Khánh Hòa: Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng bền vững
Đình Bích Đầm - một điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách. Ảnh: Xuân Viên |
Tiềm năng lớn nhưng cũng nhiều hạn chế
Nằm cách bờ biển Nha Trang 15km, Tổ dân phố Bích Đầm có diện tích tự nhiên 250,9ha, 210 hộ gia đình với 867 nhân khẩu. Ngoài vẻ đẹp yên bình của một làng biển, Bích Đầm còn có Hải đăng Hòn Lớn (xây dựng cuối thế kỷ XIX, một trong những ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam), nhiều di tích như: Đình Bích Đầm, chùa Bích Sơn, miếu An Thanh… cùng những nét văn hóa đặc sắc của miền biển. Đây là những lợi thế để có thể xây dựng Bích Đầm thành một điểm du lịch cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang chia sẻ: “Việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại Bích Đầm rất phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh, định hướng chuyển đổi xanh của tỉnh và thành phố. TP. Nha Trang đã đặt quyết tâm xây dựng Đề án Du lịch cộng đồng xanh, bền vững ở Bích Đầm hướng đến tạo ra sản phẩm du lịch mới thu hút khách du lịch, tạo sinh kế bền vững cho người dân, góp phần phát huy giá trị văn hóa bản địa, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học biển…”.
Việc phát triển du lịch cộng đồng không chỉ là ý muốn chủ quan của lãnh đạo TP. Nha Trang mà còn đến từ nguyện vọng của người dân Bích Đầm, các doanh nghiệp du lịch. Đợt khảo sát mới đây của UBND TP. Nha Trang cho thấy, có hơn 94% hộ gia đình ở Bích Đầm ủng hộ việc phát triển du lịch cộng đồng ở đây và mong muốn được tham gia các mô hình du lịch cộng đồng như: Cung cấp dịch vụ ẩm thực, đưa khách đi tham quan và trải nghiệm đánh lưới, tổ chức dịch vụ câu đêm trên biển. Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng mong muốn chính quyền địa phương xây dựng Bích Đầm thành một điểm du lịch cộng đồng để có thêm sản phẩm phục vụ khách đi tour biển, đảo, bởi đến nay, Nha Trang - Khánh Hòa chưa có tour khám phá đời sống của cư dân ở các làng biển.
Dự thảo Đề án phát triển du lịch cộng đồng theo hướng xanh, bền vững tại Bích Đầm đặt mục tiêu đến năm 2030, tại Bích Đầm sẽ có 6 - 8 cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng đúng chuẩn; 80% người dân tham gia du lịch cộng đồng được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ du lịch; phục dựng các lễ hội truyền thống của người dân Bích Đầm, hình thành các chương trình văn nghệ mang đậm bản sắc địa phương để phục vụ khách du lịch; hoàn thành cơ sở dữ liệu và bản đồ số mô hình du lịch cộng đồng ở Bích Đầm… Đến năm 2030, đón 30.000 khách du lịch/năm (trong đó có 40% là khách quốc tế), tạo việc làm thường xuyên cho 450 lao động trực tiếp và 50 lao động gián tiếp. |
Tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng ở Bích Đầm rất lớn nhưng để đưa làng đảo này thành một điểm du lịch cộng đồng “đủ chuẩn” còn nhiều việc phải làm. PGS.TS Lê Chí Công - Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Nha Trang cho biết, hoạt động du lịch ở Bích Đầm còn khá sơ khai. Trên đảo hiện chỉ có vài hộ gia đình làm dịch vụ bán giải khát, 2 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, chưa có dịch vụ lưu trú; chưa có phương tiện chuyên chở khách du lịch ra đảo, mạng lưới giao thông kết nối các điểm du lịch tại Tổ dân phố Bích Đầm còn hạn chế. Đặc biệt, hệ thống điện lưới, nước sinh hoạt chưa được đầu tư… nên việc phát triển du lịch sẽ gặp khó.
