mới cho nữ sinh Việt tỏa sáng
-
Petrovietnam và PETRONAS thúc đẩy hợp tác thăm dò dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam
-
PSI ra mắt chương trình ưu đãi đồng hành cùng nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường tài chính biến động
-
BSR tập trung nguồn lực triển khai dự án NCMR NMLD Dung Quất đúng tiến độ
-
Hà Giang: Nỗ lực đưa vốn giúp hộ nghèo vươn lên
-
Tử vi tuần mới (14-20/4/2025): Tuổi Hợi vận may tài lộc, tuổi Sửu cơ hội thăng tiến
-
HLV Park Hang-seo khen cầu thủ CLB Hoàng Anh Gia Lai
-
Mùa cây “thay áo”
-
BTV Hoàng Linh phản ứng ra sao giữa ồn ào quảng cáo sữa giả?