Cần cải tạo về hạ tầng, sự tham gia tích cực của người dân
Tại hội thảo về Đề án phát triển du lịch cộng đồng theo hướng xanh, bền vững tại Bích Đầm do UBND TP. Nha Trang tổ chức vào ngày 2-12, đơn vị tư vấn và nhiều đại biểu đã đề nghị chính quyền địa phương tập trung quan tâm đầu tư về lưới điện và hệ thống chiếu sáng; hệ thống cấp nước sinh hoạt; hệ thống quản lý, xử lý chất thải, nước thải; nâng cấp, chỉnh trang công trình công cộng, khu dân cư, đường sá; trùng tu, tôn tạo các di tích, danh lam thắng cảnh, trồng thêm cây xanh; quan tâm đến vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn, an sinh (chú ý vấn đề kết nối Bích Đầm với bờ, với Hòn Mun và các khu vực xung quanh). PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam cho rằng, để phát triển du lịch cộng đồng ở Bích Đầm, cần phải đặt Bích Đầm vào trong tổng thể không gian phát triển của vịnh Nha Trang, xác định không gian phát triển của Bích Đầm và khu vực biển Hòn Mun trong sơ đồ phân vùng chức năng vịnh Nha Trang. Đặc biệt, ông lưu ý, phát triển du lịch cộng đồng ở Bích Đầm phải gắn với giữ nghề cá truyền thống, bảo tồn biển, đặc biệt là bảo tồn rạn san hô ở Hòn Mun; huy động nhiều nguồn lực đầu tư và cần dựa vào dân, phát huy giá trị bản địa và truyền thống. Để làm được điều này cần thành lập Tổ du lịch cộng đồng, xây dựng hoàn thiện nội quy, quy chế, ký cam kết gữa các bên liên quan để hướng đến phát triển du lịch cộng đồng bền vững.
Du khách tận hưởng không khí yên bình ở làng đảo Bích Đầm. Ảnh: Xuân Viên |
Đồng quan điểm, ông Phan Đình Phùng - Phó Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, du lịch cộng đồng thì người dân là chủ thể làm du lịch, cung cấp dịch vụ du lịch tại chỗ. Chính vì vậy, TP. Nha Trang phải đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về du lịch cộng đồng, định hướng, khuyến khích người dân ở Bích Đầm tham gia vào việc xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng; hướng dẫn họ đầu tư, kinh doanh các dịch vụ đủ chuẩn để phục vụ du khách, hướng đến nâng cao thu nhập cho người dân, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các hộ gia đình.
Về sản phẩm du lịch, nhiều đại biểu cho rằng, trước mắt có thể phát triển về du lịch tham quan di tích, trải nghiệm đời sống và văn hóa làng biển, kết hợp với dịch vụ ẩm thực; về lâu dài có thể vận động người dân phát triển dịch vụ lưu trú. Tuy nhiên, phát triển du lịch cộng đồng ở Bích Đầm cần phải kết nối tour tuyến hợp lý, tính toán sức chịu tải của Bích Đầm và vùng phụ để tránh quá tải, bền vững; không thương mại hóa quá mức làm mất giá trị, bản sắc văn hóa địa phương. Khi đầu tư xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng cần phải truyền thông, quảng bá và xây dựng, định vị Bích Đầm là điểm du lịch cộng đồng “xanh, bền vững”. “Để hình ảnh Bích Đầm được biết đến nhiều hơn, cần đẩy mạnh truyền thông quảng bá liên tục, mạnh mẽ và nhất quán. Trong đó, cần chú trọng quảng bá qua mạng xã hội, các video ca nhạc hoặc cảnh phim, mời những người nổi tiếng đến trải nghiệm du lịch và chia sẻ trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, cần khuyến khích người dân chủ động quảng bá, truyền thông để đưa hình ảnh chân thực, sinh động về đời sống ở đảo”, Tiến sĩ Đỗ Thị Mai Đoan Thục - Trường Đại học Thái Bình Dương bày tỏ.
Dù vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng với quyết tâm của lãnh đạo TP. Nha Trang, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, Bích Đầm có thể trở thành một điểm sáng về du lịch cộng đồng xanh, bền vững trong thời gian tới.
Nguồn: Xây dựng Bích Đầm thành điểm du lịch cộng đồng bền vững
Xuân Thành
baokhanhhoa.vn
-
Áo dài Huế được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia
-
Tiệm bánh Mizuki - Nơi chỉ có tình trong bánh
-
Vietsovpetro - Biểu tượng của tình hữu nghị tin cậy, bền vững
-
Xu hướng tiêu dùng của người Việt năm 2025
-
PV Power – hướng tới nguồn năng lượng sạch cho tương lai
-
Vinamilk: Một thương hiệu quốc gia “đặc biệt” và “khác biệt”
-
Vinamilk trao tặng hơn 8,2 tỷ đồng hỗ trợ mổ tim và mắt cho bệnh nhân nghèo
-
VCRIS 2024: Chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới nhất về mật mã và an toàn thông tin
-
Ông Nguyễn Đăng Trình giữ chức Tổng giám đốc PVOIL